Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
“Kỳ lân” công nghệ sớm xuất hiện tại Việt Nam
Anh Hoa - 18/06/2019 13:20
 
Những thương vụ đầu tư hàng chục triệu USD vào các start-up trong thời gian gần đây cho thấy nhiều tín hiệu tốt cho thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam cùng với làn sóng M&A các công ty tư nhân “mới lớn”.
.
Năm 2018, có 889 triệu USD đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước cho khởi nghiệp Việt Nam, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016.

Dòng vốn “nuôi” những chú kỳ lân

Gần đây, VinaCapital Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ có vốn lên đến 100 triệu USD, chuyên đầu tư vào thế hệ tiếp theo của các start-up Việt Nam và Đông Nam Á đã rót vốn vào hàng loạt start-up.

Quỹ này vừa rót 4 triệu USD vào Rever - công ty công nghệ môi giới bất động sản. Đây là khoản đầu tư thứ 5 của Quỹ kể từ khi thành lập (năm 2018), sau FastGo, Logivan, Urbox và Wee Digital. Hầu hết các khoản đầu tư không được tiết lộ, nhưng theo công bố trước đây của Quỹ, thường khoảng 2 - 10 triệu USD/thương vụ.

Trong một diễn biến khác, Ví điện tử Vimo và mPOS Việt Nam quyết định sáp nhập với tên mới là NextPay Holdings nhằm mở rộng quy mô trong bối cảnh thị trường thanh toán phi tiền mặt bùng nổ. Động thái M&A này cũng giúp việc huy động 30 triệu USD suôn sẻ hơn.

Thời gian tới, các start-up Việt sẽ có cơ hội gọi vốn nhiều hơn. Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam mới đây, có khoảng 425 triệu USD (tương đương 10.000 tỷ đồng) được các quỹ đầu tư như Golden Gate Ventures, 500 Startups, Topica... cam kết dành cho các start-up Việt trong 3 năm tới. Trong đó, Quỹ DT&I (Hàn Quốc) sẽ đầu tư 1,4 triệu USD cho Propzy - start-up Việt trong lĩnh vực bất động sản, hoạt động trên nền tảng công nghệ.

Bên cạnh đó, VinaCapital cũng bắt tay với 2 quỹ của Hàn Quốc, đầu tư 100 triệu USD cho các start-up tại Việt Nam. Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng giới thiệu Quỹ Đầu tư khởi nghiệp trị giá 3 tỷ euro.

Nhìn lại tháng 1/2019, chỉ chưa đầy 1 tháng, hàng loạt start-up đã nhận được đầu tư “khủng” từ các quỹ nước ngoài. Leflair được đầu tư 7 triệu USD từ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia); Luxstay nhận 3 triệu USD từ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn Bridge; Wefit được đầu tư 1 triệu USD trong vòng đầu tư Pre-series A từ CyberAgent Capital (được đổi tên từ CyberAgent Ventures), KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác; JAMJA huy động thành công 1 triệu USD từ Bon Angles, CyberAgent Capital…

Theo báo cáo của Topica Founder Institute, năm 2018, có 889 triệu USD đầu tư từ các quỹ trong và ngoài nước cho khởi nghiệp Việt Nam, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 start-up (tăng vượt bậc so với con số 400 hồi năm 2012), trong đó, chỉ có hơn 10% chưa nhận được nguồn vốn cần thiết từ các quỹ đầu tư.

Từ những tín hiệu khởi sắc của thị trường, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đối tác điều hành của Quỹ ESP Capital (Singapore) nhận định, trong thời gian ngắn nữa, “kỳ lân công nghệ” (công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá từ 1 tỷ USD) sẽ xuất hiện tại Việt Nam.

Công nghệ, dịch vụ tài chính có sức hút lớn

Kinh tế tư nhân được các chuyên gia quốc tế dự báo sẽ trở thành một trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khi khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Báo cáo Triển vọng đầu tư tư nhân Việt Nam 2019 do Grant Thornton công bố hồi tháng 5 cho thấy, tình tình đầu tư tư nhân trong năm 2018 đã tăng vượt trội về số lượng, xác lập kỷ lục giá trị giao dịch. Trong đó, các thương vụ đầu tư cho lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính tăng mạnh.

Đáng lưu ý, công nghệ tài chính (fintech), giáo dục, năng lượng tái tạo, y tế và dược phẩm, thương mại điện tử, vận tải và giao nhận là 6 nhóm ngành tại Việt Nam có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới.

Tại Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng, bao gồm công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, công nghệ du lịch. Chính phủ cũng đã, đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Tuy vậy, khảo sát cũng ghi nhận, có đến 87% nhà đầu tư thể hiện sự lo ngại đáng kể đối với sự thiếu nhất quán trong các quy định và thủ tục đầu tư; 76% cho rằng, sự thiếu minh bạch trong thông tin của doanh nghiệp là yếu tố chính gây nên sự thất bại của các thương vụ.

Dù đã năng động hơn, nhưng các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp Việt Nam vẫn xem vay ngân hàng là lựa chọn huy động vốn phổ biến. Đây là hình thức truyền thống và đơn giản nhất đối với các công ty tư nhân, cho dù lãi suất cho vay được dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Hình thức gọi vốn từ quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm lần lượt xếp ở các vị trí tiếp theo. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các quỹ nội địa và quốc tế giúp doanh nghiệp tư nhân và các start-up ở Việt Nam có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn. Mặc dù huy động vốn từ các quỹ đầu tư thường “tốn kém” hơn các hình thức truyền thống khác, song đổi lại, các công ty, start-up sẽ có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh nghiệm dồi dào và mối quan hệ sâu rộng của các nhà đầu tư.

Theo Global M&A Review 2018, trong 38 thương vụ đầu tư tư nhân tại Việt Nam năm 2018, có đến 27 thương vụ đầu tư vào các start-up, chiếm 71% tổng số thương vụ và tăng 56% so với năm 2017.

Điều này đưa Việt Nam cùng Singapore, Indonesia và Malaysia trở thành 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á. Ước tính, tổng giá trị giao dịch các thương vụ ở thị trường Việt Nam trong năm 2018 lên đến 1,6 tỷ USD, tăng 285% so với năm 2017. Các quỹ nội có 17 thương vụ, chiếm 36% tổng số thương vụ đầu tư tư nhân. Công nghệ là mảng đầu tư có động lực tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ.

Năm 2018, các công ty fintech huy động được gần 40 tỷ USD
Theo một nghiên cứu vừa công bố của nhà cung cấp dữ liệu CB Insights, các công ty và doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) hoạt động dựa trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư