Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 12 năm 2024,
Hút thuốc lá thụ động nguy hại thế nào?
D.Ngân - 06/12/2024 07:23
 
Thuốc lá là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, không chỉ đối với những người trực tiếp hút thuốc mà còn đối với những người xung quanh.

Tác hại lâu dài, nguy hiểm

Ngoài tác hại gây ra cho người trực tiếp hút thì những người hít phải khói thuốc vẫn phải đối mặt với những tác hại lâu dài, thậm chí có thể nguy hiểm hơn so với việc hút thuốc trực tiếp.

Thuốc lá là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, không chỉ đối với những người trực tiếp hút thuốc mà còn đối với những người xung quanh.

Thuốc lá thụ động là việc không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ người khác, cả khói chính (khói do người hút trực tiếp thở ra) và khói phụ (khói phát sinh từ đầu điếu thuốc đang cháy).

Khói thuốc này chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 chất gây ung thư, cũng như các chất độc hại như carbon monoxide (CO), formaldehyde, amoniac và nhiều hợp chất gây hại khác. Do đó, những người không hút thuốc nhưng sống hoặc làm việc trong môi trường có người hút thuốc đều có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe.

Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến người lớn mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đối với trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu. Cụ thể như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gây ung thư phổi và các bệnh về hô hấp.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khói thuốc lá thụ động chứa nhiều chất gây ung thư, như formaldehyde, benzene và chất nitrosamine.

Những chất này có thể làm tổn thương tế bào phổi, tăng nguy cơ ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác như viêm phế quản mãn tính, hen suyễn, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)…

Với trẻ em, theo chuyên gia, khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, cảm cúm, ho khan, thậm chí là viêm phổi và viêm tai.

Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ phát triển các vấn đề về phát triển thần kinh và trí tuệ, đặc biệt là khi chúng tiếp xúc với khói thuốc trong giai đoạn sơ sinh và trong những năm đầu đời.

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như sinh non, thai nhi chậm phát triển hoặc bị dị tật bẩm sinh.

Khói thuốc có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe cả trong quá trình mang thai và sau khi sinh.

Những người bị bệnh về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, COPD hay những người mắc các bệnh lý tim mạch có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Khói thuốc làm tăng mức độ viêm nhiễm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, theo các bác sỹ tại đây, hiện nhiều người đến khám được chẩn đoán mắc bệnh về phổi, tim mạch, răng miệng….có liên quan đến thuốc lá, trong đó, không ít trường hợp hút thuốc lá thụ động. 

Bỏ thuốc lá không khó như nhiều người nghĩ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Trong đó, 64% là nữ. Ước tính, cứ 10 người hút thuốc tử vong thì 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, khuyến cáo người dân nếu đang hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Ngừng hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ bản thân và những người xung quanh.

Bởi theo bác sỹ này, nicotine có trong thuốc lá không gây ra các cơn vật, kích thích như các loại ma túy khác do vậy người dân hoàn toàn có thể bỏ được thuốc lá nếu quyết tâm.

Bác sỹ cũng khuyến cáo, trường hợp bị nghiện thuốc lá chưa thể bỏ hẳn được thì nên hạn chế hút thuốc lá trong phòng kín và chỉ nên hút tại những không gian cho phép hút thuốc lá. Khi cai thuốc lá thì nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ và có những loại thuốc giúp cai thuốc lá hiệu quả.  

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2013 đã quy định rõ các địa điểm cấm hút thuốc lá. Trong đó, các khu vực cấm hút thuốc lá hoàn toàn là: Cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao; khu vực trong nhà các nơi công cộng.

Tuy nhiên, việc thực thi Luật vẫn còn hạn chế do không đủ người đi kiểm tra, xử phạt, vì vậy, vẫn còn nhiều hành vi hút thuốc lá ở những địa điểm bị cấm. Biện pháp bảo vệ sức khoẻ tốt nhất không có gì bằng từ bỏ thuốc lá.

Suýt bị cưa chân vì nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá mỗi ngày hơn 1 gói, suốt 10 năm, nam bệnh nhân ở TP.HCM bị viêm tắc huyết khối động mạch chi dưới, hoại tử các đầu ngón chân lan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư