Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Không gian lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu từ "siêu hiệp định" RCEP
Thế Hoàng - 09/11/2021 09:24
 
RCEP sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022, tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
RCEP khi đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối.
RCEP đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối

Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do thứ 15 của Việt Nam, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022, tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu nhờ hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, hài hòa quy tắc xuất xứ và đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Không gian lớn cho xuất khẩu

Trả lời câu hỏi Việt Nam được lợi gì khi tham gia RCEP, trong khi đã có hiệp định thương mại với khối ASEAN (ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc) và FTA song phương với Hàn Quốc, Nhật Bản... tại sự kiện phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP mới đây, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã nhắc đi nhắc lại rằng, việc tham gia RCEP có tác động rất tích cực đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, kết nối chuỗi sản xuất khu vực.

"Kể cả trong điều kiện Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định thì khu vực thị trường rộng lớn của RCEP rất có lợi cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành hàng tận dụng được không gian tăng trưởng xuất khẩu để có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Lợi ích từ RCEP không chỉ giới hạn ở những lợi ích kinh tế, mà còn giúp phát huy vai trò trọng tâm của ASEAN trong các sáng kiến của khu vực. RCEP là minh chứng rõ nhất cho việc duy trì, thúc đẩy, định hướng cùng các đối tác xây dựng sân chơi chung, gắn với việc hài hòa quy tắc xuất xứ, hài hòa từng FTA hiện có của ASEAN với từng đối tác trong hiệp định", ông Dương nhấn mạnh.

Do đó, RCEP thực thi mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến nay, Ban Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhận được văn kiện phê chuẩn từ 6 quốc gia thành viên, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng như từ 4 quốc gia ký kết là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và New Zealand. Điều này có nghĩa là Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.

Theo đó, mục tiêu mà ASEAN hướng đến là hình thành không gian sản xuất chung kết nối với các nền kinh tế lớn trong khu vực nên RCEP chính là là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

RCEP được ký kết giữa 10 nước ASEAN với 5 nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Neww Zealand) vào tháng 11/2020. Đây là FTA tự do hóa thương mại lớn nhất toàn cầu về quy mô dân số so với các FTA khác, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Theo thỏa thuận, khi có 6 thành viên ASEAN và 3 đối tác phê chuẩn, RCEP sẽ có hiệu lực thi hành.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) lý giải, những cam kết mở cử thị trường của Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ tại RCEP cũng tương đương như cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ ASEAN, nên cơ bản sẽ không có bước đột phá về mở cửa thị trường dịch vụ, nhưng RCEP lại mở ra cơ hội lớn về xuất nhập khẩu, về phát triển các chuỗi cung ứng mới, đa dạng hóa nguồn cung. 

Theo bà Nga, RCEP đi vào thực thi sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu của ASEAN ổn định lâu dài. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của đất nước.

Tận dụng ưu đãi thuế quan dễ dàng hơn

 Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP được nhiều ngành hàng kỳ vọng sẽ tận dụng tối ưu ưu đãi thuế do tiêu chuẩn xuất xứ không cao như các FTA thế hệ mới CPTPP hay EVFTA.

Theo quy tắc này, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng.

Với RCEP, doanh nghiệp chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA ASEAN+ trước đây, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

RCEP còn tăng cường các quy tắc về đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại, doanh nghiệp thuận lợi hơn, chi phí giao dịch nhờ đó cũng giảm đi.

Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới. Bên cạnh đó, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu nằm trong RCEP nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt ở các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho rằng, RCEP gần như quy tụ tất cả các nguồn cung nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, chiếm 70% tổng kim ngạch nhập khẩu; quy tụ tất cả các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

"Quá trình thực thi các FTA trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nay, Trung Quốc và Hàn Quốc, 2 quốc gia cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Việt Nam đều nằm trong RCEP nên các vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan trở nên dễ dàng hơn", bà Trang phân tích.

Điều còn lại, doanh nghiệp trong từng ngành hàng cần phải tìm hiểu kỹ cam kết trong RCEP, so sánh với các FTA hiện hành để tận dụng FTA nào đạt hiệu quả cao nhất.

10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực thị trường RCEP hơn 193 tỷ USD (Nhập từ Trung Quốc 89,4 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ; từ Hàn Quốc 45,5 tỷ USD, tăng 21,4%, Nhật Bản 18 tỷ USD, tăng 0,9%, từ ASEAN 33 tỷ USD, tăng 34,8%).
Nhiều quốc gia phê chuẩn RCEP, "siêu hiệp định" sắp có hiệu lực
Với sự phê chuẩn RCEP của Australia và New Zealand, Hiệp định này đã đáp ứng được điều kiện để tiến gần hơn tới việc có hiệu lực vào...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư