Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Hơn 1 triệu tỷ đồng chờ bơm ra nền kinh tế: Kích tiêu dùng để đẩy tín dụng
Trần Mạnh - 06/09/2024 08:46
 
Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu đẩy hơn 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, song hiện mới có 900.000 tỷ đồng được bơm ra. Trong bối cảnh sức mua dần cải thiện, nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng nhắm vào tín dụng tiêu dùng

Cùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ cho vay toàn ngành (hơn 3 triệu tỷ đồng), cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của các ngân hàng. Trước đây, động lực tăng trưởng của các ngân hàng chủ yếu đến từ bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Sau giai đoạn Covid-19, sức mua của người dân suy yếu, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng rất chậm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại, các ngân hàng đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng sẽ lấy lại vị thế động lực. “Ở các nước phát triển trên thế giới, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, tín dụng nhiều ngân hàng dựa quá lớn vào bất động sản, rất dễ rủi ro. Vì vậy, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.  

Điều đáng mừng là, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi. “Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ô tô”, chuyên gia phân tích MBS Research nhận định.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đang có hơn 30 chương trình ưu đãi với vay tiêu dùng được các ngân hàng tung ra.

Trước đó, cuối tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất…

Phải kích thích sức mua, xóa nỗi lo nợ xấu

Sau năm 2023 ảm đạm, nửa đầu năm nay, tín dụng tiêu dùng dần khởi sắc, mảng cho vay tiêu dùng của nhiều ngân hàng tăng trưởng khả quan trở lại. Khối công ty tài chính thua lỗ nặng nề trong năm 2023 cũng dần thoát khỏi khó khăn.

Nửa đầu năm nay, lợi nhuận của EVN Finance đã tăng tới 55,5%, HD Saison tăng 91,4%, Home Credit tăng 124,6%. Trong khi đó, một số công ty khác giảm lỗ đáng kể, như Shinhan Finance chỉ còn lỗ 95 tỷ đồng, thay vì mức lỗ 246 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; FE Credit chỉ còn lỗ hơn 700 tỷ đồng so với mức lỗ hơn 3.700 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái…

Theo báo cáo của FiinGroup, thị trường tài chính tiêu dùng đang bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, sự phục hồi sẽ rõ rệt hơn từ nửa sau của năm 2024. Song, kỳ vọng sẽ có những cơ hội phát triển thị trường này khi nền kinh tế được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. 

Mặc dù tín dụng tiêu dùng đang dần tăng trưởng dương, song theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh, tín dụng tiêu dùng muốn tăng trưởng không thể dựa vào ý chí của các ngân hàng, mà phụ thuộc vào sức cầu của xã hội. Vì vậy, muốn kích cầu tiêu dùng và tín dụng tiêu dùng, cần phải hỗ trợ cho cả phía cung, chính là các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi việc làm và thu nhập của người lao động được bảo đảm, người dân mới an tâm chi tiêu. 

Tương tự, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, tín dụng tiêu dùng chỉ có thể tăng trưởng nếu người dân tin tưởng vào thu nhập của mình trong tương lai. “Một khi người dân tin tưởng vào thu nhập của mình trong tương lai, họ sẽ cởi mở hơn trong vay vốn tiêu dùng”, TS. Lê Duy Bình khẳng định.   

Việc ứng dụng dữ liệu công dân cũng khiến các ngân hàng, công ty tài chính tự tin hơn trong cho vay tiêu dùng. Hiện tại, rào cản lớn nhất với cho vay tiêu dùng - ngoài vấn đề sức cầu - chính là khả năng thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, hiện nay, ngay cả với nợ có tài sản đảm bảo, các ngân hàng còn rất chật vật thu hồi. Do đó, với nợ vay tiêu dùng - đa phần là tín chấp - việc thu hồi nợ với các ngân hàng, công ty tài chính càng khó khăn.

Đây là lý do nhiều ngân hàng “chùn tay”, sàng lọc kỹ khách hàng cho vay, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Để thị trường này tăng trưởng bền vững, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần có thêm các quy định nhằm tăng trách nhiệm trả nợ của bên đi vay, đảm bảo cân bằng lợi ích của cả bên vay lẫn bên cho vay.

Người dân có thu nhập ổn định thì mới dám chi tiêu.

- Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Để cho vay tiêu dùng tăng tốc, trước hết cần giải quyết việc làm cho người dân, người dân có thu nhập ổn định thì mới dám chi tiêu. Bên cạnh đó, cũng cần có giải pháp để giải quyết tình trạng khó thu hồi nợ vay tiêu dùng của các ngân hàng, công ty tài chính, đặc biệt phải xử lý rốt ráo các hội nhóm bùng nợ.

Hiện nay, việc tích hợp định danh điện tử đang hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng, công ty tài chính trong chấm điểm tín dụng với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người vay. Tuy vậy, vẫn cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho thu hồi nợ để ngân hàng, công ty tài chính yên tâm hơn trong cho vay tiêu dùng.
Tín dụng tiêu dùng kỳ vọng hồi phục
Cầu tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng hồi phục trong năm nay, sau khi trải qua một năm giảm do kinh tế đi xuống, sức mua chậm, nợ xấu tiêu dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư