Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 12 năm 2024,
Hơn 1.000 ca nhập viện do thuốc lá mới chỉ trong một năm
D.Ngân - 04/10/2024 07:23
 
Số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 81 người sử dụng lần đầu và hơn 1.100 người từng dùng một thời gian.

Số liệu tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đây là con số rất đáng lo ngại, có trường hợp có dấu hiệu rối loạn nghiêm trọng. Tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng gặp nhiều ca bị tổn thương phổi cấp, một bệnh mới do thuốc lá điện tử.

Ông Khoa cũng khẳng định tất cả các loại thuốc lá đều có hại, thành phần chính là nicotine. Với thuốc lá điếu, chúng ta có kiểm soát được lượng nicotine vào cơ thể, còn thuốc lá mới thì không, mức độ gia tăng nghiện rất nhanh.

Các sản phẩm này cũng có mẫu mã phong phú, thu hút, hấp dẫn giới trẻ, đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ hút thuốc lá điện tử tăng nhanh chóng.

Cũng nói về nguy hại của thuốc lá mới, TS.Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, các sản phẩm thuốc lá đang gây ra số tử vong rất lớn, gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, chiếm 14% số tử vong trên thế giới.

Một điểm rất quan trọng là số tử vong này hoàn toàn có thể tránh được, 8 triệu ca tử vong này lẽ ra không xảy ra nếu chúng loại trừ được sản phẩm thuốc lá. Con số này cực kỳ lớn.

Thuốc lá cũng liên quan đến 11 loại ung thư khác nhau, trong đó chủ yếu là ung thư phổi. Tại Việt Nam, ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng đầu ở nam giới. Hút thuốc lá thụ động cũng rất nguy hiểm, gây ra tới 11 triệu ca tử vong, phụ nữ chiếm đa số, trẻ em cũng là nạn nhân.

Còn theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Việt Nam đã tham gia công ước khung về kiểm soát thuốc lá gần 20 năm, trong đó Điều 5.3 có nội dung về việc khi quy định các chính sách không bị lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động, đồng thời phù hợp với quy định của quốc gia,

"Vừa qua, có một số bác sỹ tham gia một số hội thảo do ngành công nghiệp thuốc lá đứng sau tài trợ, bác sỹ vô tư không biết việc làm của mình đã vi phạm điều 5.3 công ước khung”, bà Thủy nhấn mạnh.

Thông tin về Điều 5.3 FCTC, Thạc sĩ Phan Công Hiếu, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chia sẻ, FCTC là Công ước quốc tế đầu tiên về sức khỏe- là công cụ kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất của thế giới được thương thảo với sự bảo trợ của Tổ chức Y tế thế giới.

Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã phê chuẩn FCTC của WHO và có hiệu lực từ ngày 17/3/2005. Hiện, có tổng số 182 quốc gia trên thế giới đã tham gia Công ước này.

Về nội dung tại Điều 5.3 đã nêu rõ: Khi xây dựng và triển khai các chính sách y tế công cộng liên quan đến kiểm soát thuốc lá, các bên tham gia Công ước khi thực hiện bất kỳ tương tác cần thiết nào với ngành công nghiệp thuốc lá cần thực hiện theo cách mà không tạo ra ý niệm về quan hệ đối tác hay hợp tác có tiềm năng bắt nguồn từ hay dựa trên tương tác đó.

Các quốc gia thông gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận tư cách đối tác hay những thỏa thuận không ràng buộc hay không ràng buộc thi hành, cũng như bất kỳ dàn xếp tự nguyện nào với ngành thuốc lá hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào làm việc vì quyền lợi của ngành công nghiệp thuốc lá.

Các quốc gia tham gia Công ước không được chấp thuận, ủng hộ hay xác nhận bất kỳ đề nghị hỗ trợ hoặc đề xuất luật hay chính sách kiểm soát thuốc lá nào do ngành công nghiệp thuốc lá dự thảo hay phối hợp dự thảo.

Ths.Phan Công Hiếu cho biết thêm, để triển khai Điều 5.3 FCTC, Bộ Y tế đã xây dựng báo cáo trình Chính phủ về quan điểm tiếp cận giảm tác hại đối với thuốc lá truyền thống bằng thuốc lá nung nóng; báo cáo trình Chính phủ về quan điểm không tiếp và làm việc với Tập đoàn Phlip Moris để trao đổi về quản lý thuốc lá nung nóng;

Đồng thời báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư