Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Không nên du lịch hóa các sản phẩm điện ảnh
Nguyễn Linh - 11/09/2024 15:35
 
Đây là ý kiến của bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) khi chia sẻ về thực trạng hợp tác phát triển du lịch - điện ảnh của Việt Nam hiện nay.

Cần chiến lược dài hạn 

Điện ảnh góp phần không nhỏ trong việc quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các địa phương, vùng miền tới du khách trong và ngoài nước, giúp thu hút khách du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, song việc "du lịch hóa" các sản phẩm điện ảnh không phải là hướng đi đúng đắn.

Bà Lan nhấn mạnh: “Điện ảnh trước tiên phải có giá trị nghệ thuật và nội dung sâu sắc, chỉ khi tác phẩm có sức lan tỏa thì mới có thể quảng bá hiệu quả cho các điểm đến du lịch” Theo bà, nếu cố gắng lồng ghép các yếu tố quảng bá du lịch một cách gượng ép vào phim, có thể làm giảm chất lượng nghệ thuật của tác phẩm và không mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực. 

Bộ phim Kong: Skull Island chọn bối cảnh quay tại tỉnh Ninh Bình.

Đơn cử, hai bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (2015) và "Kong: Skull Island" (2016) được bà Lan đưa ra làm ví dụ điển hình về sự kết hợp thành công giữa điện ảnh và du lịch, nhưng không phải vì chúng cố tình lồng ghép yếu tố du lịch mà vì giá trị tự thân của các bộ phim này đã tạo nên sự hấp dẫn đối với người xem.

Việt Nam với lợi thế cảnh quan thiên nhiên phong phú và đa dạng, đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các đoàn làm phim quốc tế. Tuy nhiên, theo bà Ngô Phương Lan, dù Luật Điện ảnh 2022 đã mở ra nhiều tiền đề pháp lý mới, nhưng việc áp dụng trong thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu các văn bản dưới luật và các cơ chế hỗ trợ cụ thể. 

Mặc dù Nghị định 41 có đề cập đến các ưu đãi về thuế cho các đoàn làm phim, song khi đi vào thực tế, các ưu đãi này vẫn chưa được triển khai hiệu quả do thiếu sự hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan thuế.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay là sự thiếu vắng các cơ chế ưu đãi rõ ràng cho các đoàn làm phim nước ngoài đến Việt Nam. Trong khi Thái Lan có thể thu hút hàng trăm đoàn làm phim mỗi năm nhờ vào các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thì con số này tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. 

Bà Lan chia sẻ, nhiều đoàn làm phim quốc tế có xu hướng chọn các quốc gia khác như Thái Lan hay Philippines thay vì Việt Nam vì họ nhận được sự chào đón và ưu đãi tốt hơn. Điều này không chỉ làm mất đi cơ hội quảng bá du lịch cho Việt Nam mà còn là một sự lãng phí lớn về tiềm năng kinh tế và văn hóa.

Đồng quan điểm với bà Ngô Phương Lan, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho rằng sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch cần được thực hiện một cách khéo léo và có chiến lược. Ông Quý nhận định: “Không nên du lịch hóa các tác phẩm điện ảnh một cách cứng nhắc. Chúng tôi chủ yếu tập trung vào việc quảng bá sau khi bộ phim đã ra mắt và tạo được tiếng vang, thay vì cố gắng lồng ghép yếu tố du lịch ngay từ ban đầu”. 

Ông Quý cũng nhấn mạnh rằng, việc quảng bá hình ảnh du lịch qua các bộ phim bom tấn, đặc biệt là của Hollywood, là một phương thức tiếp cận hiệu quả, có khả năng lan tỏa sâu rộng đến hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để biến nhu cầu này thành các sản phẩm cụ thể, cần có kế hoạch thực hiện dài hạn với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng xúc tiến, làm đầu mối cho các dự án phim. 

Việc xác định đúng phương thức tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim khảo sát, lựa chọn bối cảnh, và hỗ trợ về chính sách là những yếu tố quyết định thành công.

Cụ thể, ông Quý đề xuất rằng cần có những thỏa thuận cụ thể về bảo mật thông tin, quảng bá và truyền thông khi triển khai các dự án phim tại địa phương. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu và tư liệu giới thiệu các điểm phim trường, cùng với các chính sách hỗ trợ đoàn làm phim, sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các dự án điện ảnh quốc tế.

Tại tỉnh Quảng Bình, ông Quý cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tại các địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp về công tác hậu cần cho các hãng phim, tạo điều kiện tốt nhất cho các đoàn làm phim khi đến khảo sát, triển khai dự án phim.

Theo đó, các địa phương cung cấp thông tin và tư vấn về cảnh quay, địa điểm, hỗ trợ sản xuất, quy định và thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề kỹ thuật; cách thức đoàn làm phim làm việc với người dân địa phương và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ như quay phim, làm kịch bản, thiết kế sản xuất, đóng vai quần chúng, nhân dân. 

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an ninh trật tự, bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện các bộ phim; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác khu, điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim.

Sự hỗ trợ từ chính sách

Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác giữa điện ảnh và du lịch là cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và cơ chế pháp lý linh hoạt. Hiện tại, mặc dù đã có Luật Điện ảnh mới cùng với Nghị định 41, song việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho quá trình thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam gặp nhiều trở ngại. 

Theo bà Ngô Phương Lan, cần nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật, cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cấp phép quay phim.Việc học hỏi từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan hay Philippines cũng là một hướng đi mà Việt Nam cần xem xét nghiêm túc. Các quốc gia này đã thiết lập những chính sách ưu đãi đặc biệt cho các đoàn làm phim, từ việc giảm thuế, hỗ trợ hậu cần đến việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép, giúp họ trở thành những điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu.

Nếu Việt Nam không nhanh chóng cải thiện các chính sách của mình, rất có thể sẽ tiếp tục mất đi cơ hội thu hút các dự án phim lớn, vốn có khả năng tạo ra những tác động tích cực đến hình ảnh du lịch và nền kinh tế địa phương.

Việc hợp tác giữa điện ảnh và du lịch mang đến nhiều tiềm năng phát triển cho cả hai ngành công nghiệp, nhưng cũng đòi hỏi sự thận trọng và chiến lược rõ ràng. Điện ảnh không nên bị du lịch hóa một cách cứng nhắc, mà thay vào đó, cần tập trung vào giá trị nghệ thuật và nội dung của tác phẩm. 

Để làm được điều này, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng làm phim. Thậm chí, chính quyền các tỉnh, thành có điểm đến hấp dẫn có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay tại địa phương mình với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương.

Ninh Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà làm phim quốc tế
Trao đổi bên lề tại Tọa đàm “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 10/9, ông Bùi Văn Mạnh, Giám...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư