Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 01 tháng 02 năm 2025,
Kỳ tích của Phi đội Quyết Thắng năm xưa
Anh Quân - 01/02/2025 11:21
 
Trận đánh thần tốc vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng ngày 28/4/1975 đã góp phần đẩy nhanh thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ kể lại trận đánh thần tốc vào sân bay Tân Sơn Nhất tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ kể lại trận đánh thần tốc vào sân bay Tân Sơn Nhất tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Kế hoạch táo bạo

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi có dịp được trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu phi công Từ Đễ - nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn (Bộ Quốc phòng). Cuộc trò chuyện giúp chúng tôi hiểu thêm về sự dũng cảm, mưu trí của những người phi công Quân đội nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Dù đã bước sang tuổi 76, song ông vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt tinh anh, đúng với phong thái của một phi công chiến đấu.

Ông kể, cuối tháng 3/1975, quân ta giải phóng TP. Đà Nẵng, chiếm sân bay và thu được 17 máy bay tiêm kích A-37 do Mỹ chế tạo. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, những chiếc máy bay này được sửa chữa để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt là tấn công đối phương bằng chính vũ khí thu được của họ.

Ông Từ Đễ cùng các đồng đội khi đó nhận lệnh vào Đà Nẵng để huấn luyện chuyển loại tiêm kích A-37. “Tôi vừa vào tới Đà Nẵng thì cấp trên gọi tôi ra cùng với thợ máy để tìm hiểu, làm quen với các tiêm kích này. Vào ngày hôm trước, thì ngày hôm sau, tôi bắt đầu bay thử. Quả thực, tôi chưa bao giờ bay loại máy bay này, thế nên ban đầu cũng rất lo, song với sự quyết tâm, tôi leo lên lái thử và lên xuống rất nhịp nhàng. Khi tôi bay thành công tiêm kích A-37 đã tạo niềm tin rất lớn cho những đồng đội bay thử tiếp theo”, ông nhớ lại.

Cách đây 50 năm, Phi đội Quyết Thắng của Không quân Việt Nam đã dùng máy bay thu được của địch để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Điều kỳ diệu là Phi đội chỉ có 6 ngày để làm quen và học chuyển loại máy bay chiến đấu A-37. Dù thời gian học rất ngắn, nhưng cả Phi đội đã bay thành thục và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh trúng mục tiêu.

 Đây là trận đánh bất ngờ, bí mật tuyệt đối, nên phía địch không kịp trở tay. Trận đánh này như một mốc son trong lịch sử vẻ vang của lực lượng không quân nhân dân Việt Nam.

Khi chúng tôi hỏi, ông chưa từng sử dụng phi cơ A-37, trong khi các hướng dẫn trên máy bay đều bằng tiếng Anh, vì sao ông vẫn điều khiển thành thạo và bay thành công dù chỉ làm quen trong thời gian rất ngắn? Ông nói: “Các sỹ quan không quân phải có kiến thức ngoại ngữ để tiếp thu kỹ thuật. Thời ấy, các phi công thành thạo tiếng Nga và tự học thêm chút tiếng Anh, nên chúng tôi chuyển loại bay rất nhanh. Hơn nữa, chúng tôi có kinh nghiệm bay chiến đấu với không quân Mỹ, nên kỹ thuật lái giỏi. Và điều quan trọng nhất là mệnh lệnh ‘Thần tốc, thần tốc hơn nữa’ đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm lái thành công máy bay A-37”.

Vào những ngày cuối tháng 4/1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn quyết định, Bộ Tổng tư lệnh đã đưa ra quyết định táo bạo là dùng máy bay thu được của địch để ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy các máy bay chiến đấu và kho đạn. Bộ Chỉ huy chiến dịch yêu cầu phi công nêu cao tinh thần “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng”.

Lúc 16 giờ 25 phút ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng gồm các phi công Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On được lệnh xuất kích từ Phan Rang đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Để giữ bí mật, các phi công được lệnh chỉ bay ở độ cao khoảng 400 m và không sử dụng vô tuyến điện, mà chỉ dùng ám hiệu.

“Khi chúng tôi bay đến Biên Hòa thì trời mù mịt, rất nhiều mây. Khi bay qua sông Sài Gòn, thì may mắn, trời quang mây và thấy được Sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, cả phi đội đã đánh trúng các mục tiêu. Thời điểm đó đúng là thiên thời, địa lợi, nhân hòa ủng hộ Phi đội Quyết Thắng hoàn thành nhiệm vụ”, ông xúc động kể.

Cuộc dội bom chớp nhoáng vào sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng đã phá hủy 24 máy bay của địch và các kho xăng, kho vũ khí. Đặc biệt, cả 5 tiêm kích A-37 đều trở về căn cứ ở Phan Rang an toàn.

Ông Từ Đễ nhớ lại, khi điều khiển máy bay ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, ông khá lo lắng vì sợ máy bay hỏng giữa đường. Nỗi lo kế tiếp là thời tiết, vì lúc đó là mùa mưa, trời rất nhiều mây, khó quan sát. Điều lo lắng nhất là sợ “quân ta đánh quân mình”, do đây là trận đánh thần tốc, bí mật. “Khi máy bay của tôi bay qua Phan Thiết, pháo cao xạ, súng trường của ta cứ ngỡ máy bay địch và bắn lên, rất may là không trúng”, ông bồi hồi nhớ kể.

Phi công Từ Đễ giao lưu với thanh niên tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh
Phi công Từ Đễ giao lưu với thanh niên tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Cha con hội ngộ bất ngờ

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng ngày 30/4/1975, những người lính của Phi đội Quyết Thắng dù rất muốn về thăm gia đình, nhưng vẫn phải tiếp tục ở lại miền Nam để nhận nhiệm vụ mới.

Thế rồi, mọi sự như được định mệnh sắp đặt. Ngày 1/5/1975, Phi đội Quyết Thắng bay vào sân bay Biên Hòa để nhận nhiệm vụ mới. Cùng thời điểm, đoàn công tác của Giáo sư Từ Giấy (cha của ông Từ Đễ) cũng vào tiếp quản cơ sở hậu cần ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Trưa ngày 3/5/1975, hai cha con ông bất ngờ gặp nhau tại sân bay Biên Hòa cùng niềm hân hoan chiến thắng của dân tộc.

Đặc biệt, đó cũng chính là ngày kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ ông Từ Đễ. Đến tận bây giờ, ông vẫn nhớ như in khoảnh khắc quý giá đó.

Bức ảnh hai cha con gặp nhau ở sân bay Biên Hòa được ông lưu giữ và treo trang trọng trong ngôi nhà của mình như một bảo vật. “Đây là kỷ niệm, là quãng thời gian quý giá và đáng nhớ nhất của đời tôi”, ông xúc động nói.

Bài học “thần tốc, táo bạo” để tăng tốc bứt phá

Sau 50 năm kể từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chứng kiến sự phát triển từng ngày của TP.HCM, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Từ Đễ nhận xét, trong khoảng 20 năm trở lại đây, Thành phố được đầu tư mạnh mẽ các dự án đô thị, đường vành đai, tàu điện ngầm. Giờ đây, Thành phố đã khẳng định được vị thế là một trung tâm kinh tế, văn hóa và đô thị lớn nhất cả nước. Điều này càng được minh chứng rõ hơn qua việc TP.HCM đóng góp đến 30% ngân sách cả nước, là địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu cả nước.

Chúng tôi ngạc nhiên vì ông có thể nhớ và đọc vanh vách các con số về kinh tế. Tưởng rằng, vị cựu phi công với chiến công lừng lẫy năm xưa chỉ am hiểu về các loại máy bay chiến đấu, nhưng nhìn vào các tập tài liệu, sách báo về kinh tế trên bàn của ông, mới thấy, ông rất quan tâm tìm hiểu lĩnh vực này.

Hồi tưởng lại mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Bức điện 157/ĐK gửi các cánh quân ngày 7/4/1975 với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa…”, ông Từ Đễ cho rằng, tinh thần này cần tiếp tục phát huy trong việc phát triển kinh tế ngày nay, đặc biệt là ở đầu tàu kinh tế TP.HCM.

Tâm sự với chúng tôi, ông nhấn mạnh, TP.HCM cần phải đầu tư “thần tốc” hơn nữa các dự án đường bộ, đường sắt nội đô, như tinh thần “táo bạo, thần tốc” trong trận chiến của Phi đội Quyết Thắng cách đây nửa thế kỷ. Đặc biệt, Thành phố cần xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế để vượt qua thách thức, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Huyện Hải Hậu đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Sáng ngày 26/8/2018, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập huyện (1888 – 2018), đón nhận danh hiệu Anh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư