Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Không hãng hàng không nào đói nếu làm ăn lành mạnh
Anh Minh - 11/12/2019 18:04
 
Đây là khẳng định của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về cơ hội tìm kiếm lợi nhuận của các hãng hàng không trong bối cảnh thị trường sắp đón nhận thêm 2 -3 cánh bay nội địa mới.
Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là khá cởi mở và có sức cạnh tranh cao.
Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá là khá cởi mở và có sức cạnh tranh cao.

Sáng nay (11/12), tại Hà Nội, Bộ GTVT đã tổ chức Tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Đây là cuộc tọa đàm khá đặc biệt với sự tham dự Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, CEO 2 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet; CEO ACV cùng 2 diễn giả đặc biệt là Giáo sư Nawal Taneja - Cố vấn cấp cao Trường kinh doanh Fisher, thuộc Đại học Ohio, Hoa Kỳ và ông Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương.

Một trong những chủ đề chính của cuộc tọa đàm là “Giải pháp để hàng không phát triển bền vững - Nhìn trực diện thách thức trong tăng trưởng”, các diễn giả sẽ cùng nhau trao đổi, làm rõ những vấn đề đặt ra hiện nay với ngành hàng không như tăng trưởng “nóng hay không nóng”, vấn đề quản lý nguồn nhân lực bao gồm cả phi công và thợ máy, cách nào để tránh “chảy máu chất xám” hay việc làm thế nào để thị trường cạnh trạnh lành mạnh, phát triển bền vững”.

Trả lời câu hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá như thế nào về việc hàng loạt doanh nghiệp đang xúc tiến việc gia nhập vào thị trường vận tải hàng không bên cạnh 5 hãng hàng không hiện hữu, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc ra đời các hãng hàng không mới là rất tốt bởi thị trường Việt Nam có điều kiện phát triển, có tiềm năng.

Ông Thắng cho biết, chỉ xét về hãng hàng không vận tải hành khách và hàng hoá, không tính hàng không chung, Thái Lan hiện nay có 16 hãng; Singapore có 1 thành phố, 1 điểm mà có 6 hãng; Malaysia 10 hãng; Indonesia 20 hãng; Phillippines 12 hãng. Trong khi đó, Vietnam Airlines với dân số gần 100 triệu dân, chúng ta mới có 5 hãng với gần 200 tàu bay. Nếu tính cả 3 doanh nghiệp đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vinpearl Air, Kite Air và Vietravel Airlines, chúng ta mới có 8 hãng hàng không. So với các nước xung quanh chúng ta, về số lượng là chưa bằng.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong trường hợp mở cửa thêm các hãng bay mới gia nhập thị trường thì để đảm bảo phát triển bền vững các cơ quan chức năng, phải đảm bảo miếng bánh thị trường cho tất cả hãng đầy đủ. Miếng bánh thiếu, cạnh tranh sẽ không lành mạnh ngay.

“Chúng tôi đánh giá tốc độ tăng trưởng của chúng ta so với nhu cầu của thị trường là tương đương. Rõ ràng với nhu cầu như vậy sẽ không có hãng hàng không nào đói nếu làm ăn lành mạnh.  Buồn nhất là không ai muốn thành lập hãng mới”, ông Thắng đánh giá.

Chia sẻ quan điểm này với lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng hiện  nhu cầu trong nước về dịch vụ hàng không là rất lớn. Chúng ta có 100 triệu dân nhưng mới chỉ có 200 tàu bay, 22 sân bay so với nhu cầu chắc chắn là chưa đủ. Việt Nam vẫn sẽ cần thêm nhiều tàu bay mới, các hãng mới để đáp ứng nhu cầu.

Với tư cách là một trong hai hãng hàng không đang nắm giữ thị phần nội địa lớn nhất hiện nay, ông Đinh Việt Phương cho rằng, từ những ngày đầu tiên đến nay Vietjet đã phải đối mặt với cạnh tranh, nên việc có thêm cạnh tranh nữa, đối với hãng hàng không thế hệ mới, cũng là bình thường.

“Việc cạnh tranh, nếu ngày hôm nay không có hãng mới thì chắc chắn ngày mai, ngày kia sẽ có. Đó là yêu cầu của thị trường”, ông Phương nhìn nhận.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietjet e ngại việc hạ tầng hàng không nhiều hạn chế đang khiến hoạt động của các các hãng gặp rất nhiều khó khăn.

“Miếng bánh dành cho các hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đang là 44 chuyến/ngày. Chúng tôi nhận được yêu cầu rất lớn của các địa phương là phải tăng tải. Nhưng giờ miếng bánh bé thế làm thế nào chia? Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT, của Cục Hàng không, chúng tôi vẫn đùa là “những người làm cha làm mẹ phải đẻ ra miếng bánh to hơn mới có thể chia cho các con”, ông Phương chia sẻ.

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, năm 2020, hãng hàng không quốc gia sẽ kỷ niệm 25 năm khai thác theo mô hình Tổng công ty nhà nước. Ngay từ ngày đầu, khi đó Việt Nam chỉ có một hãng, phục vụ mang tính chất nhiệm vụ an ninh chính trị, an ninh quốc phòng, chuyên chở hành khách theo hạn mức nhà nước giao, giá vé nhà nước quản lý. Tham gia vào thị trường quốc tế, hiện Vietnam Airlines đang phải cạnh tranh với 60 hãng hàng không hàng đầu trên thế giới…

Tại thị trường nội địa, trong những năm qua đã có nhiều hãng hàng không trong nước ra đời theo chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.

CEO Vietnam Airlines khẳng định là hãng hoan nghênh các hãng hàng không mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa rồi, có những nguồn lực hàng không thuộc loại hiếm và thiếu, xã hội chưa sẵn sàng, như phi công chẳng hạn. Những thông tin tranh giành phi công diễn ra cả năm vừa rồi. Có nhiều thời gian, nguồn lực này chưa được cung ứng đầy đủ. Việc một hãng lấy phi công của hãng khác không tạo ra cái gì mới trong xã hội mà chỉ làm đổ vỡ những kế hoạch có trước.

Quan điểm của Vietnam Airlines là trong thời gian tới là thị trường có rất nhiều cơ hội. Mỗi hãng có một con đường riêng của mình nhưng quản lý nhà nước hết sức cần thiết với chính sách quản lý rõ ràng là phát triển phải theo quy hoạch.

Với tư cách là chuyên gia hàng đầu thế giới về kinh doanh vận chuyển hàng không, Giáo sư Nawal Taneja cho rằng sẽ là không thừa nếu nhìn lại lịch sử hàng không Hoa Kỳ. Cụ thể, sau khi không còn kiểm soát hàng không từ năm 1978, hàng loạt hãng giá rẻ ồ ạt ra đời. Tuy nhiên tới nay, không một hãng bay giá rẻ nào tại Mỹ có thể tồn tại.

“Vậy vấn đề đặt ra câu chuyện là thành lập hãng hàng không giá rẻ có đúng không? Liệu có phải hãng hàng không giá rẻ có thể dẫn dắt thị trường muốn loại bỏ đối thủ, hay chỉ là hình thức cạnh tranh không lành mạnh mang tính phá hủy?”, Giáo sư Nawal Taneje đặt câu hỏi và cho rằng để duy trì lợi ích tốt nhất giữa khách hàng, hãng hàng không và nền kinh tế thì chính sách của Chính phủ phải cân nhắc các yếu tố về tài chính, hạ tầng và nhân lực.

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá.

Tại thị trường nội địa, hiện Việt Nam đang có sự tham gia của 5 hãng hàng không, góp phần xây dựng một thị trường hàng không có sức cạnh tranh cao. Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 dự báo tiếp tục được duy trì ở mức hai con số với mức độ tăng trưởng 11,8% về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn. Dự báo năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.

“Trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý nhà nước, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói và khẳng định: Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam thật sự bền vững, với một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước luôn hướng tới.

Gỡ nút thắt hàng không mới mong phát triển du lịch
80% khách du lịch đi bằng đường hàng không nhưng cơ sở hạ tầng hàng không tắc nghẽn đang là rào cản lớn cho phát triển du lịch.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư