Thứ Năm, Ngày 24 tháng 04 năm 2025,
Hút vốn đầu tư vào ngành điện
Thanh Hương - 24/04/2025 08:38
 
Sau 2 năm kể từ khi Quy hoạch Điện VIII được ban hành, ngành điện vừa đón nhận Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh với những cập nhật, bổ sung mới.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong lần điều chỉnh quy hoạch này là sự gia tăng nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, theo quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt 26.066 - 38.029 MW, tức tăng thêm khoảng 20.000 MW so với hiện tại (chưa bao gồm 6.000 MW điện gió ngoài khơi). Về điện mặt trời, mục tiêu mới là đạt tổng công suất 46.459 - 73.416 MW vào năm 2030, tức tăng thêm hơn 28.000 MW so với hiện tại, gồm cả điện mặt trời tập trung và trên mái nhà.

Không chỉ phát triển nguồn năng lượng trong nước, chiến lược xuất khẩu và nhập khẩu điện cũng rõ nét hơn khi gắn khá chặt với các dự án năng lượng tái tạo.

Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề lưu trữ năng lượng cũng được quan tâm nhiều hơn trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh. Mục tiêu là phát triển hệ thống lưu trữ hàng ngàn MW, đặc biệt tại các vùng có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao như Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Mục tiêu tận dụng tối đa các nguồn năng lượng hiện có, nhất là năng lượng tái tạo ngay tại Việt Nam để sản xuất điện nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mà Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đưa ra cũng là giải pháp khôn ngoan, có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp (than, khí LNG), từ đó giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Song cần những điều kiện nhất định để đạt được mục tiêu này.

Bình luận từ các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cho hay, nếu quy định giá mua điện bằng đồng Việt Nam như hiện nay và không có liên thông tương ứng với ngoại tệ, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mặn mà với dự án điện, nhất là trong điều kiện kinh tế thế giới bất ổn như hiện nay.

Tiếp đó là yêu cầu ký hợp đồng mua bán điện với điều khoản “hoàn trả lại tiền điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN nếu có kết luận vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Điều này khiến nhà đầu tư ngoại e ngại, vì có những lỗi không cố ý lại có thể trở thành điểm nghẽn dẫn tới hồi tố, khiến dòng tiền của dự án không còn như kế hoạch ban đầu và nhà đầu tư lâm vào khó khăn.

Lo ngại trên cũng xuất phát từ thực tế hàng loạt dự án điện mặt trời và điện gió được phát triển mạnh thời kỳ 2018-2021 đã đi vào phát điện, song hiện phải đối mặt với nguy cơ lớn khi không giữ được tiền bán điện theo giá FIT trong hợp đồng mua bán điện vì có dấu hiệu vi phạm, cụ thể là thiếu hồ sơ theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền. Đáng nói là việc thiếu hồ sơ này được cho là bởi hướng dẫn không đầy đủ từ phía cơ quan chức năng, chứ không hoàn toàn do doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Hiện có 172 nhà máy năng lượng tái tạo chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm công nhận vận hành thương mại. Điều này khiến không ít nhà máy ký hợp đồng mua bán điện theo giá FIT1 (9,35 UScent/kWh), nhưng nay chỉ được tạm thanh toán theo giá FIT2 (7,09 UScent/kWh) hoặc theo mức bằng 50% giá trần của khung giá cho các dự án chuyển tiếp. Thậm chí, có dự án chỉ được tạm thanh toán theo chi phí vận hành để chủ đầu tư duy trì hoạt động.

Trên thực tế, từ khi chấm dứt cơ chế hỗ trợ giá FIT cho năng lượng tái tạo vào năm 2021 tới nay, công suất các nguồn này đưa vào rất thấp, chỉ có khoảng 1.200 MW điện gió và hầu như không có dự án điện mặt trời nào. Chính vì vậy, kỳ vọng tăng nhanh nguồn điện mặt trời và điện gió như Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đề ra đòi hỏi phải có đủ nguồn nhân lực lẫn thời gian triển khai các thủ tục như đấu thầu, chọn thầu, phê duyệt chủ trương đầu tư, thương thảo hợp đồng mua bán điện, giám sát, quản lý xây dựng và công nhận vận hành thương mại… Đây là thách thức không chỉ với chính quyền các địa phương nơi có dự án, mà ngay cả với EVN trong đàm phán hợp đồng lẫn đầu tư lưới truyền tải.

Thực tế trên khiến không ít nhà đầu tư quan tâm tới dự án năng lượng tái tạo phải thận trọng hơn, tìm hiểu sâu hơn, quan sát kỹ hơn cách giải quyết của các bên liên quan trong các tình huống hiện nay để có thể đưa ra quyết định tối ưu. Lẽ dĩ nhiên, khi nhà đầu tư thận trọng thì dòng vốn đổ vào ngành điện cũng sẽ chậm lại, khiến mục tiêu huy động vốn trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh là 136,3 tỷ USD cho 5 năm (2026-2030) sẽ gặp nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh (đang được xây dựng) phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, công khai. Như vậy mới có thể huy động được sức người, sức của từ cả nhà đầu tư lẫn cơ quan hữu trách để hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp ngành điện
Nhiều câu chuyện từ chính sách vĩ mô đến chuyện riêng của từng doanh nghiệp trở thành cơ sở hỗ trợ cho triển vọng ngành điện năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư