Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Hợp tác đầu tư với Singapore: Doanh nghiệp Việt có thể tìm kiếm dòng vốn chảy ngược
Hợp tác đầu tư giữa Singapore và Việt Nam có bước tiến nhanh trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực càng gia cố thêm cho hợp tác đầu tư song phương, nhưng xu hướng sẽ tập trung vào công nghệ cao và số hóa.

Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cùng với các đối tác Becamex IDC, VSIP hợp tác thực hiện Dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn
Tập đoàn Sembcorp (Singapore) cùng với các đối tác Becamex IDC, VSIP hợp tác thực hiện dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Việt Nam trước vị trí “Trung tâm của ASEAN”

Thành công của Singapore ngày nay gắn liền với quá trình xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở, kết nối và linh hoạt. Nhìn lại 55 năm sau khi giành độc lập, Singapore giữ vị thế trung tâm chiến lược với kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới và con đường đi đến nền kinh tế tri thức là rộng mở.

Để duy trì vị thế trung tâm toàn cầu, Singapore liên tục tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm gắn quốc đảo này với các khuôn khổ hợp tác dựa trên những quy tắc và tiêu chuẩn cao về minh bạch, bền vững và bảo mật dữ liệu.

Riêng với EU, kim ngạch thương mại Singapore - EU đạt 93 tỷ SGD năm 2019 và Singapore là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của EU tại ASEAN. Ngoài thương mại, dấu ấn lớn trong hợp tác kinh tế Singapore - EU là sự hiện diện của hơn 10.000 doanh nghiệp EU tại Singapore và chọn quốc đảo này là “đại bản doanh” ở khu vực Thái Bình Dương. Singapore cũng là điểm đến hàng đầu của dòng vốn châu Âu đổ vào châu Á, trong đó, vốn đầu tư từ EU vào Singapore tăng nhanh trong những năm gần đây.

Với Hiệp định Thương mại tự do Singapore - EU (SEFTA), Singapore vẫn trong giai đoạn đầu thực thi, bởi hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 21/11/2019. “Đây là hiệp định thương mại song phương đầu tiên của EU với một quốc gia Đông Nam Á, hướng tới mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa châu Âu và Đông Nam Á - một trong những khu vực năng động nhất thế giới”. Lời khẳng định này của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, từ SEFTA, tầm nhìn của EU vượt ra khỏi hợp tác đơn thuần với Singapore.

Có nét khá tương đồng giữa Singapore và Việt Nam khi tham gia sân chơi toàn cầu và khu vực khi cả 2 quốc gia đều là thành viên ASEAN, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và ký FTA với EU. Đặc biệt hơn, hai quốc gia cũng có Hiệp định Khung Kết nối Singapore - Việt Nam, với các sáng kiến thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại hai bên.

Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế đặc biệt thuận lợi trong sản xuất chế tạo và nông nghiệp để tận dụng các điều khoản thương mại đã ký kết với các đối tác. Việc tham gia các FTA mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp và sản xuất của Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, tái cấu trúc nền kinh tế và cơ cấu lại thị trường lao động.

Từ EVFTA, Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh, đón thêm dòng vốn đầu tư từ châu Âu và thậm chí là cả những nhà đầu tư “ngoại” nhắm đến thị trường EU. EVFTA cũng giúp Việt Nam tăng sức hút trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm sản xuất chế tạo của khu vực và thu hút nhân tài, bằng cách khai thác vị trí trung tâm toàn cầu của Singapore. Bởi lẽ, các nền kinh tế ở châu Á không chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa dịch vụ cuối cùng của Singapore, mà còn là kênh hấp dẫn của các nhà xuất khẩu Singapore để tiếp cận thị trường bên ngoài. Chẳng hạn, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan là những thị trường trung gian quan trọng để công ty sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử Singapore tiếp cận thị trường Trung Quốc, trong khi vị thế của Philippines và Việt Nam trong lĩnh vực này cũng tăng lên trong những năm gần đây. Đặc biệt, vai trò của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ khi Việt Nam được đánh giá là trung tâm của khu vực ASEAN như phân tích trong Sách Trắng “Vietnam - a Regional Hub for ASEAN” được xuất bản bởi Diễn đàn Đổi mới sáng tạo đô thị ở Singapore vào tháng 11/2019.

Với các phân tích trên, rõ ràng, hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Singapore cần được thúc đẩy hơn nữa để tận dụng lợi thế của nhau. Ngoài điểm thuận lợi cho Việt Nam và Singapore khi cùng ký FTA với EU (cho phép áp dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhau), tiềm năng hợp tác kinh tế song phương cũng rất lớn theo Hiệp định Khung Kết nối Singapore - Việt Nam, đặc biệt trong 6 lĩnh vực, bao gồm: đầu tư, công nghệ thông tin - truyền thông, tài chính, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo và vận tải.

Số hóa và ứng dụng thông minh là xu hướng chính

Thông qua SEFTA và EVFTA, Singapore và Việt Nam đều có thể thúc đẩy làn sóng đầu tư và thương mại song phương, đưa hợp tác doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B) vào chiều sâu thông qua chia sẻ kết quả thực tiễn trong xây dựng thành phố thông minh, quản lý giao thông đô thị, bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng và sở hữu trí tuệ.

Shanmuga Retnam hiện là đối tác cao cấp, cổ đông góp vốn tại MARA Việt Nam. Ông từng là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. Trước khi sang Việt Nam làm việc, Retnam là Giám đốc Dự án tại Trung tâm Quản trị và Lãnh đạo thuộc Trường Công vụ Singapore thuộc Văn phòng Thủ tướng Singapore (2007 - 2010).

Đơn cử, đã có những hoạt động hợp tác đáng chú ý của Singapore tại Việt Nam thời gian qua, như việc Công ty Tư vấn phát triển hạ tầng và đô thị Surbana Jurong của Chính phủ Singapore đã tham gia Dự án Quy hoạch tổng thể Đà Nẵng, Hiệp hội Marketing số Singapore đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng khung khổ bảo mật dữ liệu, còn Temasek Polytechnic hỗ trợ đối tác Việt Nam về công nghệ nuôi trồng thủy sản, hay MARA Việt Nam thúc đẩy phát triển Ecopark Innovation District - khu vực mà Tập đoàn Ecopark tham vọng biến thành thung lũng công nghệ ở phía Đông Hà Nội, là nơi làm việc của hàng chục ngàn chuyên gia quốc tế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…

Một trong những sáng kiến hợp tác nổi bật giữa hai bên là việc thiết lập nền tảng E-form dưới sự bảo trợ của Mạng lưới Thành phố thông minh ASEAN (ASCN) do Singapore đề xuất. Với 3 thành viên gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng tham gia ASCN, phía Việt Nam có thể thu hút khu vực tư nhân tham gia vào chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp đô thị, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ từ EU và Singapore.

Các doanh nghiệp Việt Nam như Masso Group, Ecotek và Công ty Cung ứng phần mềm y tế EHC Việt Nam đã có những mảng miếng và ảnh hưởng nhất định trong nước. Đây là điều mà nhà đầu tư nước ngoài rất cần khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách rõ rệt về mức độ chuyên nghiệp và sự trau chuốt của các nhà cung cấp dịch vụ số của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, ngân hàng, nông nghiệp, bất động sản và chế tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, kỹ thuật số sẽ là hướng hợp tác phù hợp cho cả hai nền kinh tế thời Covid-19. Giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch kích thích nhu cầu lớn về các hệ sinh thái dựa vào công nghệ mới trên nền tảng Internet, như fintech, dịch vụ y tế, hội nghị và giáo dục, an ninh mạng và quyền riêng tư, logistics và thương mại điện tử.

Thời Covid-19, nhu cầu về các ứng dụng/mô hình theo dõi và kiểm soát dữ liệu mà các tập đoàn lớn đang phát triển là vô kể và Việt Nam với lợi thế nguồn lực công nghệ thông tin có thể tham gia sâu vào quá trình gia công các ứng dụng/mô hình đó.

Việc EVFTA đi vào thực thi mang lại những lợi ích kinh tế chiến lược cho Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam đạt được vị thế trung tâm ở khu vực ASEAN. Lợi thế từ việc trở thành trung tâm của khu vực có thể nhìn thấy rõ qua thành công của “Đảo quốc sư tử”. Việc Singapore đạt được vị trí nổi bật trên toàn cầu với vai trò trung tâm tài chính và vận tải đã thu hút được nhiều doanh nghiệp châu Âu thành lập các công ty phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) ở Singapore. Đây chính là bệ phóng quan trọng để từ Singapore, các doanh nghiệp này mở rộng địa bàn hoạt động sang Đông Nam Á lục địa. Các SPV là những pháp nhân được thành lập phục vụ hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) hoặc phát triển các dự án ở nước ngoài.

Với thị trường Việt Nam hiện nay, vẫn còn những khoảng trống mà doanh nghiệp trong nước chưa lấp đầy. Đó là những mảng miếng về công nghệ cao, hàng hóa và dịch vụ giá trị gia tăng cao mà doanh nghiệp châu Âu nói riêng và nhà đầu tư “ngoại” khác có thế mạnh, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp…

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai nước để thiết lập sự hiện diện tại Singapore (có thể qua hình thức SPV) để tạo dòng chảy thương mại đầu tư ngược từ Singapore về Việt Nam. Với vị trí “trung tâm ở khu vực” của Việt Nam, những doanh nghiệp Việt tại Singapore hoàn toàn có thể gọi vốn từ khu vực tư nhân ở Singapore và tạo lập danh tiếng toàn cầu từ đó.

Singapore giành được 3 thỏa thuận đầu tư lớn nhất Đông Nam Á
Thỏa thuận lớn nhất trong quý 1/2020 trong khu vực là khoản đầu tư 706 triệu USD của Krungsri Finnovate và MUFG Innovation Partners vào công ty gọi xe công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư