Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lái xe uống rượu có thể bị phạt tới 16 triệu đồng
Ngân Tuyền (ANTĐ) - 09/09/2015 09:17
 
Dự kiến tháng 10 tới, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATGT đường bộ. Đáng nói, hầu hết các hành vi vi phạm đối với người điều khiển ô tô đều được điều chỉnh với mức tăng nặng hơn nhiều lần, đặc biệt là hành vi có tính chất nguy hiểm tới xã hội và ATGT.

Vi phạm về nồng độ cồn được kiến nghị xử phạt tăng nặng

 

Tăng nặng mức xử phạt nhiều hành vi vi phạm luật giao thông

Theo Bộ GTVT, sau một thời gian áp dụng, Nghị định 171 (hiệu lực từ ngày 1-1-2014) và Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã bộc lộ một số bấp cập, không phù hợp với thực tế. Đây chính là lý do để tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 171. “Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 cũng đã được các bộ, ngành và địa phương đề xuất, đồng tình”, đại diện Bộ GTVT cho hay. Việc sửa đổi, bổ sung chủ yếu tập trung vào việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATGT. 

Theo đó, với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, dự thảo Nghị định đề xuất tăng mức phạt tiền đối với tất cả các hành vi của lái xe ô tô như tăng mức phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng lên mức 3 - 5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50 miligam trong 100ml máu hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở (mức 1).

Phạt tăng từ 7 - 8 triệu đồng lên 8 - 12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở (mức 2). Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng thay vì mức 10 - 15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước GPLX 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay.

Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay. Vi phạm ở mức 2 sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng và mức 3 là 5 - 7 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước GPLX từ 2 - 3 tháng.

Theo Ban soạn thảo, lý do phải tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn bởi theo thống kê, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia gây ra trung bình mỗi năm chiếm tới 16 - 20%. Tỷ lệ này có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn nữa, các vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với những người khác.

Bổ sung xử phạt nhiều hành vi mới

Cũng tại dự thảo này, hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, mức xử phạt tăng lên gấp 10 lần. Theo đó, người điều khiển mô tô - xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2 - 4 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng hiện nay. Theo Ban soạn thảo, đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ TNGT do các xe ô tô đang lưu hành trên đường cao tốc với tốc độ rất cao. Trong khi đó, mức xử phạt hiện nay không đủ sức ngăn chặn, răn đe. Đối với xe ô tô dừng đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc cũng tăng từ mức 800.000 - 1,2 triệu đồng lên mức 2 - 3 triệu đồng.

Với hành vi chở quá tải 150%, mức phạt tiền cũng tăng gấp đôi. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14 - 16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 18 - 22 triệu đồng (mức cũ là 16 - 18 triệu đồng). Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 36 - 44 triệu đồng so với mức cũ là 32 - 36 triệu đồng. Hành vi không chấp hành việc kiểm tra tải trọng cũng tăng mức phạt từ 3 - 5 triệu đồng lên tới 14 - 16 triệu đồng nhằm ngăn chặn tình trạng chống đối khi bị kiểm tra tải trọng trên đường.

Với nhóm hành vi vi phạm về tốc độ, mức xử phạt cũng tăng cao theo từng hành vi và mức độ nguy hiểm khác nhau. Trong đó, mức cao nhất là của xe ô tô đi với tốc độ vượt trên 35 km/h so với quy định sẽ bị phạt từ 8 - 12 triệu đồng và tước GPLX 3 tháng…

Dự thảo Nghị định lần này cũng bổ sung một xử phạt một số hành vi vi phạm cho phù hợp với quy định của Công ước quốc tế 1986 về giao thông, có hiệu lực ở Việt Nam từ tháng 8-2015. Cụ thể như, dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe sẽ bị xử phạt từ 600.000- 800.000 đồng; Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô có GPLX quốc tế do các nước tham gia Công ước quốc tế 1986 cấp (trừ GPLX quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo GPLX quốc gia sẽ phạt tiền từ 800.000-1,2 triệu đồng.

Giới thiệu cảm biến tự động dừng xe khi tài xế uống rượu
Các nhà khoa học Hoa Kỳ vừa giới thiệu một công nghệ cảm biến mới có thể khiến xe hơi dừng hoạt động nếu phát hiện người lái xe có nồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư