Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để đảm bảo an toàn người bệnh
D.Ngân - 12/04/2025 16:06
 
Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện giai đoạn 2025-2030 được Bộ Y tế triển khai mạnh mẽ. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, trong bối cảnh kháng thuốc gia tăng, các cơ sở y tế cần hành động kịp thời và đồng bộ để đảm bảo an toàn người bệnh.

Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng bảo đảm an toàn cho người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng cường năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những sự cố y khoa phổ biến và nghiêm trọng nhất trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2025–2030 mới đây.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, đại dịch Covid-19 đã khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ nhân viên y tế và cộng đồng.

Trong những năm qua, ngành Y tế đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu: Kiện toàn hệ thống, phát triển nhân lực, xây dựng hành lang pháp lý và triển khai chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như sự chênh lệch về nguồn lực giữa các tuyến điều trị, thiếu hụt trang thiết bị và vật tư y tế, hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức tuân thủ quy trình của một bộ phận cán bộ y tế và người bệnh còn hạn chế.

Đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh, vi khuẩn đa kháng thuốc ngày càng phổ biến, cùng với sự xuất hiện của nhiều dịch bệnh mới nổi và tái nổi, đang tạo nên những thách thức lớn.

Từ thực tế đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2025- 2030. Đây là tài liệu mang tính chiến lược, định hướng quan trọng giúp đồng bộ hóa các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên toàn quốc, phù hợp với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và các khuyến nghị từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Tại Hội nghị, Bộ Y tế dẫn nguồn từ WHO cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những sự cố y khoa phổ biến và nghiêm trọng nhất trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế.

Ở các nước có thu nhập cao và trung bình, cứ 100 người bệnh nhập viện thì có 7 người mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tỷ lệ này ở các nước thu nhập thấp cao hơn, khoảng 15%.

Những trường hợp mắc nhiễm khuẩn thường phải nằm viện thêm từ 5 đến 29,5 ngày, làm gia tăng chi phí điều trị, nguy cơ tử vong và gánh nặng lên hệ thống y tế.

Đặc biệt, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là sự gia tăng nhanh chóng của vi khuẩn kháng thuốc. Theo ước tính toàn cầu, mỗi năm có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi sinh vật kháng thuốc gây ra.

Tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị, tăng chi phí và kéo dài thời gian nằm viện, mà còn làm gia tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong bệnh viện và ra cộng đồng.

Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng kháng thuốc nghiêm trọng, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, nơi có tỷ lệ kháng thuốc cao trong các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết, tiết niệu…

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu tổng thể trong giai đoạn 2025–2030 là nâng cao năng lực phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch này, Bộ Y tế đề ra các nhóm nội dung trọng tâm như coi kiểm soát nhiễm khuẩn phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và mang tính nền tảng tại mỗi cơ sở khám, chữa bệnh, gắn với hoạt động quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Trách nhiệm nêu trên không chỉ của khoa kiểm soát nhiễm khuẩn mà của toàn bộ nhân viên y tế.

Các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, phân công rõ ràng, có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả theo chu kỳ.

Kiện toàn hệ thống tổ chức, phát triển nguồn nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách, đồng thời có chính sách đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ hợp lý.

Tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, hóa chất, vật tư phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giám sát dữ liệu.

Bảo đảm triển khai đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật và bộ tiêu chí chất lượng của Bộ Y tế, đặc biệt chú trọng giám sát sử dụng kháng sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn đường máu, hô hấp, tiết niệu và hậu phẫu.

Lồng ghép công tác kiểm soát nhiễm khuẩn với các chương trình y tế quốc gia, đặc biệt là chương trình phòng chống kháng thuốc và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng về vai trò quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng văn hóa an toàn trong bệnh viện.

Tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn, tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức y tế thế giới và các đối tác phát triển.

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới, TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò then chốt của kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh tại mọi cơ sở, mọi cấp độ.

Bà đánh giá cao những nỗ lực mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực này, đồng thời cam kết WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hiệu quả, xây dựng hệ thống y tế an toàn, vững mạnh và thích ứng tốt với các thách thức trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư