Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 28 tháng 08 năm 2024,
“Kiêng” đi viện đầu năm và hệ lụy khôn lường
D.Ngân - 14/02/2024 11:03
 
Từ lâu, nhiều người vẫn giữ quan niệm tránh đi bệnh viện những ngày đầu năm mới, bởi lo sợ cả năm sẽ gặp những chuyện không may mắn.

Vì vậy, không ít người dù bệnh nặng nhưng không tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời, điều này không những gây khó khăn trong quá trình điều trị mà có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Từ lâu, nhiều người vẫn giữ quan niệm tránh đi bệnh viện những ngày đầu năm mới, bởi lo sợ cả năm sẽ gặp những chuyện không may mắn. 

Đêm 27 Tết năm trước, bà N.T.H (65 tuổi, Đống Đa) có dấu hiệu mệt mỏi, da xanh, môi tím, khó ăn uống và đi lại. Nhưng chồng bà nhất định không đưa vợ đi khám, vì lý do sợ “mất Tết". Ông nghĩ cả năm mới có dịp Tết để sum vầy, sợ đi khám rồi bác sĩ bắt nhập viện.

Cầm cự đến mùng 2, thấy vợ ngày càng tiều tụy, ông và các con mới đưa bà đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh thiếu máu thiếu sắt nặng, chỉ số tiểu đường và mỡ máu cao gấp ba lần bình thường.

Bác sĩ nói trường hợp bà H., nếu nhập viện kịp thời có thể chỉ cần nhận đơn thuốc về uống. Nhưng do đến viện muộn, sức khỏe suy yếu, các chỉ số đều ở mức nguy hiểm, buộc phải nhập viện điều trị biến chứng.

Một trường hợp tương tự cũng đã rước họa vào thân chỉ vì tâm lý e ngại kiêng kỵ “xông đất” bệnh viện đầu năm.

Người nhà bệnh nhân N.V.C chia sẻ, anh trai tôi vốn nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan từ lâu. Trong những ngày Tết bệnh lại càng nặng thêm, vì uống rượu nhiều.

Nhưng do kiêng không đi bệnh viện những ngày đầu năm, nên hôm mùng 4 Tết đưa vào viện, anh ấy đã trong tình trạng bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bị hôn mê sâu và tình trạng sức khỏe rất xấu. Giá mà anh được đưa vào bệnh viện sớm hơn thì tình trạng đã không trầm trọng đến vậy.

Những câu chuyện đáng buồn trên xuất phát từ tâm lý “kiêng” khám bệnh trong những ngày đầu xuân để tránh xui. Đây cũng là một trong những quan niệm dân gian đã không còn phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí rơi vào trạng thái nguy kịch chỉ vì tâm lý “chờ hết Tết rồi tính sau”.

Nguy hiểm là vậy, nhưng với những người mắc bệnh mạn tính, Tết thường là khoảng thời gian "lơ là" việc uống thuốc và sinh hoạt theo quy định. Có bệnh nhân bỏ hẳn chế độ điều trị, đó chính là nguyên nhân gia tăng số bệnh đến khám và nhập viện sau mỗi dịp Lễ/ Tết.

Thậm chí, không ít gia đình chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, sổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống. Tình trạng “tự làm bác sĩ” kéo dài không chỉ khiến các triệu chứng không thuyên giảm mà còn tăng nguy cơ gây hại cho cơ thể.

Đưa ra nhận định về vấn đề này, TS.Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên, bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị”.

Để tránh việc “hối hận thì đã muộn” do ngại đến bệnh viện, TS.Ngô Chí Cương khuyến cáo khi đau ốm, hoặc có bất thường sức khỏe, người bệnh không được tự ý dùng thuốc tại nhà, hay kiêng đến bệnh viện khám đầu năm vì sợ xui xẻo mà nên đến ngay cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp, kịp thời, tránh những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Còn TS.BS Hà Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cho biết, lượng bệnh nhân nhập viện sau Tết luôn tăng cao vì trước Tết, bệnh nhân tạm ổn định được cho ra điều trị ngoại trú.

Một số trường hợp sau Tết nhập viện chủ yếu do di chuyển nhiều, quên thuốc vì đi du lịch, đi chơi. Đặc biệt là những bệnh nhân tiểu đường, quên uống thuốc, tiêm thuốc, nặng lên phải nhập viện.

Theo bác sĩ Vân Anh, dịp Tết, một số bệnh nhân khỏe mạnh lại có xu hướng di chuyển nhiều, không tuân thủ điều trị hoặc ăn uống không kiểm soát, ăn đồ nhiều giàu mỡ, tinh bột.

Những bệnh nhân yếu, không di chuyển hơn lại có xu hướng hạn chế vận động, lười tập thể dục. Cả 2 trường hợp bệnh nhân như vậy đều không tốt cho sức khỏe.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết trong dịp Tết đặc biệt vào những ngày cuối kỳ nghỉ lễ, Trung tâm thường tiếp nhận lượng bệnh nhân đông kỷ lục, trong đó có tỷ lệ lớn nhóm bệnh nhân, lỡ điều trị dịp Tết.

Nhiều người ngại mấy ngày đầu năm không đến viện hoặc không chủ động thăm khám vì đường sá xa xôi, khiến bệnh trở nặng. Theo chia sẻ của PGS.Tuấn, từ mùng 3 Tết, số bệnh nhân tăng dần và đỉnh điểm rơi vào mùng 5 Tết. Người nhập viện thường là bệnh nhân mang bệnh lý mạn tính chuyển thành cấp tính do lỡ thời điểm điều trị mấy ngày Tết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư