Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Kỳ vọng vào triển lãm sản xuất săm lốp xe lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội
T.Liên - H.Hà - 20/12/2015 22:16
 
Sau 3 kỳ triển lãm tại TP.HCM, lần đầu tiên Triển lãm quốc tế lần thứ 4 chuyên ngành cao su và sản xuất săm lốp xe Rubber & Tyre được tổ chức tại Hà Nội từ 26-28/4/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
.
GS. Nguyễn Việt Bắc đang phân tích thực trạng của ngành cao su Việt Nam

Triển lãm quốc tế lần thứ 4 này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành cao su mở rộng cơ hội kinh doanh ra phía Bắc, đồng thời những doanh nghiệp sản xuất, chế biến liên quan tới ngành cao su có cơ hội tiếp cận những sản phẩm mới nhất. Đây cũng là triển lãm hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Những kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở khi 3 kỳ triển lãm trước tại TP.HCM đã thu hút 40 doanh nghiệp đến từ 10 quốc gia khác nhau tới giới thiệu sản phẩm. Số người xem trung bình mỗi năm trên 1.400 khách từ 26 quốc gia và 18 tỉnh, thành trong cả nước.

Việc kết nối cơ hội kinh doanh đặc biệt là việc thu hút nhiều nhà sản xuất và nhập khẩu trên thế giới được nhận định sẽ giúp ngành cao su Việt Nam có bước nhảy vọt trước thực trạng sản xuất và xuất khẩu mất cân đối hiện nay.

Tại buổi hội nghị giới thiệu triển lãm tổ chức sáng nay, 16/12, tại Hà Nội, GS. Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp nhà nước về Khoa học Công nghệ Vật liệu cho biết, cao su là một trong những nguyên liệu quan trọng có tính ứng dụng đa ngành và Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới xuất khẩu nguyên liệu này.

Tuy nhiên, thị phần lớn nhất trong số các nước nhập khẩu mặt hàng này tại Việt Nam lại là Trung Quốc chiếm 48,2%, tiếp đến là Malaysia 19,6%, Ấn Độ 7% và một số quốc gia khác.

“Việc phụ thuộc vào 1 thị trường đang khiến cho nguy cơ các doanh nghiệp và người trồng cao su bị ép giá và biến động lớn do thị trường thiếu cân đối”, ông Bắc nói.

Về mặt sản xuất trong nước, ông Bắc cho biết thêm, khối lượng cao su đưa vào sản xuất trong nước suốt hơn thập kỷ qua chưa bao giờ vượt 20% sản lượng, mặc dù hàng năm, Việt Nam xuất khẩu gần 1 triệu tấn cao su nhưng phải nhập tới 300.000 tấn cao su cho nhu cầu chế biến. Con số này cho thấy ngành công nghiệp chế biến cao su đang ở mức yếu.

Đây là điều khiến ngành cao su khó cạnh tranh về mặt giá trị bởi theo ví dụ được GS. Bắc đưa ra được các nước khối EU nhập nếu tính trên1,1 triệu tấn cao su tự nhiên với giá khoảng 3 tỷ USD thì giá trị họ thu về khoảng 85 tỷ USD từ cao su tổng hợp được sản xuất ra từ nguyên liệu này.

Về giá trị xuất khẩu, Việt Nam đạt đỉnh điểm năm 2011 với 3,22 tỷ USD, năm 2012 là 2,86 tỷ USD và gần đây là hơn 2 tỷ USD.

Trong khi đó, số doanh nghiệp sản xuất sử dụng phần lớn cao su Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô. Nếu tính về giá trị thì sản phẩm cao su kỹ thuật mang lại giá trị gia tăng gấp 18-20 lần so với xuất khẩu cao su tự nhiên còn lĩnh vực sản xuất lốp chỉ mang giá trị gia tăng khoảng 9-10 lần.

Mới đây, trong quy hoạch ngành sản xuất cao su do Bộ Công thương đưa ra trong năm 2015 có đề cập tới nội dung chú trọng tăng tỷ trọng sản phẩm cao su kỹ thuật là bắt buộc để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế. Sản phẩm cao su kỹ thuật cũng được biết tới là sản phẩm sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất ô tô, tàu thủy và đường sắt.

“Mặc dù vậy, để tạo ra giá trị gia tăng cho ngành cao su thì nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách thuế và những hỗ trợ kỹ thuật khác bởi một mình ngành cao su hay doanh nghiệp trong ngành này không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp ngoại có thâm niên sản xuất nhiều chúng loại sản phẩm cao su kỹ thuật trước đó.”, ông Bắc nói.

Cổ phiếu ngành săm lốp: Đầu tư vẫn tốt
Các doanh nghiệp săm lốp vẫn đang được hưởng lợi từ giá cao su nguyên liệu đầu vào ở mức thấp. Chỉ số biên lợi nhuận gộp được cải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư