Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tâm điểm thu hút đầu tư miền Trung - Tây Nguyên
Lâm Đồng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Linh Đan - 20/11/2022 07:56
 
Lâm Đồng đã và đang tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh hiện có để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội.
Lâm Đồng ngày càng thay đổi diện mạo nhờ thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh
Lâm Đồng ngày càng thay đổi diện mạo nhờ thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh

Những chuyển biến tích cực

Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 180 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 13.935,45 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện 1.767,48 ha; trong đó, có 89 dự án đã đi vào hoạt động (67 dự án đã hoàn thành toàn bộ, 22 dự án đã hoàn thành một phần), 18 dự án đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, 73 dự án đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Từ năm 2021 đến tháng 11/2022, toàn tỉnh có 38 dự án được quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vốn đăng ký khoảng 20.638,55 tỷ đồng, tổng diện tích 537.29 ha.

Các dự án đầu tư đã góp phần vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đóng góp vào thu ngân sách của địa phương, giải quyết được một phần việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh và nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực dự án.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương căn cứ danh mục dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 27/1/2022 để lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tối thiểu từ 2 đến 3 dự án, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định hiện hành, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trước ngày 31/12/2022.

UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan kịp thời hướng dẫn, giải quyết hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thu hút đầu tư; đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, lâm nghiệp, nhà ở, xây dựng, thuế, quản lý và sử dụng tài sản công… trong quá trình thẩm định, trình chấp thuận chủ trương đầu tư đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến.

Nhiều đồ án quy hoạch, như quy hoạch xây dựng vùng huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Lâm Hà; quy hoạch chung thị trấn Di Linh; các đồ án quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để tăng cường quản lý và thu hút các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, Lâm Đồng đã thu hút được một số dự án quy mô, chất lượng cao; huy động được nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa huy động và khơi thông nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động…

Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh

Về giải pháp thực hiện công tác thu hút đầu tư để khai thác hiệu quả thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch quan trọng, bao gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận; tập trung hoàn thành các quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040.

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo các quy định pháp luật hiện hành”, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Theo đó, Lâm Đồng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và dự án kêu gọi đầu tư, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.

Cụ thể, ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành kinh tế động lực, các ngành khai thác lợi thế so sánh của tỉnh; thu hút các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài; thu hút đầu tư theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng. Tỉnh sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chính sách ưu đãi đầu tư…

Địa phương sẽ tiếp tục cơ cấu lại các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư; thực hiện các biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn có tầm ảnh hưởng rộng. Nhưng bên cạnh đó, cũng kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với các dự án không có khả năng triển khai, các dự án lập thủ tục để giữ đất, các dự án vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, lâm nghiệp và các quy định pháp luật.

Đặc biệt, Lâm Đồng xác định thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Các cơ quan quản lý sẽ tiến hành rà soát, tổng hợp quỹ đất công, nhà ở, biệt thự, tài sản gắn liền với đất công trên địa bàn tỉnh để lập danh mục đất công cần khai thác, thu hút đầu tư; tham mưu UBND tỉnh phương án quản lý, sử dụng hiệu quả để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; rà soát, thực hiện các giải pháp cải thiện các tiêu chí thành phần điểm số còn thấp, góp phần nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao năng lực và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. 

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Thời gian qua, Lâm Đồng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động, triển khai dự án của doanh nghiệp.

UBND tỉnh đã ban hành các thủ tục, văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai đồng thời nhiều thủ tục, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, gồm: Danh mục một số thủ tục hành chính thực hiện cắt, giảm thời gian giải quyết để tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư; trình tự thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thủ tục gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đồng thời với thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Lâm Đồng định hướng phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh (trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia, quốc tế); phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững (trong đó TP. Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia, quốc tế); phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp mũi nhọn, chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế; đảm bảo cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.

Trong sự kiện Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, Lâm Đồng dự kiến kêu gọi 4 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực giao thông, đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị và khu du lịch. Các dự án này sau khi được đầu tư sẽ là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế động lực, khai thác lợi thế so sánh của tỉnh.

Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị, Lâm Đồng được xác định trở thành một khu vực kinh tế động lực của Tiểu vùng Nam Tây Nguyên, trong đó phát triển TP. Đà Lạt trở thành trung tâm của Tiểu vùng. Cùng với đó, phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, chú trọng chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tính bền vững và tăng trưởng xanh; tập trung phát triển ngành dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm.

Thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng một số các dự án mang tính động lực của tỉnh đã được Bộ Chính trị chấp thuận triển khai hoàn thành vào năm 2030 theo Nghị quyết số 23-NQ/TW, gồm cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, nâng cấp cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E, khôi phục, cải tạo tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng mong muốn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư và triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành các dự án động lực  theo đúng kế hoạch.

Đầu tư lớn cho hạ tầng giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Hơn 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư được bung ra trong giai đoạn 2021-2025 để mở rộng mạng lưới đường cao tốc chắc chắn sẽ làm thay đổi diện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư