Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu, giảm lương hưu
Hàn Tín - 29/05/2014 13:00
 
() Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sáng nay, hầu hết đại biểu Quốc hội đều không đồng tình với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam và thay đổi cách tính lương hưu.
TIN LIÊN QUAN

Lý do đưa ra đề xuất trên, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là để bảo đảm sự an toàn của Quỹ BHXH.

Với thời gian làm việc và cách tính lương hưu như hiện nay (70% thu nhập bình quân của người lao động trong 10 năm làm việc cuối cùng), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, Quỹ BHXH đang bị mất cân đối và nếu không có sự điều chỉnh thì nguy cơ vỡ quỹ sẽ xảy ra trong thời gian tới.

  Không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu, giảm lương hưu  
   Đại biểu Ngô Văn Minh (Đà Nẵng)  

“Tôi không đồng ý với đề xuất này”, Đại biểu Ngô Văn Minh thẳng thắn.

“Các đồng chí nói, sửa Luật BHXH là nhằm thể chế quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề này. Vậy các đồng chí chỉ cho tôi xem quy định nào, văn kiện nào, nghị quyết nào của Đảng nói rằng phải giảm lương hưu và tăng thời gian làm việc”, ông Minh phát biểu và cảnh báo, nếu không cẩn thận quy định này sẽ dẫn tới bất ổn xã hội.

“Ví dụ như ở Pháp, Chính phủ chỉ dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu thêm vài tháng đã xảy ra hàng loạt cuộc biểu tình. Còn ở Singapore, hơn 50% người lao động xuống đường biểu tình khi Chính phủ có ý định tăng tuổi nghỉ hưu”, ông Minh nêu thông tin.

Đại biểu Trần Tiến Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến vỡ Quỹ BHXH là mô hình tổ chức của Cơ quan BHXH… chẳng giống ai, quá cồng kềnh và làm việc không hiệu quả.

Ông Dũng và nhiều đại biểu Quốc hội khác hiện cũng không biết Cơ quan BHXH thuộc loại hình tổ chức nào: cơ quan quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp đặc biệt, hay là có chức năng như cơ quan thuế, tức là thực hiện nhiệm vụ thu và chi số tiền đã thu được cho người tham gia BHXH.

“Chẳng biết BHXH thuộc loại hình tổ chức gì, nhưng mặc dù để nợ BHXH gia tăng, tình trạng trốn ,tránh BHXH diễn ra phổ biến, thất thu BHXH không ai chịu trách nhiệm, nhưng nhân viên BHXH cứ hết tháng lĩnh lương, 3 năm một lần tăng lương đều đều”, ông Dũng phát biểu.

Theo ông Dũng, để bảo đảm an toàn cho Quỹ BHXH, một mặt Cơ quan BHXH phải cơ cấu lại tổ chức, tinh giảm biên chế, mặt khác thay vì việc nâng tuổi nghỉ hưu đồng loạt 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ bằng việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo ngành nghề.

“Nữ giới ngoài 55 tuổi trở ra làm trong lĩnh vực giao thông vận tải, nuôi dạy trẻ, da giày, may mặc… liệu có tiếp tục làm việc được không? Chắc chắn là không làm việc được nên người sử dụng lao động buộc phải chuyển họ sang làm việc khác để đợi tuổi nghỉ hưu. Nhưng làm gì có nhiều việc khác trong những lĩnh vực này để người lao động tiếp tục làm việc”, ông Dũng phát biểu và cho rằng, giải pháp tối ưu là điều chỉnh tuổi nghi hưu theo ngành nghề và nâng thêm 1-2% số tiền đóng BHXH của người lao động đồng thời vẫn giữ nguyên cách tính lương hưu như hiện nay.

“Nếu Quốc hội đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có không biết nhiêu kỹ sư, cử nhân đi làm xe ôm, bán nước mía, chạy bàn ở quán nhậu… vì cơ hội kiếm việc của họ chắc chắn sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, Đại biểu Phạm Trường Dân lo ngại.

Ông Dân cho rằng, ngay cả cách tính lương hưu như hiện nay  người lao động cũng đã rất thiệt thòi. “Có rất nhiều trường hợp người lao động đang làm việc thì bị chết hoặc chỉ mới “cầm sổ hưu” đã “đi theo ông bà ông vải”. Với những trường hợp này, người lao động coi như “mất trắng” toàn bộ số tiền đã đóng BHXH trong khi bố mẹ, vợ/chồng, con cái của những người thiệt phận chỉ được BHXH trả cho mấy triệu tiền tử tuất”, ông Dân nêu thực trạng và đề nghị Luật phải thiết kế các quy định bảo hiểm quyền lợi cho người lao động.

Đại biểu Ngô Văn Minh tính toán, một cử nhân ra trường được hưởng lương bậc 1 là 2,34 và cứ sau 3 năm tăng một bậc, lương cơ sở không điều chỉnh, lãi suất tiền gửi ngân hàng 6%/năm thì sau 30 năm đóng bảo hiểm, đáng ra cử nhân này được mức hưởng lương hưu là 4,4 triệu đồng/tháng nhưng thực tế họ chỉ được hưởng 2,85 triệu đồng/tháng (đối với nam) và 3,3 triệu đồng/tháng đối với nữ. Trong trường hợp cử nhân này không tham gia BHXH mà hàng tháng đem số tiền này gửi vào ngân hàng thì sau 30 năm họ được hưởng lãi suất 4 triệu đồng/tháng, không kể họ sẽ nhận lại toàn bộ gần 809 triệu đồng số tiền đã gửi ngân hàng.

“Tính toán ở trên cho thấy, ngay cả việc giữ nguyên tuổi nghỉ hưu và tính lương hưu như hiện nay, người lao động đã bị thiệt rất lớn”, ông Minh kết luận.

Để xử lý bài toán vỡ Quỹ BHXH, theo ông minh, giải pháp tối ưu là có thể tăng mức đóng góp của người lao động thêm 1-2% thu nhập. Việc điều chỉnh này so với thu nhập của người lao động là không nhiều, nhưng Quỹ BHXH sẽ thu được số tiền rất lớn. “Người lao động có thu nhập 5-10 triệu đồng/tháng, nếu nâng mức đóng góp thêm 1% thì mỗi tháng họ chỉ phải nộp thêm 50.000-100.00 ngàn đồng hoặc 100.000 - 200.000 đồng nếu nâng thêm 2% nhưng họ sẽ yên tâm hơn về thu nhập khi nghỉ hưu”, ông Minh phân tích.

“Ngoài ra, Cơ quan BHXH phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh hơn nữa nhằm tinh giảm bộ máy, nâng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí. Tôi sẽ yêu cầu Cơ quan BHXH Việt Nam phải công bố công khai toàn bộ số lượng người lao động, thu nhập bình quân, chi phí hoạt động trong 3 năm gần đây để các đại biểu Quốc hội có cơ sở khi thảo luận Dự thảo Luật BHXH sửa đổi”, ông Minh tuyên bố.
 

TIN LIÊN QUAN
Không tán thành tăng tuổi nghỉ hưu
Ngày Lao động, nói chuyện lương hưu, tuổi nghỉ hưu
Cách tính lương hưu mới: Nghĩa vụ tăng, quyền lợi giảm
Sẽ thay đổi cách tính lương hưu

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư