Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không còn lý do chần chừ cổ phần hóa
Bảo Duy - 19/08/2019 08:29
 
Bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Hà Nội có 13 doanh nghiệp có tên trong Danh mục. TP.HCM có 38 doanh nghiệp..

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quy định rõ trách nhiệm như vậy trong Quyết định 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, thay cho danh mục ban hành kèm theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục Doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

Trong Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, phần trách nhiệm này không được ghi chi tiết như trên. Ngay cả Chỉ thị 01/2019/CT-TTg (về tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước) cũng chỉ ghi rằng, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện...

Một cách rất rõ ràng, không chỉ lãnh đạo 93 doanh nghiệp có tên trong Danh mục, người đứng đầu những cái tên được nhắc đến trong Quyết định 26/2019/QĐ-TTg trong vai đại diện chủ sở hữu nhà nước đều phải thấy rất rõ phần việc phải làm và trách nhiệm nếu không thực hiện được.

Trong số này, phải nhắc đến Hà Nội và TP.HCM - hai đơn vị có số lượng doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa lớn nhất trong khoảng một năm rưỡi tới đây. Hà Nội có 13 doanh nghiệp có tên trong Danh mục. TP.HCM có 38 doanh nghiệp.

Nhưng đây gần như là toàn bộ danh mục doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa của Hà Nội và TP.HCM trong năm 2018, theo chính kế hoạch mà hai thành phố này xây dựng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Văn bản số 991/2017/TTg-ĐMDN (phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020). Nghĩa là, trong năm 2018, cả hai đơn vị này đã không thực hiện cổ phần hóa được doanh nghiệp nào trong kế hoạch.

Sự chậm trễ của Hà Nội và TP.HCM đã khiến kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 của cả nước không theo đúng tiến độ. Đương nhiên, áp lực đang đổ dồn vào giai đoạn hiện tại, khi thời gian còn không nhiều. Mặc dù vậy, chưa thấy có thông tin chi tiết nào về trách nhiệm của những người đứng đầu trong trường hợp trên.

Lần này, mọi việc có thể sẽ không tái diễn, kể cả tiến độ thực thi và xác định trách nhiệm. Lý do là toàn bộ danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được điều chỉnh theo đề nghị của chính các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả sự thay đổi tiến độ và cả tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ trong doanh nghiệp.

Trong trường hợp của Hà Nội và TP.HCM, gần như toàn bộ doanh nghiệp của hai đơn vị này đã được chuyển sang danh mục do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, thay vì trong danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại Quyết định 58/2916/QĐ-TTg. Nhưng cũng phải nhắc lại, đây chỉ là bước quá độ của các kế hoạch này, bởi trong đề nghị điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa, cả hai thành phố đều cam kết sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp theo đúng tỷ lệ quy định tại Quyết định 58/2916/QĐ-TTg.

Trong Quyết định 29/2019/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu bộ trưởng bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.

Thủ tướng cũng yêu cầu, với các doanh nghiệp thuộc diện nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không năm giữ cổ phần, nếu muốn giữ tỷ lệ vốn nhà nước từ 36% đến 50% vốn điều lệ, cũng phải báo cáo. Đặc biệt, đi kèm với việc ban hành danh mục này, Chính phủ cũng đã giao việc cho các bộ, ngành rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo tháo gỡ các khó khăn trong quy trình thực hiện. 

Sẽ không còn nhiều đất để những người đứng đầu các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cũng như doanh nghiệp vin vào để lý giải cho những chần chừ, chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh, nhất là khi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả công việc này.

93 doanh nghiệp cổ phần hóa đến hết năm 2020, sắp đấu giá trọn loạt lô cổ phần
SCIC thông báo thoái vốn tại 3 doanh nghiệp đều theo hình thức đấu giá trọn lô. Hoạt động huy động vốn tuần qua cũng ghi nhận nhiều thương vụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư