Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Khu kinh tế Dung Quất: Nhân tố mới cho những năm tới
Hà Minh - 02/01/2017 15:26
 
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đang đặt mục tiêu tiếp tục bứt phá, trở thành nhân tố mới trong thu hút đầu tư ngay từ năm 2017.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trái tim của Khu kinh tế Dung Quất đang được nâng cấp, mở rộng nâng công suất và hướng đến trung tâm lọc hóa dầu của Việt Nam. Ảnh: Hà Minh
Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trái tim của Khu kinh tế Dung Quất đang được nâng cấp, mở rộng nâng công suất và hướng đến trung tâm lọc hóa dầu của Việt Nam. Ảnh: Hà Minh

Đầu tư phát triển KKT Dung Quất

Từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, bao gồm: 130 km cầu, đường bộ, hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp, thoát nước mưa, các khu tái định cư, hạ tầng KCN Sài Gòn - Dung Quất, đê chắn sóng và các bến cảng, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông…

Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng xã hội như: bệnh viện, trường đào tạo nghề, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông lâm nghiệp cũng được chú trọng đầu tư.

Đồng thời, các doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng của Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi, Khu Đô thị Công nghiệp Dung Quất, KCN Sài Gòn - Dung Quất...

Đến nay, tại KKT Dung Quất đã có 137 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7,583 tỷ USD đã được cấp phép, trong đó có 30 dự án của các nhà đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 960 triệu USD.

Riêng trong năm 2016, tại KKT Dung Quất đã cấp mới cho 17 dự án với quy mô  vốn đăng ký là 194,26 triệu USD. Trong đó, có 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 89 triệu USD.

Hiện có 77 doanh nghiệp (với 85 dự án) đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT Dung Quất. Giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ năm 2016 đạt 78.000 tỷ đồng (trong đó, giá trị sản lượng công nghiệp đạt 75.000 tỷ đồng, thương mại và dịch vụ đạt 3.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt 210 triệu USD; hàng hóa qua cảng ước đạt trên 17 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.073 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 15.054 lao động, trong đó số lao động trong tỉnh là 11.604, chiếm 77,1 %.

Ngoài ra còn có hơn 3.000 nhân lực đang làm công việc xây dựng và các dịch vụ buôn bán phục vụ tại KKT Dung Quất.

Nỗ lực thành hạt nhân tăng trưởng

Theo tính toán, giai đoạn 2005 - 2009, KKT Dung Quất đóng góp trên 4.815 tỷ đồng vào thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Đến giai đoạn 2010 - 2015, đóng góp của  KKT Dung Quất đã tăng hơn 3 lần, với 126.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu chiếm hơn 80% của cả tỉnh; góp phần đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp trở thành một tỉnh có nguồn thu cao của cả nước; giải quyết hàng chục ngàn việc làm cho lao động địa phương. Đây là cơ sở để KKT Dung Quất từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong năm 2016, được sự chỉ đạo của tỉnh, Ban Quản lý KKT Dung Quất (nay là Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) đã tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ gắn với thu hút đầu tư để sử dụng các khu đất bị thu hồi (tại các dự án Guang Lian, KCN Sài Gòn - Quảng Ngãi, Kumwoo,  KIC...); hỗ trợ tích cực Dự án nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất tạo tiền đề  hình thành tổ hợp lọc hóa dầu, hóa khí tại KKT Dung Quất.

Song song đó, Ban quản lý còn hỗ trợ triển khai Khu Đô thị công nghiệp Dung Quất, thu hút dự án công nghiệp nặng vào phần đất của Guang Lian bị thu hồi, hỗ trợ các dự án đầu tư và các dự án trong KCN VSIP; tập trung thúc đẩy việc chuẩn bị hình thành dự án Tổ hợp điện khí và hóa khí; tiếp tục thu hút dự án cảng và dự án Logistic để sớm hình thành tuyến container; tranh thủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng tiện ích.

Mục tiêu tiếp theo là tiếp tục đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển KKT Dung Quất để giữ vững vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020, Quảng Ngãi cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Phát huy vai trò cảng biển nước sâu trong thu hút đầu tư các dự án công nghiệp nặng, dự án quy mô lớn, vận động sớm đưa khí vào bờ… Sớm hình thành Trung tâm Lọc hoá dầu và Trung tâm Năng lượng Quốc gia tại KKT Dung Quất.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển đô thị Vạn Tường và một số khu đô thị vệ tinh để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp; thực hiện tốt cơ chế phối hợp và cơ chế “Một cửa, tại chỗ” trong quản lý, gắn kết giữa quản lý một số lĩnh vực với quản lý hành chính lãnh thổ. 

Từ đó, phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 là thu hút đầu tư đạt từ 2.5 – 3.5 tỷ USD (vốn thực hiện từ 60% - 70%); tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ đạt 3-4%/năm; thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 31.500 tỷ đồng; hàng hoá thông qua cảng khoảng 18 triệu tấn/năm; giải quyết việc làm trên địa bàn khoảng 35.000 lao động;  kim ngạch xuất khẩu hàng hoá: 600 - 800 triệu USD...

Khu Kinh tế Dung Quất đã thu hút hơn 10,5 tỷ USD
Tính đến nay, đã có 132 dự án đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỷ USD. Trong đó, có 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư