Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Trung Quốc hồi phục chậm trước làn gió ngược
Lê Quân - 16/05/2020 14:11
 
Các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện trong tháng 4 khi người dân bắt đầu trở lại làm việc, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao vẫn đè nặng chi tiêu tiêu dùng.
Các chuyên gia dự báo GDP năm 2020 của Trung Quốc tăng trưởng ít nhất 5,5%. Trong ảnh: Một góc thành phố Vũ Hán sau khi các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được gỡ bỏẢnh: AFP
Các chuyên gia dự báo GDP năm 2020 của Trung Quốc tăng trưởng ít nhất 5,5%. Trong ảnh: Một góc thành phố Vũ Hán sau khi các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 được gỡ bỏ. Ảnh: AFP

Thêm làn gió ngược

Ngoại trừ dấu hiệu phục hồi của các nhà máy, thị trường Trung Quốc tiếp tục đối mặt với những lực cản mới. Điều này có thể khiến các nhà hoạch định chính sách nước này đưa thêm các gói kích thích kinh tế vào bàn thảo tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII tổ chức ngày 22/5 tới, muộn hơn 2 tháng so với hàng năm do đại dịch Covid-19.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 của nước này tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 1,1% so với tháng 3, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Hoạt động của khu vực nhà máy được xem là động lực chính cho sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Tuy nhiên, cả giới chức nước này và các nhà phân tích đều lo ngại nhu cầu hàng Trung Quốc trên thế giới giảm sâu do các nước đang gồng mình chống dịch.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị tháng 4 tại Trung Quốc vẫn ở mức cao 6%, chỉ thấp hơn chút so với mức kỷ lục 6,2% trong tháng 2. Doanh số bán lẻ - một thước đo tiêu dùng của Trung Quốc - vẫn chưa ngớt đà lao dốc khi giảm sốc 16% trong tháng 3 và 7,5% trong tháng 4.

Chi tiêu tiêu dùng tháng 5 của Trung Quốc được dự báo vẫn tiếp tục gặp khó do tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng, khiến người tiêu dùng phải thắt lưng buộc bụng.

“Nền kinh tế Trung Quốc về tổng thể vẫn chưa trở lại mức bình thường”, Liu Aihua, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế ngày 15/5. Bà Liu cho rằng đà suy thoái toàn cầu cộng với tỷ lệ thất nghiệp trong nước tăng cao đặt ra những thách thức chưa từng có cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Tập đoàn ING nhận định, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc sẽ hụt đà tăng trưởng trong tháng 5 khi lượng đơn hàng nước ngoài bị hủy đang tăng lên và quan hệ Mỹ - Trung xấu đi.

Theo Tạp chí Phố Wall (WSJ), Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố người đứng đầu Nhà Trắng có thể “cắt toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc vì cách mà Bắc Kinh đối phó với dịch Covid-19 trong nước. Chính quyền Trump cũng dọa trước rằng Mỹ có thể trừng phạt Trung Quốc hoặc yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường vì che giấu thông tin về Covid-19.

Theo chuyên gia Iris Pang, suy thoái kinh tế toàn cầu có thể kéo dài hơn dự báo và GDP quý II/2020 của Trung Quốc có thể sẽ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức sụt giảm 6,8% trong quý I.

Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm lao dốc 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng quý I/2020 thì tỷ lệ này là 16,1%. Đầu tư vào lĩnh vực chế tạo và hạ tầng chưa thoát khỏi đà sụt giảm dù chính quyền các địa phương tại Trung Quốc bơm hàng nghìn tỷ nhân dân tệ dưới dạng nợ để cho danh mục đầu tư này. Tổng đầu tư của Trung Quốc trong những tháng đầu năm phần nào được gỡ lại nhờ sức kéo của đầu tư bất động sản do các nhà phát triển bất động sản được tạo điều kiện huy động vốn tốt hơn trước.

Tỷ lệ nợ tăng, GDP được dự báo tăng 5,5%

Tình hình kinh tế hiện nay khiến các quan chức Trung Quốc những ngày qua kêu gọi cần phải bổ sung các gói kích thích tài khóa. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun cho hay, nền kinh tế nước này rất cần gói kích thích tài khóa để đối phó với áp lực giảm tốc, đồng thời khẳng định chính phủ nước này sẽ nới rộng thâm hụt tài khóa và tăng cường phát hành trái phiếu.

Trước đó, He Lifeng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc kêu gọi chính phủ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tăng chi tiêu công và nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng.

Các nhà kinh tế và nhà đầu tư đang theo sát động thái của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với các gói giải pháp kích thích kinh tế được bàn thảo trong kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Tạp chí Phố Wall dẫn dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế rằng thâm hụt tài khóa của Trung Quốc sẽ vượt mục tiêu chiếm 2,8% GDP và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ cho phép chính quyền các địa phương phát hành thêm nợ để huy động vốn cho các dự án hạ tầng.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đến nay đã bơm hàng trăm tỷ USD cứu thanh khoản cho hệ thống tài chính trong khi chính phủ nước này đã mạnh tay cắt giảm thuế và miễn nhiều loại phí cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Dù tỷ lệ nợ/GDP đã tăng lên trong quý I/2020 nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng vẫn cần tăng cho vay để ngăn suy giảm kinh tế do đại dịch.

Trước thách thức này, các nhà kinh tế khuyến cáo Trung Quốc cần bỏ qua việc công bố mục tiêu tăng trưởng hàng năm tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Trung Quốc trước đó đặt mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp đôi so với thập niên trước, nhưng xem ra đại dịch Covid-19 khiến mục tiêu đó ngoài tầm với và các chuyên gia dự báo GDP năm 2020 của Trung Quốc tăng trưởng ít nhất 5,5%.

Doanh nghiệp Trung Quốc nhăm nhe vị thế mới trong chuỗi cung ứng
Doanh nghiệp Trung Quốc đang ra sức phát triển và sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn, bất luận làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư