Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lâm Đồng liên tiếp xảy ra sạt lở đất, vì sao?
Linh Đan - 04/08/2023 15:10
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa nêu ra 3 nguyên nhân khiến tỉnh này liên tiếp xảy ra sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản không nhỏ trong thời gian qua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân thứ nhất là tại tỉnh Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750-3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước (lượng mưa bình quân cả nước dao động khoảng 1.500mm-2.000mm/năm).

Trong đó, năm 2021 tổng lượng mưa đạt 2.102mm; năm 2022 đạt 2.251mm và 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1.219mm (riêng tháng 6 đạt 349mm, tăng 54%, tháng 7 đạt 442mm, tăng 36% so với cùng kỳ tháng 6, tháng 7 năm 2022); một số thời điểm lượng mưa tại TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc rất cao (tháng 6 và tháng 7), đạt từ 100mm-190mm/ngày làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.

Thứ hai là diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh khoảng 977.219 ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ cao từ 200m - 1500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazzan, đất phù sa,... đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở đất rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài.

Cuối cùng, một số địa phương chưa kịp thời rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã liên tiếp xảy ra các loại hình thiên tai chủ yếu là mưa lớn liên tục kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất.

Trong đó có 10 trận mưa lớn, 1 trận mưa đá, 6 trận lốc xoáy, 5 vụ sạt lở đất,... gây hậu quả làm 9 người thiệt mạng, 4 người bị thương; hư hỏng, thiệt hại 235 căn nhà, 283 ha cây trồng, cuốn trôi gần 1 ha ao cá và hơn 2.800 gia cầm, gia súc; làm hư hỏng 6 cầu dân sinh, 2 điểm trường, 4 công trình thủy lợi, sạt lở 210m đường giao thông, ngã đổ 5 cột điện; ngập úng cục bộ tại một số nơi trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Đạ Huoai... Uớc tổng giá trị thiệt hại, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khoảng trên 23 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7/2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu, gây một số vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 17/6/2023, tại TP. Đà Lạt xảy ra 2 điểm sạt lở đất tại thành phố Đà Lạt làm 2 người thiệt mạng và 1 điểm sạt lở bờ taluy tại thành phố Bảo Lộc làm 1 người thiệt mạng, 1 bị thương, hư hỏng một số tài sản.

Ngày 29/6/2023, tại TP. Đà Lạt tiếp tục xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn TP. Đà Lạt, làm 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương; 2 nhà kiên cố bị sập, 1 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần, 1 cột điện bị gãy đổ; 13 cây thông bị ngã đổ.

Đến ngày 30/7/2023, tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai) xảy ra một số điểm sạt lở đất, ngã đổ cây rừng, cây xanh và vùi lấp trụ sở Trạm cảnh sát giao thông Mađagui (tại Km 103+300, Quốc lộ 20, khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc).

Hậu quả, vụ sạt lở đã vùi lấp 4 người (gồm 3 chiến sỹ công an và 1 người dân), hư hỏng 2 xe ô tô; chia cắt hoàn toàn giao thông qua đèo Bảo Lộc.

Vụ sạt lở 2 người chết: Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Công ty xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng
Liên quan đến vụ sạt lở khiến 2 người chết ở Lâm Đồng, ông Nguyễn Uy Vũ (39 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng)...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư