Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm đầu tư tuần qua
Không thay đổi nhà đầu tư; phương án chia tách Dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái
Hạnh Nguyên (tổng hợp) - 07/06/2020 07:33
 
Tuần qua, Thủ tướng đồng ý không thay đổi nhà đầu tư và Bộ GTVT “bật đèn xanh” với phương án chia tách Dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái;…
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng đồng ý không thay đổi nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Liên danh Long Vân – Mặt Trời Vân Đồn – Công Thành vẫn sẽ là nhà đầu tư Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái ngay cả khi công trình này được chia tách.

Đây là một trong những nội dung rất đáng chú ý trong Thông báo số 197/TB- VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hôm 24/5.

Phối cảnh tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Phối cảnh tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc tách dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức BOT thành 2 dự án như đề xuất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Tư pháp để triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án (không thay đổi nhà đầu tư), đàm phán với Nhà đầu tư điều chỉnh hợp đồng dự án đã ký theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP, đầu tư công, đấu thầu và pháp luật liên quan, chặt chẽ đúng pháp luật.

Vào đầu tháng 5/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Đây là Dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc dài 80,23 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h với điểm đầu tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn và điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II, Tp. Móng Cái.

Công trình này có tổng mức đầu tư BOT là 11.195 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 10,67%, phần còn lại là vốn vay thương mại (10.001 tỷ đồng); thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 19,86 năm. Theo ấn định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án sẽ hoàn thành sau 22 tháng thi công với mốc khởi công công trình là tháng 4/2019.

Trong công văn số  2874/UBND – GT1 ngày 5/5/2020 do ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành 2 dự án độc lập.

Cụ thể, UBND Quảng Ninh xin điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án đường cao tốc Tiên Yên – Móng Cái với chiều dài 63,26 km. Tổng mức đầu tư Dự án điều chỉnh là 9.032 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng của Nhà đầu tư khoảng 8.422 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư các công trình phụ trợ khoảng 610 tỷ đồng.

Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên dài 16,08 km, có tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Tính tổng cộng, để hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo phương án điều chỉnh, kinh phí mà ngân sách Nhà nước sẽ lên tới 5.732 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí GPMB vốn được tách ra thành 1 dự án độc lập có tổng mức đầu tư 1.455 tỷ đồng.

“UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với Dự án BOT”, ông Thắng cho biết và khẳng định đây là thay đổi cần thiết để khơi thông thế bế tắc tại Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Được biết, sau hơn 1 năm triển khai, trên hiện trường, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn mới chỉ tiến hành thi công phát quang, dọn dẹp mặt bằng, đào đắp nền đường… với khối lượng thực hiện đạt khoảng 266 tỷ đồng.

Sở dĩ Dự án bị mất động lực dù cả các nhà đầu tư và địa phương đều rất sốt sắng là do doanh nghiệp dự án không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng dù đã khởi động quá trình đàm phán từ nhiều năm trước đó.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2018/TT – BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư PPP, đã xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa lãi suất vốn vay trong hợp đồng BOT mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết với nhà đầu tư vào tháng 9/2018 (7,728%/năm) với quy định của Bộ Tài chính (10,5% - 11%/năm) có hiệu lực từ ngày 12/11/2019. Vướng mắc liên quan đến điều khoản chuyển tiếp để điều chỉnh Hợp đồng dự án đã dẫn đến việc các tổ chức tín dụng không thực hiện thẩm định vay vốn.

Bên cạnh đó, sau khi các cấp có thẩm quyền thay đổi định hướng về phát triển Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn; tiến độ triển khai các dự án trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; quy hoạch, triển khai các dự án trong khu kinh tế Móng Cái và chính sách biên mậu có sự thay đổi đã ảnh hưởng lớn đến lưu lượng phương tiện trên tuyến. Trên thực tế, doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn được đưa vào khai thác từ tháng 2/2019 cũng thấp hơn nhiều so với dự kiến đã khiến cả nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ phải thận trọng hơn với phương án tài chính của Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Với những biến động nói trên, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) – Ngân hàng đầu mối thẩm định, cho vay vốn Dự án đã yêu cầu doanh nghiệp dự án báo cáo Cơ quan Nhà nước Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ngân sách để giảm bớt áp lực chi phí tài chính. Đồng thời, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có giải pháp tài chính/phi tài chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp dự án nhằm đảm bảo khả năng trả nợ khi nguồn thu Dự án không đạt như phương án tài chính.

5 tháng, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội đạt hơn 1 tỷ USD

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 và các tháng cuối năm 2020.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm ước đạt 102.923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 19,2%). Chi ngân sách địa phương thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 7.877 tỷ đồng, đạt 17,5% dự toán (cùng kỳ đạt 15,8%); chi thường xuyên 15.845 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán.

Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1,056 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 12,54 nghìn tỷ đồng. Có 10.034 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 147,29 nghìn tỷ đồng, giảm 13% về số lượng nhưng tăng 14% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; 1.019 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 16%); 5.928 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 39%); 2.877 doanh nghiệp hoạt động trở lại (bằng cùng kỳ năm 2019).

Các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 tiếp tục duy trì xếp hạng khá: Chỉ số PCI đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR Index đạt 84,64%, năm thứ 3 liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Các chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp: Chỉ số SIPAS đạt 80,09%, thấp hơn năm 2018 (83%) và xếp vị trí 52/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAPI đạt 41,53 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2018.

Bộ GTVT công bố tiêu chí chọn nhà thầu cải tạo, nâng cấp 2 đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất

Năng lực, kinh nghiệm thi công các công trình tương tự là 2 tiêu chí quan trọng để các nhà thầu được chọn cho 2 dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hiện các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác trong khi công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.
Hiện các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác trong khi công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.

Hiện các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác trong khi công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, hiện Ban QLDA Thăng Long -  đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Nội Bài và Tổng công ty Cửu Long - đơn vị quản lý Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và lựa chọn các nhà thầu tư vấn, giám sát và xây lắp cho 2 công trình đặc biệt này.

Ông Nguyễn Duy Lâm – Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, do đây là 2 công trình vừa thi công, vừa khai thác các cảng hàng không trọng yếu nên Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo để thực hiện các dự án.

Về tiêu chí lựa nhà thầu xây lắp, ông Lâm cho biết là để được lựa chọn các đơn vị phải đảm có đủ năng lực và kinh nghiệm thi công 2 dự án này theo những quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực về tài chính, nhân sự chủ chốt đảm bảo bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; có máy móc, trang thiết bị phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật và tiến độ của dự án; về kinh nghiệm phải đảm bảo đã từng thi công công trình tương tự.

”Công tác này đang được khẩn trương thực hiện để tiến hành giao thầu xây lắp, đảm bảo tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020”, ông Lâm khẳng định.

Tại Nghị quyết số 41/NQ-CP, Chính phủ, xác định 2 dự án này là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp. Tại văn bản số 626/TTg-CN ngày 27/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ GTVT được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật để triển khai thực hiện.

Theo Công ty TNHH một thành viên Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), nếu tiến hành tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu xây lắp 2 dự án theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định..., tương tự như các dự án đầu tư công thông thường thì chỉ có thể  khởi công vào cuối tháng 12/2020. Nếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì rút ngắn được khoảng 2 tháng và dự kiến khởi công cuối tháng 10/2020. Đối với trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) sẽ giúp Bộ GTVT khởi công 2 dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào cuối tháng 6/2020.

Được biết, do tính chất rất đặc thù và yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ, an toàn bay… nên tại Việt Nam, số lượng các nhà thầu có thể đảm nhận việc thi công cải tạo, nâng cấp 2 đường cất hạ cánh CHKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không nhiều. Ngoài Tổng công ty Xây dựng hàng không – ACC; Tổng công ty Trường Sơn (Bộ Quốc phòng), cũng chỉ có 1 vài nhà thầu dân sự khác như: Đèo Cả, Cienco4, Cienco6...

Hiện các đường cất hạ cánh tại CHKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến an toàn hoạt động khai thác; đồng thời công tác duy tu đang thực hiện tại 2 cảng hàng không trên chỉ đảm bảo duy trì khai thác.

Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng hư hỏng, bong bật mặt đường đột xuất khi tàu bay lăn, cất hạ cánh, tạo ra FOD (vật thể lạ) va chạm vào tàu bay, gây hư hỏng cháy nổ, ảnh hưởng đến an toàn bay, có thể phải đóng cửa đường cất hạ cánh bất cứ lúc nào để sửa chữa.

Vì vậy việc sớm triển khai thực hiện 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh vào cuối tháng 6/2020 hoặc đầu tháng 7/2020) là cần thiết, đặc biệt vào thời điểm này tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng hàng không là rất thấp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Sau thời điểm hết dịch, kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh, nhu cầu đi lại, giao thương cũng tăng theo, khi đó tình trạng quá tải sẽ trở nên nghiêm trọng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh để thực hiện cải tạo, nâng cấp sẽ càng thêm khó khăn”, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV đánh giá.

Được biết, tổng mức dự án của 2 dự án là 4.046,963 tỷ đồng, trong đó, CHKQT Nội Bài là 2.031,653 tỷ đồng, CHKQT Tân Sơn Nhất là 2.015,310 tỷ đồng. Theo yêu cầu của Thủ tướng, thời gian xây lắp 2 dự án từ năm 2020 đến năm 2021, thời gian hoàn thành công tác thanh quyết toán năm 2022.

Nhật Bản rót vốn nghiên cứu phát triển cảng Liên Chiểu

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng đề xuất UBND thành phố thống nhất tiếp nhận dự án khảo sát, thu thập số liệu nghiên cứu phát triển cảng tại Đà Nẵng do JICA (Nhật Bản) tài trợ.

Phối cảnh Dự án Cảng Liên Chiểu.
Phối cảnh dự án Cảng Liên Chiểu.

Ngày 3/6, Sở KH&ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, đã đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép tiếp nhận dự án khảo sát  thu thập số liệu nghiên cứu phát triển cảng tại Đà Nẵng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Đồng thời giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan lấy ý kiến về Biên bản thỏa thuận Dự án này.

Theo Sở KH&ĐT TP. Đà Nẵng,  Sở đã có thư gửi JICA đề nghị hỗ trợ phát triển dự án cảng Liên Chiểu, quy hoạch khu đô thị cảng và các chương trình, dự án liên quan khác. Qua quá trình trao đổi, thảo luận, JICA đồng ý hỗ trợ thành phố Đà Nẵng triển khai dự án Khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án Phát triển cảng tại Đà Nẵng.

Phạm vi của dự án là rà soát, thu thập các số liệu về dự án cảng Liên Chiểu và quy hoạch phát triển cảng. Đề xuất chiến lược Quy hoạch phát triển cảng và các khu vực lân cận; Lập quy hoạch cảng giai đoạn 2025-2040; Đề xuất hướng tuyến đường nối phù hợp với Cảng Liên Chiểu và kết cấu hạ tầng đường hiện hữu. Xem xét tính khả thi của việc phân dịch hợp phần đầu tư công/tư (đưa ra phạm vi nghiên cứu tiền khả thi hợp phần kêu gọi tư nhân theo quy định của Việt Nam);

Kết quả nghiên cứu là cơ sở để JICA tiếp tục xem xét, hỗ trợ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Bến cảng Liên Chiểu (Hợp phần kêu gọi đầu tư tư nhân) theo quy định của Thông tư số 09/2018/NĐ-CP ngày 18/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và các dự án, chương trình liên quan.

Kinh phí thực hiện Dự án khảo sát  thu thập số liệu nghiên cứu phát triển cảng tại Đà Nẵng là 50 triệu Yên Nhật (tương đương 11 tỷ đồng). Tổ chức JICA trực tiếp lựa chọn tư vấn thực hiện nghiên cứu và quản lý, sử dụng nguồn vốn của dự án. Thời gian thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11/2020.

Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu gồm 2 phần: phần cơ sở hạ tầng dùng chung, dự kiến đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước và phần kêu gọi đầu tư có các khu bến cảng, các bãi chứa container, kho hàng tổng hợp, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, mua sắm thiết bị và hình thành khu đô thị cảng.

Đối với phần cơ sở hạ tầng dùng chung, UBND thành phố đề nghị đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn; tàu container có sức chở từ 6.000 - 8.000 TEU; bảo đảm lượng hàng thông qua từ 3,5-5 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch...

Dự kiến, tổng mức đầu tư cho hợp phần này là 3.426 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.995 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn và dự phòng. Thành phố Đà Nẵng dự kiến góp 12,6% tổng mức đầu từ ngân sách địa phương, bố trí trong giai đoạn 2021-2025; phần còn lại do ngân sách Trung ương đầu tư.

Lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của các Bộ để tính toán cụ thể các phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị.

Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho Dự án; chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 phương án đầu tư Dự án thành phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đó, đối với phương án 1, Dự án sẽ đầu tư xây dựng quy mô 4 làn hoàn chỉnh, nền đường rộng 22 mét, chiều dài 43 km, tổng mức đầu tư 8.790 tỷ đồng (nhà đầu tư 1.750 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 2.160 tỷ đồng, vốn vay thương mại 3.400 tỷ đồng).

Đối với phương án 2, thực hiện GPMB quy mô 22 mét, trong đó, đầu tư đoạn Km1+800-Km17+420 (nút giao QL.4B), quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 13,5 mét; đoạn Km17+420-Km44+750, quy mô 4 làn hạn chế, nền đường rộng 17,5 mét, tổng mức đầu tư 5.947 tỷ đồng (nhà đầu tư 1.600 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.000 tỷ đồng, ngân sách trung ương 1.347 tỷ đồng, vốn vay thương mại 2000 tỷ đồng).

Để có cơ sở lựa chọn phương án tối ưu, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị nghiên cứu bổ sung phương án phân kỳ: GPMB và đầu tư nền, công trình theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh rộng 22 m, phân kỳ đầu tư mặt đường theo quy mô 17,5 mét và 13,5 mét như đề xuất của tỉnh Lạng Sơn (tương tự như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai). Phương án này sẽ thuận lợi và tiết kiệm trong việc đầu tư mở rộng giai đoạn theo quy mô hoàn chỉnh, nhất là tại các vị trí đào sâu, đắp cao.

Theo chủ trương đầu tư ban đầu của Bộ Giao thông vận tải, Dự án xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được xây dựng quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 8.743 tỷ đồng, sử dụng nguồn vay vốn thương mại từ ADB do VEC đầu tư. Song trước nguy cơ có thể gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và giao cho UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ vốn từ chối cho vay với quy mô đầu tư ban đầu do lo ngại không thể hoàn được vốn.

Hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giống phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 703/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Được thực hiện trong 10 năm, Chương trình chia theo 2 kỳ kế hoạch (2021 - 2025 và 2026 - 2030). Tổng mức vốn thực hiện Chương trình là 103.050 tỷ đồng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, mở rộng lưu giữ khoảng 45 - 52 nghìn nguồn gien cây trồng, vật nuôi; đánh giá và khai thác nguồn gien nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống; nghiên cứu đưa vào sản xuất những giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu cao với sâu và bệnh hại, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; xuất khẩu một số giống cây trồng, vật nuôi sang thị trường các nước.

Ngành trồng trọt, đảm bảo sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1; sử dụng giống ngô lai đạt trên 95%; 100% diện tích (chè, cao su, chuối), 80 - 90% diện tích (cà phê, điều), 70 - 80% diện tích (cam, bưởi), 40 - 50% diện tích (hồ tiêu, sắn) trồng mới được sử dụng giống đúng tiêu chuẩn; trên 95% giống nấm được sử dụng đạt tiêu chuẩn cấp 1; sản xuất giống rau trong nước đáp ứng 25 - 30% nhu cầu.

Ngành lâm nghiệp, tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%; ngành chăn nuôi, đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với lợn đạt 95%, gia cầm đạt 85 - 90%.

Đối với ngành thủy sản, đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; tôm thẻ chân trắng bố mẹ được sản xuất trong nước đáp ứng 30% nhu cầu; 100% giống tôm thẻ chân trắng, 100% giống cá tra và 50 - 60% giống tôm sú được kiểm soát chất lượng và sạch một số bệnh.

Chương trình đề ra 3 nhiệm vụ chính gồm: Phát triển khoa học công nghệ về giống; phát triển sản xuất giống; hoàn thiện hệ thống giống.

Trong đó, về phát triển khoa học công nghệ về giống, nhiệm vụ đặt ra là thu thập bảo tồn, lưu giữ, đánh giá, tư liệu hóa, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn gen cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quản lý đàn giống gốc vật nuôi; nuôi giữ đàn giống gốc, ưu tiên các giống vật nuôi bản địa; nâng cao năng suất, chất lượng đàn giống gốc; nhập nội các giống có tiềm năng di truyền cao, tiên tiến; củng cố và hoàn thiện hệ thống giống hình tháp.

Về phát triển sản xuất giống, nhiệm vụ đặt ra là nhập nội, mua bản quyền giống mới; bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội; xây dựng và chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống; sản xuất giống các cấp; bảo quản, chế biến hạt giống theo hướng công nghiệp; nhập công nghệ sản xuất giống, hoàn thiện công nghệ sản xuất giống; đào tạo, tập huấn; kiểm soát chất lượng giống...

Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo, sản xuất giống, đặc biệt là nhân giống cấp xác nhận (hoặc tương đương), đáp ứng yêu cầu giống đúng tiêu chuẩn cho sản xuất.

Hà Nội sắp tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2630 - TB/TU của Thường trực Thành ủy Hà Nội về chủ trương tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển".

Văn bản nêu rõ, việc tổ chức hội nghị sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định cho các nhà đầu tư lựa chọn.

Thông qua Hội nghị, Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đồng thời, cũng là giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước và thu ngân sách trên địa bàn đạt dự toán được giao.

Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt chủ trương nêu trên. Trong đó lưu ý bảo đảm thiết thực, hiệu quả, an toàn và có giải pháp phòng ngừa dịch Covid-19; phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật.

UBND TP xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện việc trao quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư tại hội nghị nêu trên theo đúng thẩm quyền. Quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án cần đặc biệt coi trọng các quy trình, thủ tục và thẩm quyền theo đúng quy định.

Đồng thời, bám sát và tuân thủ định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo chủ trương của Bộ Chính trị; bảo đảm thu hút có chọn lọc các dự án phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tăng cường công tác truyền thông trước, trong và sau hội nghị gắn với quảng bá về các thành quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 5 năm qua; giới thiệu Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các nhà đầu tư nghiên cứu, xúc tiến đầu tư.

Bộ Giao thông lên tiếng về việc tổng thầu Trung Quốc cần 50 triệu USD để hoàn thiện đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông tin chính thức liên quan đến việc Tổng thầu Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cần 50 triệu USD trước khi bàn giao công trình.

Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các công việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa 1 số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống; chỉnh sửa, hoàn thiện Hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao Dự án.

Do ảnh hưởng của dịch CoVid-19 trên toàn thế giới, đến nay các nhân sự của Tổng thầu, TVGS, Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT của Pháp) vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án do khó khăn trong các thủ tục cấp visa, vận chuyển đưa đón nhân sự, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của Dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Ban QLDA Đường sắt thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Tổng thầu, Tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan để thống nhất giải quyết từng vấn đề cụ thể của Dự án. Theo lãnh đạo của Ban QLDA Đường sắt

Bộ GTVT cho biết, tại cuộc họp trực tuyến ngày 12/5/2020 giữa Ban QLDA Đường sắt với ông Tiêu Vu Thái - Tổng Giám đốc Công ty HH tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC), ông Tiêu Vu Thái đã trao đổi, hiện tại Tổng thầu đang gặp khó khăn về nguồn vốn, đặc biệt là việc thanh toán cho các nhà sản xuất, nhà thầu phụ”.

Tại cuộc họp này, Tổng thầu kiến nghị “Chủ đầu tư thanh toán cho Tổng thầu 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao chính thức dự án”. Đây là giá trị đã hoàn thành mà Tổng thầu đang hoàn thiện các thủ tục đề nghị Chủ đầu tư tiếp tục giải ngân thanh toán trong phần giá trị còn lại của hợp đồng EPC, không phải là chi phí phát sinh tăng thêm của Hợp đồng. Hiện nay, Ban QLDA Đường sắt đã thanh toán cho Tổng thầu khoảng 80% giá trị hợp đồng EPC, phần còn lại khoảng 20%.

Trên cơ sở ý kiến của Tổng thầu, Ban QLDA Đường sắt ghi nhận những khó khăn về tài chính của Tổng thầu, tuy nhiên, việc Tổng thầu đề nghị thanh toán như trên là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của Hợp đồng EPC và các Phụ lục hợp đồng đã ký. Ban QLDA Đường sắt sẽ thực hiện thanh toán cho Tổng thầu theo các quy định của Hợp đồng và các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, Ban QLDA Đường sắt đề nghị các bên tiếp tục căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để tiếp tục trao đổi với Tổng thầu Dự án khẩn trương triển khai các công việc thực hiện tiếp theo.

Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp cùng UBND Tp. Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan để giải quyết những vấn để thủ tục, cũng như những vướng mắc, sớm đưa nhân sự của Tổng thầu và các đơn vị Tư vấn quay lại Việt Nam nhằm triển khai các phần việc còn lại để hoàn thành Dự án.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A)

- Chiều dài dự án là 13,05 km, gồm 12 ga và 01 khu depot;

- Chủ đầu tư: Bộ GTVT; Đại diện Chủ đầu tư: Ban QLDA Đường sắt;

- TMĐT ban đầu 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD); TMĐT điều chỉnh là 18.002 tỷ đồng (868,04 triệu USD), trong đó: Vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD);

Trình Thủ tướng phê duyệt Dự án sân bay Long Thành trong tháng 6/2020

Mặc dù tiến độ thẩm định và trình duyệt Dự án chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ, nhưng các cơ quan chức năng vẫn quyết tâm khởi công công trình vào quý I/2021.

Đây là một trong những thông tin trong báo cáo tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

Hiện danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT gồm 48 công trình, trong đó đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 24 công trình. Các công trình đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình. Việc đưa các công trình quy mô lớn, đạt chất lượng cao vào khai thác sử dụng một mặt đã đáp ứng được nhu cầu của người dân quanh khu vực dự án đi qua, mặt khác góp góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng miền, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.

Liên quan đến Dự án Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành, Chính phủ cho biết là đối với Dự án thành phần giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung ngay việc triển khai 2 khu tái định cư phục vụ di dời dân cư và kiểm đếm, áp giá, bồi thường 1.165 ha để bàn giao cho Bộ GTVT xây dựng CHKQT Long Thành, giai đoạn 1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện tại tiến độ công tác GPMB Giai đoạn 1 chuyển biến chậm, khó đảm bảo theo kế hoạch, ngoài ra đến thời điểm hiện tại, hoàn thành kiểm đếm 1.028 hộ, trong đó đã xác định được chủ sở hữu 877 hộ, vẫn còn 151 hộ dân chưa xác định được chủ sở hữu nên khó khăn trong công tác triển khai. Đối với các Khu tái định cư, hiện tại 3/5 dự án thành phần vẫn chưa được phê duyệt  nên tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch.

Đối với Dự án báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) Cảng HKQT Long Thành, sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 95/2019/QH14 ngày 26/11/2019 thông qua một số nội dung chủ yếu của Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) Dự án đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành giai đoạn 1, ngày 3/2/2020 Chính phủ đã có Nghị quyết số 7/NQ-CP yêu cầu Hội đồng Thẩm định nhà nước (Hội đồng TĐNN) hoàn thành công tác thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án trong tháng 3/2020.

Thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Cơ quan Thường trực Hội đồng TĐNN đã yêu cầu Tư vấn thẩm tra quốc tế khẩn trương thẩm tra làm cơ sở để Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và Hội đồng TĐNN xem xét, thẩm định. Ngày 24/03/2020, Tư vấn thẩm tra đã gửi Báo cáo thẩm tra cuối cùng cho Hội đồng TĐNN (Theo báo cáo này, Tư vấn thẩm tra đánh giá Hồ sơ BCNCKT Dự án đủ điều kiện phê duyệt, một số nội dung tồn tại có thể hoàn thiện ở giai đoạn tiếp theo). Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT và ACV báo cáo rõ thêm về việc lựa chọn nhà đầu tư. Bộ GTVT đã có Công văn số 3600/BGTVT-KHĐT ngày 15/4/2020 trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung này.

Ngày 27/5/2020, Hội đồng TĐNN đã xem xét, họp thẩm định BCNCKT Dự án. Như vậy, với tiến độ hiện nay, dự kiến trong tháng 6/2020, Hội đồng TĐNN sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Dự án đầu tư. Như vậy, tiến độ thẩm định và trình duyệt Dự án chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ.

Theo Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước, sân bay Long Thành có quy mô vốn rất lớn, sức lan tỏa cao và có giá trị hàng trăm năm nên trong quá trình thẩm định và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và các thành viên Hội đồng cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và tư duy, tầm nhìn dài hạn.

“Do yêu cầu tiến độ triển khai gấp nên công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi cần phải nhanh chóng nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ về pháp lý, có sức thuyết phục cao để trình Thủ tướng phê duyệt và có thể khởi công công trình trong quý I/2021”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu vấn đề.

Được biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan tiếp tục triển khai hoàn thành các thủ tục đầu tư đối với các dự án hàng không. Đặc biệt đối với 2 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất do tính chất cấp bách, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 trước 31/12/2020 để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp tết Nguyên đán và phục vụ công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021; Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải của 2 cảng hàng không.

Becamex IDC dành sẵn gần 4.000 ha đón sóng dịch chuyển đầu tư

Becamex IDC cùng các đối tác đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt nhất với gần 4000 ha đất khu công nghiệp và hoàn thành 200.000 m2 nhà xưởng xây sẵn dành cho các nhà đầu tư mới.

Sản xuất ở doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương.
Sản xuất ở doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, doanh nghiệp này và các đối tác, bao gồm VSIP là liên doanh với tập đoàn Sembcorp (Singapore), BW là liên doanh với quĩ Warburg Pincus (Hoa Kỳ) đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng tốt nhất với gần 4000 ha đất khu công nghiệp, cũng như đã hoàn thành 200 000 m2 nhà xưởng xây sẵn dành cho các nhà đầu tư mới.

“Chúng tôi phát triển không chỉ khu công nghiệp mà cả hệ sinh thái công nghiệp, với đô thị dịch vụ đi kèm, hạ tầng giao thông kết nối nội bộ và liên tỉnh, gắn với cảng biển, sân bay gần nhất. Ngay cả hạ tầng mềm như nhà ở xã hội cho người lao động, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, hạ tầng văn hóa thể thao, y tế, đào tạo nâng cao tay nghề đều được triển khai mạnh mẽ tại các khu công nghiệp”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo đại diện Becamex IDC, khi dịch Covid-19 diễn ra, biến đổi đột ngột môi trường đầu tư kinh doanh, áp dụng giãn cách xã hội trên toàn cầu, theo chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu thị trường, doanh nghiệp đã nhanh chóng chuẩn bị những phương thức mới.

Cụ thể, doanh nghiệp hiện nay vẫn đang tiếp cận nhà đầu tư rất mạnh mẽ bằng nhiều hình thức trên nền tảng internet như tổ chức họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến webinar, triển lãm trực tuyến…Hỗ trợ cho các doanh nghiệp hiện hữu trong KCN, giúp họ tìm kiếm nguồn cung ứng mới. Như vậy, doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục xây dựng, củng cố mối quan hệ chặt chẽ, rất tốt đẹp với các nhà đầu tư và trong tương lai khi đại dịch kết thúc trên toàn cầu, đây sẽ là tiềm năng rất lớn để nhanh chóng vượt lên.

Đến nay, Becamex IDC đã đầu tư xây dựng, quản lý vận hành nhiều khu công nghiệp tại Bình Dương như: Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Mỹ Phước 1, 2, 3; Thới Hòa…Đồng thời, cùng với các đối tác như VSIP, BW đã phát triển các khu công nghiệp và logistics trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Gần đây, Becamex IDC hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức tại Hàn Quốc, Hà Lan, Singapore để hình thành Khu công nghiệp khoa học công nghệ và trung tâm sản xuất thông minh 4.0 tại Bình Dương, mở ra một hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp gặp gỡ trao đổi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nâng cấp, chuyển đổi mô hình kinh doanh tiên tiến hơn, sản xuất hiện đại và hiệu quả hơn, tăng tính cạnh tranh trong thời đại mới.

Ông Hùng nhìn nhận, từ các khu công nghiệp truyền thống đã được chuẩn bị đầy đủ tiện nghi, đến những dự án lớn với sự đổi mới mạnh mẽ, hỗ trợ các doanh nghiệp như trên, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Đại diện Becamex IDC cho biết, những thông tin này, cũng như các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đã được trình bày tại Hội nghị Thủ tướng với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển vừa được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, doanh nghiệp đã đề nghị và mong muốn nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, tạo điều kiện cho các ý tưởng mới phù hợp yêu cầu thời đại, tăng lợi thế cạnh tranh của đất nước trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong thời kì hậu đại dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ hành chính cho các doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt.

“Chúng tôi đề nghị và mong muốn Chính phủ quan tâm, cải cách thủ tục nhanh gọn, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đang khao khát tìm kiếm những thị trường tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sát sao những doanh nghiệp hiện hữu còn đang gặp khó khăn vướng mắc. Đây chính là chìa khóa để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”, ông Hùng nói.

TP.HCM giải ngân được 8.480 tỷ đồng vẫn chưa đủ vực dậy kinh tế sau dịch Covid-19

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công 5 tháng đầu năm 2020.

Theo đó tính đến ngày 26/5, TP.HCM đã giải ngân được 8.480 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tỷ lệ (cùng kỳ giải ngân là 4.263 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch). Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và số vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng là 8.349 tỷ đồng, thì tỷ lệ giải ngân đạt 40,36% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, so với yêu cầu của Chính phủ thì kết quả giải ngân đầu tư công trên chưa đạt yêu cầu, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế thành phố trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch Covid-19.

Nên Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện nghiêm các chỉ thị và quyết định của thành phố giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Định kỳ 02 tuần/lần, các đơn vị rà soát và báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giải ngân kế hoạch đầu công gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND TP.HCM.

Cơ quan đơn vị liên quan phải đảm bảo kế hoạch đến ngày 30/6 tỷ lệ giải ngân phải đạt từ 50% trở lên; Đến ngày 31/7 giải ngân đạt từ 60%-70% và đến ngày 15/10 giải ngân phải đạt từ 80% trở lên.

Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư định kỳ 2 tuần/lần, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị liên quan đến giải ngân kế hoạch đầu tư công, báo cáo UBND TP.HCM; phân nhóm các dự án gặp vướng mắc (về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu; về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân) và lựa chọn một số dự án trọng điểm giải ngân thấp để tham mưu đề xuất thảo luận giải quyết trong Tổ công tác liên ngành về đầu tư.

Sở Xây dựng thì phải phối hợp với các sở, ban ngành, quận, huyện rà soát các quy định pháp luật liên quan đến xây dựng, các thủ tục về thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, thẩm tra, cấp giấy phép... theo hướng đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục, trình UBND TP.HCM trước ngày 10/6.

Còn Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo việc thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc và định kỳ hàng tháng thông báo cho từng cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Xin dời ga Đà Nẵng để tái phát triển đô thị

Đà Nẵng gửi văn bản Thủ tướng xin chủ trương dự án di dời ga Đà Nẵng, tái phát triển đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP, loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).

Dự án dời ga Đà Nẵng khỏi nội thành đã bị treo 16 năm do khó khăn nguồn vốn.  Mới đây, UBND TP Đà Nẵng gửi Công văn số 2129/UBND-SGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin chủ trương triển khai thực hiện dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT.

Bộ GTVT nhận định đây là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố.

UBND TP Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, đơn vị đã thường xuyên làm việc với các bộ ngành trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Qua đó, TP Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, thống nhất cho phép thực hiện dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án được dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, xung quanh nhà ga mới, 2 bên hành lang tuyến đường sắt cũ và quỹ đất của thành phố theo quy định sử dụng tài sản công, để thanh toán thực hiện dự án BT.

Theo đó, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả theo đúng quy hoạch của thành phố.

Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt đã kéo dài từ nhiều năm nay và TP Đà Nẵng đã nhiều lần đề nghị các bộ, ngành Trung ương giải quyết sớm thủ tục để dự án được triển khai thực hiện. Việc UBND TP gửi văn bản xin chủ trương của Thủ tướng chính phủ, cũng nhằm đốc thúc cho tiến độ của dự án được nhanh hơn. “Hiện thành phố đang chờ đồ án quy hoạch chung do nhà tư vấn Singapore thực hiện. Khi đồ án quy hoạch xong, thành phố mới xem xét rồi mới quyết định địa điểm mới đặt dự án. Chúng tôi cũng đã có tổ giám sát, lấy ý kiến của người dân xung quanh khu vực nằm trong quy hoạch” – ông Trung nói.

Theo Ban xúc tiến và đầu tư TP Đà Nẵng, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị đầu tư theo hình thức BT gồm 2 tiểu dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, tiểu dự án 1 gồm: phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới; tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng. Tiểu dự án 2 gồm đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố.

Trước đó, từ năm 2004, thành phố đã công bố quy hoạch dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng, từ vị trí hiện tại ở đường Hải Phòng (quận Thanh Khê) sang vị trí mới tại phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Từ khi công bố quy hoạch đến nay, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thiếu vốn nên dự án đã bị treo 16 năm.

Được biết, đầu tháng 4/2020 Văn phòng Chính phủ đã có Phiếu chuyển số 551/PC-VPCP chuyển Bộ GTVT đề nghị xem xét, xử lý đề xuất của UBND thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, mới đây Bộ GTVT cũng đã có văn bản (số 4316/BGTVT-ĐTCT) gửi lên Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, việc sớm di dời đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nhằm giảm thiểu ùn tắc, phát triển đô thị, ổn định đời sống.

Hiện nay, với đề xuất mới của UBND thành phố, lãnh đạo Bộ GTVT nhận định đây là một giải pháp phù hợp và sớm triển khai mục tiêu xây dựng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao qua khu vực thành phố.

Bộ GTVT “bật đèn xanh” với phương án chia tách Dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc điều chỉnh Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Thi công những hạng mục đầu tiên của Dự án BOT cao tốc Móng Cái - Vân Đồn.
Thi công những hạng mục đầu tiên của Dự án BOT cao tốc Móng Cái - Vân Đồn.

Bộ GTVT nhận thấy đề xuất tách Dự án BOT cao tốc Vân Đồn thành 2 dự án độc lập là cần thiết để bảo đảm phương án tài chính của Dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm đưa dự án vào khai thác.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tiến độ triển khai  Dự ángặp khó khăn trong quá trình thẩm định vay vốn do thay đổi yếu tố đầu vào (trước đây dự kiến Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, lưu lượng xe lớn nhưng hiện nay chỉ được phê duyệt là khu kinh tế nên phương án tài chính thay đổi), điều chỉnh cơ chế lãi suất theo Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính dự án, ảnh hưởng của dịch Covid19. Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất tách dự án thành 2 dự án độc lập, gồm: Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo hình thức PPP chiều dài 63,26 km, tổng vốn đầu tư 9.032 tỷ đồng; Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, chiều dài là 16,08 km, thực hiện theo đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 3.667 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Quảng Ninh được Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh là Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Dự án và ký hợp đồng số 189.18/2018/HĐ-BOT ngày 18/9/2018 với Nhà đầu tư. Cho đến thời điểm hiện nay, nhà đầu tư triển khai thực hiện một số nội dung như công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật, dọn dẹp mặt bàng, làm đường công vụ ... với tổng giá trị khối lượng thực hiện khoảng 266 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, tiến độ triển khai gặp khó khăn trong quá trình thẩm định vay vốn do thay đổi yếu tố đầu vào (trước đây dự kiến Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế, lưu lượng xe lớn nhưng hiện nay chỉ được phê duyệt là khu kinh tế nên phương án tài chính thay đổi), điều chỉnh cơ chế lãi suất theo Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28/9/2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính dự án, ảnh hưởng của dịch Covid19. Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất tách dự án thành 2 dự án độc lập, gồm: Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo hình thức PPP chiều dài 63,26 km, tổng vốn đầu tư 9.032 tỷ đồng; Dự án cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, chiều dài là 16,08 km, thực hiện theo đầu tư công, tổng mức đầu tư khoảng 3.667 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.

Do việc điều chỉnh dự án sẽ dẫn đến sự thay đổi về quy mô đầu tư, tổng vốn đầu tư, nguồn vốn đầu tư nên Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát bảo đảm việc chia tách dự án thành phần có thể được khai thác độc lập và thực hiện điều chỉnh hợp đồng dự án PPP, đảm bảo trình tự, thủ tục điều chỉnh hợp đồng dự án tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP, ngân sách nhà nước, đầu tư công, các pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư.

 Bộ GTVT cho rằng UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất sử dụng ngân sách địa phương 3.667 tỷ đồng để đầu tư dự án đường cao tốc đoạn Vân Đồn - Tiên Yên theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tính liên tục trong khai thác các đoạn tuyến Hạ long – Vân Đồn, Vân Đồn – Tiên Yên và Tiên Yên – Móng Cái là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, HĐND tỉnh Quảng Ninh chưa có ý kiến chấp thuận về sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện Dự án.

 “Vì vậy, trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chia tách dự án, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai các thủ tục điều chỉnh dự án tuân thủ theo pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư