Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lãi suất huy động vẫn chưa dừng tăng
 
Các ngân hàng đang rục rịch điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm trước áp lực dư nợ tín dụng có xu hướng gia tăng, cũng như để đáp ứng lộ trình tái cơ cấu nguồn vốn theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ năm 2017.
Việc các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động như hiện nay càng khiến lãi suất khó giảm
Việc các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động như hiện nay càng khiến lãi suất khó giảm

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã nhích dần trong thời gian qua và được dự báo sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm 2016. Theo đó, các ngân hàng đang nỗ lực để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đang tăng dần vào cuối năm.

Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của VietCapital Bank được điều chỉnh tăng 0,1%/năm, lên 7,1%/năm từ ngày 5/9; còn kỳ hạn 13 tháng tăng từ 7,5%/năm lên 7,8%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này là 8,2%/năm khi khách gửi 18 tháng. Eximbank áp dụng hình thức tặng quà, trong khi lãi suất các kỳ hạn cũng cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường từ 0,3-0,4%/năm.

VPBank công bố biểu lãi suất tiền gửi mới, áp dụng từ ngày 1/9, tăng nhẹ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn, trong đó mức lãi suất niêm yết cao nhất là 7,7% với kỳ hạn 36 tháng. VietA Bank áp mức lãi suất cao nhất 7,7%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Ngoài ra, ở một số ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi cũng được trả lãi suất cho khách hàng cá nhân có nhu cầu nắm giữ, thậm chí còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,1-0,2%/năm cho khách hàng có giá trị tiền gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, chủ yếu kỳ hạn 12-13 tháng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, sở dĩ các ngân hàng tăng cường huy động tiết kiệm kỳ hạn dài ngày là để cơ cấu lại nguồn vốn. Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2017, các ngân hàng thương mại phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn từ 60% xuống 50%.

Trong khi đó, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung-dài hạn, chủ yếu là cho vay đầu tư dự án bất động sản (chiếm gần 80% vốn ngắn hạn), nên phải tăng lãi suất huy động VND nhằm thu hút thêm vốn, kéo giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng cho biết, hiện một số ngân hàng đang có tỷ lệ vốn cho vay/vốn huy động hơi cao, trong khi theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, cũng như định hướng của NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có thanh khoản lành mạnh hơn.

Vì thế, các ngân hàng đang phải tăng huy động vốn kỳ hạn dài ngày để cân đối lại nguồn vốn, đáp ứng yêu cầu thanh khoản. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng không cho vay một cách ồ ạt, mà luôn có sự chọn lọc để kiểm soát rủi ro, do đó cũng khó tăng mạnh lãi suất huy động. Lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay có giảm, nhưng không nhiều, nhưng riêng với những khách hàng tiềm năng, sự cạnh tranh vẫn khá khốc liệt.

Cùng với đó, việc dư nợ tín dụng đang có xu hướng tăng lên cũng là lý do khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/8/2016, tín dụng toàn ngành tăng 9,67%; trong đó, tín dụng ngoại tệ giảm 0,33%; tín dụng bằng VND tăng 10,76%. Còn tại ngày 31/7/2016, tín dụng trung-dài hạn tăng 6,79%, thấp hơn mức tăng chung là 8,54% và chiếm tỷ trọng 8,3% - cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2016, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ khả quan hơn so với nhiều năm trở lại đây và trải đều trong các tháng, thay vì tăng trưởng thấp đầu năm và dồn mạnh vào cuối năm. Tuy nhiên, các nhà băng chỉ tăng cường huy động vốn trên thị trường I (thị trường dân cư, tổ chức kinh tế), còn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường II) vẫn liên tục giảm trong thời gian qua.

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm ở cả 3 kỳ hạn ngắn. Cùng với việc hút ròng mạnh trên thị trường mở (qua kênh tín phiếu NHNN), việc lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử (1% tính tại thời điểm cuối tháng 8) cho thấy, trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng không những tiếp tục duy trì, mà còn đang tăng lên. Theo đó, BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1-2% ở cả 3 loại kỳ hạn trong vài tuần tới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh là do NHNN đã bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ, trong khi tất cả các ngân hàng đều giữ tỷ lệ LDR (tổng các khoản cho vay/tổng tiền gửi) theo quy định của NHNN ở mức 80%, nên 20% vốn huy động còn lại được các ngân hàng đẩy lên thị trường liên ngân hàng.

Mặc dù vậy, theo TS. Hiếu, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đang có xu hướng gia tăng, dù cho chủ trương của Chính phủ, NHNN là giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân đi vay. Thêm vào đó, việc các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động như hiện nay càng khiến lãi suất khó giảm.

Lãi suất huy động ngược dòng với lãi suất liên ngân hàng
Cùng với việc hấp thụ mạnh trên thị trường mở (qua kênh tín phiếu Ngân hàng Nhà nước - NHNN), diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm xuống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư