Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Khởi tố lãnh đạo lừa đảo 601 tỷ đồng của Vietcombank, cổ phiếu Việt An thêm “dặt dẹo”
Thanh Thủy - 14/06/2021 16:01
 
Tình trạng khó khăn của Việt An đã kéo dài hơn 5 năm qua. Từ một cổ phiếu thủy sản niêm yết trên HoSE, AVF đã bị đẩy xuống UPCoM, thậm chí chỉ còn được giao dịch chiều thứ 6.

Lận đận phận cổ phiếu "trà đá"

Sáng  ngày 11/6, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Ngô Văn Thu - Tổng Giám đốc Công ty Việt An (mã AVF -UPCoM), ông Lưu Bách Thảo – nguyên Tổng giám đốc, cùng 5 đồng phạm  về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong đó, ông Lưu Bách Thảo đã xuất cảnh sang nước ngoài từ nhiều năm nay.

Cổ phiếu AVF bị đưa vào diện hạn chế giao dịch năm 2015 nên chỉ giao dịch vào mỗi chiều thứ 6 hàng tuần. Cùng với “hung tin” liên quan đến việc khởi tố bị can và ra lệnh bắt đối với lãnh đạo/ nguyên lãnh đạo công ty, cổ phiếu AVF cũng chịu cảnh bán tháo. Khối lượng đặt bán cổ phiếu AVF chiều ngày 11/6 xấp xỉ 7 triệu cổ phiếu từ 360 lệnh bán. Tuy nhiên, ở bên mua, khối lượng chưa tới 1,6 triệu cổ phiếu. Toàn bộ gần 1,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với giá sàn (700 đồng/cổ phiếu), tương đương giá trị giao dịch 1,11 tỷ đồng.

Với thị giá rất thấp như hiện nay, mỗi bước giá thay đổi của AVF đều tương đương mức tăng/giảm kịch biên độ. Liên tiếp trong ba tuần gần đây (cũng là ba phiên giao dịch của cổ phiếu AVF), khối lượng bán ra đều áp đảo đầy cổ phiếu này liên tục lau sàn, bốc hơi 30% giá trị. Lượng dư bán đều áp đảo. Giá cổ phiếu giảm từ 1.000 đồng xuống còn 700 đồng, tương đương vốn hóa thị trường đạt 30,34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn về quá khứ, đây là sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng từ tháng 3/2021. Dù đang giao dịch ở mức thấp, chưa bằng giá một mớ rau hay cốc trà đá, tốc độ tăng trưởng của giá cổ phiếu trong 2 tháng đã lên tới 150%. Thời gian trước đây, cổ phiếu AVF chỉ loanh quanh mức 200 – 400 đồng/cổ phiếu.

Vỏ rỗng trên bờ mục ruỗng: Lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ đồng, vay nợ nghìn tỷ không riêng Vietcombank

Việt An tiền thân là Công ty TNHH An Giang – Basa được thành lập năm 2004 với ngành nghề chính là nuôi trồng và sản xuất thức ăn thủy sản. Năm 2010, công ty đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE. Đầu năm 2015, Việt An gây sốc khi công bố báo cáo tài chính với số lỗ quý IV 735 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn điều lệ của công ty. Thời điểm đó, công ty ghi nhận khoản chi phí khác 725 tỷ đồng, đồng thời hàng tồn kho nhanh chóng “bốc hơi”. Deloitte, công ty kiểm toán cho Việt An khi đó, đã từ chối đưa ra ý kiến do không thể thu thập đẩy đủ bằng chứng.

Hiện Việt An đã trễ hạn nộp báo cáo tài chính quý IV/2020 gần nửa năm. Gần nhất, tại báo cáo soát xét, công ty kiểm toán vẫn phải đưa ra kết luận trái ngược do không thể thu nhập đầy đủ bằng chứng kiểm toán. “Báo cáo tài chính của Việt An không phản ánh trung thực, hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của công ty”, PKF Việt Nam – đơn vị kiểm toán của Việt An chỉ ra.

Khoản lỗ lũy kế tiếp tục tích lũy các năm sau. Số liệu cập nhật mới nhất vào quý III/2020, lỗ lũy kế của Việt An là 2.407 tỷ đồng. Vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 433 tỷ đồng nhưng số nợ phải trả lên tới 1.997 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ với các ngân hàng đến

Sau khi trừ đi lỗ lũy kế, tổng nguồn vốn của công ty chưa tới 54 tỷ đồng.

Tài sản của công ty hiện chỉ còn nằm ở tài sản cố định (gần 52 tỷ đồng), khoản phải thu 1,2 tỷ đồng và số tiền mặt ít ỏi 32 triệu đồng. Ngay từ năm 2014 Việt An đã đề cập đến phương án tái cấu trúc công ty. Đến cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 tổ chức ngày 18/8/2020, cổ đông công ty tiếp tục thông qua chủ trương giao HĐQT lập phương án tái cấu trúc sản xuất kinh doanh và nhân sự Việt An.

Tương lai mới cho Việt An đến nay vẫn mờ mịt. Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can mới được công bố tuần trước. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5/2017, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay  trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Theo kết quả điều tra giai đoạn 2010-2014, công ty Việt An cùng với CTCP Xuất nhập khẩu Bình Minh và Công ty TNHH Minh Giàu đã lập 100 bộ hồ sơ vay vốn khống để chiếm đoạt số tiền trên 601 tỷ đồng của Ngân hàng Vietcombank.

Trong quá trình đó, một số đối tượng có liên quan đã giúp sức xuất hóa đơn khống mua bán cá tra, thức ăn thủy sản để làm điều kiện cho những công ty trên vay vốn chiếm đoạt số tiền trên hàng trăm tỷ đồng.

Agribank công bố báo cáo tài chính kiểm toán, hé lộ sự khác biệt về lợi nhuận
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư