Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Lãi suất cho vay còn dư địa giảm trong năm tới
Thùy Vinh - 28/12/2023 11:01
 
Trong khi lãi suất huy động khó giảm thêm trong thời gian tới, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dừng lộ trình tăng lãi suất USD, thì lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa giảm thêm trong năm 2024.

Sẽ giảm thêm 1-1,5%

Hiện tại, lãi suất bình quân đối với những khoản cho vay ngắn hạn là 5,5-7%/năm; cho vay trung, dài hạn 8,5-10%/năm (với các khoản cho vay mới), giảm 1-2%. Lãi suất của những khoản dư nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ và trả lãi có độ trễ, do huy động của các ngân hàng trước đây ở mức rất cao.

Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 4 lần hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động đã giảm nhanh. Lãi suất cho vay thực tế cũng đã giảm 2 - 2,5 điểm phần trăm với những khoản vay phát sinh mới. Song lãi suất áp dụng cho các khoản vay hiện hữu vẫn ở ngưỡng cao, trên 10%/năm, do có độ trễ từ 3 đến 6 tháng so với lãi suất huy động và có sự phân hóa về mức độ giảm lãi vay giữa các ngành nghề.

Thanh khoản dồi dào, nhưng cung không gặp cầu là lý do chính dẫn đến tình trạng thừa tiền tại các ngân hàng hiện nay. Lãi suất cho vay ngắn hạn hiện phổ biến ở mức 8-9%, lãi suất cho vay mua nhà chỉ còn 6,6 - 7,7% trong thời hạn ưu đãi từ 12 tháng đến 36 tháng, sau đó lãi suất được thả nổi (khoảng 10 - 12%). Vì thế, khả năng lãi suất cho vay còn giảm thêm trong thời gian tới. VCBS cho rằng, lãi suất cho vay có thể hạ thêm 1-1,5% trong năm tới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay, năm 2024, xu hướng lãi suất của các nước có thể còn nhiều biến động. Theo đó, lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed, có thể giảm từ giữa năm sau, nhưng mức giảm sẽ nhỏ giọt, bởi phải cân đối với khả năng ứng phó với lạm phát.

Còn tại Việt Nam, TS. Hiếu dự đoán, lãi suất huy động của các ngân hàng có thể khó giảm thêm và sẽ tăng từ quý II/2024, chủ yếu do nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu về vốn, khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. Dẫu vậy, lãi suất cho vay có khả năng giảm tiếp trong những tháng đầu năm tới.

Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc biên lãi thuần (NIM) đang trong đà giảm và nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các nhà băng có xu hướng thận trọng hơn trong việc cho vay. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, sẽ có sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay.

Cần kích cầu nội địa

Trong giai đoạn kinh tế phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống. Đồng thời, quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực, với điều kiện tiên quyết để quá trình này diễn ra nhanh hơn là lãi suất duy trì ở mức thấp.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, lãi suất cho vay trong năm sau có thể giảm thêm để tương xứng với mức lãi suất huy động khá thấp hiện tại.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) dự báo, nhiều khả năng, NHNN vẫn giữ chính sách tiền tệ như hiện tại. Lãi suất cũng sẽ duy trì ở mức cuối năm 2023, không giảm hơn cũng không tăng trở lại…

Theo PGS-TS Huân, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đầu ra của doanh nghiệp khó, lãi suất có giảm thêm cũng khó kích thích được tăng trưởng tín dụng, mà điều quan trọng hơn trước hết là kích cầu tiêu dùng.

Thực tế cũng cho thấy, có nhiều nguyên nhân khách quan làm cho tăng trưởng tín dụng không đạt như kỳ vọng, như đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm dẫn đến cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm theo; khách hàng có nhu cầu vay vốn, nhưng không đáp ứng được điều kiện vay; thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm này giảm…

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, khó khăn còn hiện hữu trong năm 2024, nên đã đến lúc, phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản, cả với gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, để tiếp tục triển khai nhằm kích cầu toàn diện.

Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chính sách công (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright), chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP, trong đó chi tiêu hộ gia đình chiếm 50-55% GDP. Vì thế, vấn đề quan trọng trước mắt là kích cầu tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Lãi suất cho vay tiêu dùng: Cần có quy định mức trần
Đó là kiến nghị của TS. Lê Thị Hoàng Thanh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) được đưa ra tại hội thảo Xóa sổ tín...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư