Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Lãi suất huy động ngược dòng với lãi suất liên ngân hàng
Vân Linh - 11/09/2016 09:03
 
Cùng với việc hấp thụ mạnh trên thị trường mở (qua kênh tín phiếu Ngân hàng Nhà nước - NHNN), diễn biến lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016 cho thấy, trạng thái dư thừa thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng đang tăng lên. Từ đầu năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm.
TIN LIÊN QUAN

Cụ thể, lãi suất trung bình các kỳ hạn đều giảm khá mạnh. Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm nhẹ nhất: giảm 0,46%, xuống mức 0,59%/năm. Tiếp đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt 0,54% và 0,47%, về mức 0,67% và 0,92%/năm.

Theo cập nhật của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), lãi suất tín phiếu giảm trong tháng 8 một phần phản ánh nguồn vốn dư thừa trong hệ thống. Phiên đấu thầu ngày 18/8 đánh dấu mức lãi suất tín phiếu do NHNN phát hành giảm còn 1%/năm, kỳ hạn 14 ngày, khối lượng 8.000 tỷ đồng được các ngân hàng thương mại hấp thụ hết. Tính đến ngày 18/8, theo số liệu tập hợp của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, số dư tín phiếu NHNN lưu hành đã tăng lên mức 48.000 tỷ đồng.

.
.

Tín phiếu là công cụ ngắn hạn được NHNN đưa ra nhằm hút bớt lượng vốn dư thừa trong hệ thống, qua đó điều hướng lãi suất và cân đối những tác động ngắn hạn tới tỷ giá, lạm phát… Lãi suất tín phiếu có xu hướng giảm nhanh và mạnh như trên, trong khi khối lượng phát hành hầu hết các phiên đều được các ngân hàng thương mại hấp thụ hết. thực tế này một phần phản ánh trạng thái thanh khoản dư thừa trong hệ thống.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm ở cả 3 kỳ hạn ngắn. Cùng với việc hút ròng mạnh trên thị trường mở, việc lãi suất liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử cho thấy, trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang tăng lên. BVSC cho rằng, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1 - 2% ở cả 3 loại kỳ hạn trong vài tuần tới.

Theo phân tích của chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ. Trong khi đó, tất cả các ngân hàng đều giữ tỷ lệ LDR (tổng các khoản cho vay/tổng tiền gửi) ở mức 80% theo quy định NHNN, nên với 20% vốn huy động còn lại, các ngân hàng sẵn sàng đẩy lên thị trường liên ngân hàng.

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, khoản tiền đảm bảo thanh khoản theo quy định thường đưa vào thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), nhưng hiện nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng trên thị trường 2 không nhiều, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng giảm trong thời gian qua. Theo đánh giá của ông Minh, thực tế này sẽ tác động tích cực đến lãi suất huy động vốn ở thị trường 1, từ đó các tổ chức tín dụng có cơ sở để điều tiết giảm dần lãi suất cho vay.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của một số ngân hàng vẫn trong xu hướng nhích dần thời gian qua, cộng kèm nhiều chương trình khuyến mãi. Theo quy định hiện nay của NHNN, trần lãi suất huy động bằng tiền đồng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Lãi suất huy động tiền gửi bằng USD là 0%/năm đối với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Nhưng trên thực tế, một số nhà băng vẫn cộng thêm biên độ 0,1 - 0,3% cho khách hàng gửi tiết kiệm có số tiền trên 1 tỷ đồng ở kỳ hạn 3 - 6 tháng. Tình trạng cộng biên độ lãi suất phổ biến hơn đối với kỳ hạn trung và dài hạn.

Về vấn đề trên, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho rằng, lãi suất huy động tăng là do các ngân hàng tăng huy động kỳ hạn dài nhằm đáp ứng vốn vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, đồng thời tăng huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định cơ cấu lại nguồn theo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư