Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh tế tăng trưởng nhờ niềm tin của người dân, doanh nghiệp
Mạnh Bôn - 23/05/2018 15:41
 
Các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Sáng qua, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Phân tích, mổ xẻ kết quả đạt được năm 2017 (12/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch), theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), đây là kết quả tất yếu từ nhiều nguyên nhân. “Nguyên nhân quan trọng nhất là nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh mẽ điều kiện kinh doanh, giấy phép các loại đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân mạnh dạn tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh”, ông Sinh bình luận.

.
.

Theo ông Sinh, Chính phủ các khóa trước đây cũng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua hàng loạt giải pháp tại các nghị quyết, quyết định, chỉ thị…, nhưng về đến bộ, ngành, địa phương, cơ sở, tập đoàn, tổng công ty, việc triển khai yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thế nào, đạt được bao nhiêu, hiệu quả ra sao, thì người dân, doanh nghiệp không thể biết được. 

“Nhưng với quyết tâm thể hiện một chính phủ hành động, kiến tạo, hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đi kiểm tra thực tế việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương, nên mọi chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai quyết liệt”, ông Sinh nhìn nhận.

Đại biểu tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Thái Học cho biết, cử tri đánh giá rất cao việc Thủ tướng, các Phó thủ tướng chủ trì nhiều hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc không chỉ với doanh nghiệp dân doanh, tập đoàn, tổng công ty, mà với cả công nhân, nông dân, người lao động; đến tận nơi diễn ra hoạt động sản xuất, kinh doanh để kiểm tra, thị sát, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý ngay những vấn đề được người dân, doanh nghiệp đặt ra tại các buổi làm việc trực tiếp.

“Hành động thiết thực này của người đứng đầu Chính phủ đã xây dựng được niềm tin cho xã hội. Khi đã có niềm tin, người dân, doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế sẵn sàng bỏ vốn tham giam hoạt động sản xuất, kinh doanh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2017 cũng như cả năm năm 2018 và của cả nhiệm kỳ”, ông Học nhấn mạnh. 

Đánh giá rất cao các kết quả đạt được cũng như nỗ lực của cả tập thể Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các đại biểu cũng tập trung phân tích, mổ xẻ nhiều tồn tại, yếu kém, như giải ngân vốn đầu tư công chậm, khoảng cách phát triển giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp nội địa ngày càng doãng rộng, chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP chỉ đạt 0,5% (kế hoạch là 1,5%)…

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Hoàng Văn Trà cho rằng, các hạn chế, yếu kém trong nội tại nền kinh tế cũng đã được Chính phủ mạnh dạn chỉ ra và đã đưa ra hàng loạt giải pháp khắc phục, không phải năm 2017, năm 2018, mà đã thực hiện nhiều năm trước.

Từ thực tế địa phương, ông Trà cho biết: “Nhưng không phải hạn chế, khuyết điểm nào cũng có thể xử lý trong một sớm một chiều, mà cần phải có thời gian. Ví dụ giải ngân vốn đầu tư công, muốn giải ngân được phải xử lý hàng loạt vấn đề, nhất là giải phóng mặt bằng, chứ không phải cứ muốn giải ngân nhanh là có thể thực hiện theo ý muốn chủ quan được”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Đinh Văn Nhã bày tỏ sự lo ngại khi chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP chỉ đạt 30% kế hoạch. Bởi theo ông, đây là chỉ tiêu vô cùng quan trọng, phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế, phản ánh chất lượng của nền kinh tế. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Đỗ Văn Sinh, muốn giảm chỉ tiêu tiêu hao năng lượng cần phải có thời gian, không phải nói là làm ngay được vì liên quan đến thay đổi thiết bị, công nghệ, máy móc, quy trình, vì thế nếu đặt ra mục tiêu hàng năm và cố gắng đạt được rất khó.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đo chỉ tiêu tiêu hao năng lượng (do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện) rất phức tạp, khó lượng hóa được từng năm, nên các cơ chế, chính sách đều khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ sử dụng ít năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo. Vì thế, thay vì đưa chỉ tiêu này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, Chính phủ nên đề nghị Quốc hội chỉ báo cáo vào cuối nhiệm kỳ.

Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá bổ sung về kết quả phát triển kinh tế - xã hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa kết thúc thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư