Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Hồi tố trần chi phí lãi tiền vay
Mạnh Bôn - 26/06/2020 11:47
 
Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại đươc bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho 5 năm tiếp theo.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết chỉ làm tạm thời trước khi Chính phủ sửa đổi toàn diện Nghị định 20.

Nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%

Cuối cùng thì mong đợi của doanh nghiệp về việc nâng trần khống chế chi phí lãi vay đã được Chính phủ đáp ứng bằng việc ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017.

Theo đó, tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% (quy định cũ là 20%) của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ và cộng với chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định nêu trên (30%). Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

Do Nghị định 68 được áp dụng kể từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 nên đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 và 2018, các trường hợp thuộc đối tượng áp dụng Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 được khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp để xác định lại chi phí lãi vay, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng và nộp cho cơ quan thuế trước ngày 1/1/2021. Trường hợp khi khai bổ sung, số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).

Trường hợp doanh nghiệp có số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước lớn hơn hơn số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chậm nộp đã xác định thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2020 không đủ bù trừ hết thì phần còn lại đươc bù trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các năm tiếp theo nhưng không quá 5 năm. Tức là hết năm 2024, cơ quan thuế sẽ không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.

Yêu cầu cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp

Cũng theo Nghi định 68 năm 2020, trường hợp cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà ước có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp. Cơ quan thuế xác định lại số thuế phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch vào năm 2020 và 5 năm tiếp theo nếu vẫn chưa xử lý hết.

Việc xác định số thuế phải nộp được thực hiện tại trụ sở cơ quan thuế, không thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và cũng không thực hiện điều chỉnh lại kết luận thanh tra, kiểm tra năm 2017 và 2018. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực kể từ 1/7/2020) có quy định khá cụ thể về hoạt động chuyển giá và chống chuyển giá vì vậy, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ thông qua Nghị định sửa đồi đồng bộ, toàn diện Nghị định 20 năm 2017 trên cơ sở quản lý chặt chẽ tình trạng lợi dụng chuyển giá để trốn thuế, né thuế. Việc sửa đổi Khỏa 3, Điều 8, Nghị định 20 chỉ là giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế.

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, Tổng Cục Thuế:
Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, Tổng Cục Thuế: "Thực hiện Nghị định 68/2020, thu ngân sách nhà nước năm nay càng thêm căng thẳng"

Còn theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Thuế, việc cho phép doanh nghiệp lấy chi phí lãi vay bù trừ với lãi tiền gửi và lãi cho vay sau đó mới tính mức khống chế đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất nhiều trong việc huy động vốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế. Trong khi đó, quy định mới còn nâng trần chi phí lãi vay lên 150% (từ 20% lên 30%) càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ, tập trung vốn để duy trì hoạt động, phát triển sản xuất - kinh doanh đặc biệt trong bối cảnh có trên 90% đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19.

Ông Cường cho biết, cùng với việc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho daonh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính còn ban hành hàng loạt thông tư giảm 50% các loại phí, lệ phí phải nộp năm 2020 cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí còn cho phép các công ty xổ số được tính chi phí chi hỗ trợ người bán vé xố, đại lý vé xố trong thời gian nghỉ việc để thực hiện giãn cách xã hội là chi phí hợp lý, hợp lệ sẽ khiến ngân sách nhà nước năm nay giảm thu rất mạnh, ít nhất là 165.000 tỷ đồng.

“Nghị định 68 vừa được Chính phủ ban hành không chỉ hồi tố để áp dụng từ năm 2019 mà còn hồi tố cả năm 2017 và 2018 sẽ khiến ngân sách nhà nước năm căng thẳng hơn do giảm thu mạnh hơn số tiền 165.000 tỷ đồng được ước tính ban đầu khi chưa có Nghị định 68. Tuy nhiên, đây là hành động hỗ trợ kịp thời của Chính phủ nằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định hoạt động và phát triển trở lại”, ông Cường nói thêm.

Sửa đổi toàn diện quy định về chống chuyển giá
Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư