Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Làm gì để cai nghiện thuốc lá thành công?
D.Ngân - 08/12/2023 16:23
 
Thuốc lá có nhiều tác hại với sức khoẻ con người, chuyên gia khuyến cáo người dân cần bỏ thói quen hút thuốc lá để tránh những hệ luỵ khôn lường.

Tác hại khôn lường

Trên thế giới, mỗi năm hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,2 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ. 

Thuốc lá có nhiều tác hại với sức khoẻ con người, chuyên gia khuyến cáo người dân cần bỏ thói quen hút thuốc lá để tránh những hệ luỵ khôn lường.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, thuốc lá gây ra khoảng 25 bệnh khác nhau như ung thư, tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ.

Khói thuốc lá cũng là nguyên nhân chính gây bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiều nước. Khói thuốc lá tác động tiêu cực vào các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú và đẻ non ở phụ nữ.

Với phụ nữ mang thai, hít phải khói thuốc có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Hút thuốc lá thụ động làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi lên 30% và bệnh tim mạch vành lên 25%.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mạn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các chất độc hại có trong khói thuốc lá khiến đường thở dễ bị tổn thương nên người hút thuốc dễ nhiễm virus, vi khuẩn, dễ mắc lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi.

Ngoài ra, thuốc lá tăng nguy cơ loét dạ dày, hành tá tràng. Với người trung niên, thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa các khớp nghiêm trọng và loãng xương sớm.

Thuốc lá gây nên nhiều loại ung thư ở phổi, thận, bàng quang, hậu môn trực tràng, cơ quan sinh dục; là nguyên nhân gây nên tình trạng vảy nến ở da, làm xấu đi và biến dạng móng tay chân, tăng sinh lớp tế bào sừng của da khiến da đỏ và bong nhiều vảy, nguy cơ đục thủy tinh thể, giảm thính lực, tăng nguy cơ sâu răng.

Các chuyên gia khuyến cáo, hút thuốc lá không chỉ gây hại cho bản thân, mà những người xung quanh là người thân, vợ, con... đều bị ảnh hưởng. Mọi người nên từ bỏ thuốc lá, không hút thuốc lá trong nhà và nơi công cộng... để tránh gây hại tới sức khỏe những người khác.

Lời khuyên bỏ thuốc lá

Để giảm tác hại của thuốc lá đến xã hội, theo một số chuyên gia, người đã hút thuốc thì nên nỗ lực từ bỏ thuốc lá. Với thế hệ trẻ, nên giáo dục sớm cho trẻ về tác hại của sản phẩm này.

Muốn từ bỏ hút thuốc lá theo lời khuyên của các bác sĩ, trước hết phải có sự quyết tâm vượt qua sự phụ thuộc vào nicotine và thói quen hút thuốc bằng cách tin tưởng vào các lợi ích mà việc cai nghiện thuốc lá mang lại.

Bác sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cai thuốc lá có lợi ích cho việc cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng khác, đặc biệt là ung thư phổi.

Lợi ích của cai thuốc lá được nhận thấy rất sớm. Sau cai thuốc lá một năm, nguy cơ mắc bệnh động mạch vành giảm 50%. Đồng thời, cai thuốc lá cũng làm giảm nguy cơ nhồi máu não và xuất huyết dưới nhện.

Đối với người mắc bệnh động mạch vành, cai thuốc lá giúp giảm 36% nguy cơ mắc các biến cố tim mạch và giảm 50% nguy cơ tử vong sớm.

Ở bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, cai thuốc lá giúp giảm 40% nguy cơ tử vong và giảm 30% nguy cơ tái phát. Đối với những người mắc bệnh động mạch chi dưới, cai thuốc lá giúp cải thiện khả năng gắng sức, giảm nguy cơ phải cắt cụt chi và tăng tỷ lệ sống còn.

Nếu đang hút thuốc, việc bỏ hút thuốc lá cùng với thực hiện lối sống lành mạnh, kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Đối với người đã bị bệnh tim mạch, việc bỏ hút thuốc lá cũng giúp giảm nguy cơ tái phát bệnh hoặc làm nặng bệnh. Kể cả những người đã hút thuốc lá trong một giai đoạn dài (hàng chục năm), việc bỏ hút thuốc lá vẫn có lợi ích.

Để cai thuốc lá thành công, chuyên gia khuyến cáo, người hút thuốc lá hãy nói với bác sĩ về việc muốn bỏ hút thuốc và xin lời khuyên từ bác sĩ; sử dụng nicotin từ kẹo cao su, thuốc xịt họng để thay thế nicotin từ thuốc lá.

Lưu ý không nên hút thuốc lá khi đang dùng nicotin thay thế; chọn một ngày đặc biệt để tiến hành bỏ hút thuốc và kiên quyết với bản thân cũng như những người thân rằng mình thực sự muốn bỏ thuốc.

Nếu lần đầu chưa bỏ thuốc lá thành công, cũng đừng từ bỏ quyết tâm của mình, nhiều người bỏ thuốc lá sau vài lần cố gắng. Hãy thay đổi thói quen hàng ngày, hãy vứt gạt tàn thuốc lá đi, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo hoặc đi chơi với gia đình, bạn bè.

Một đến ba tuần sau khi bỏ thuốc lá, sẽ thấy bồn chồn, lo âu, khó chịu, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn nhiều, đau đầu… sau đó các triệu chứng đó hết dần.

Với nhiều lo lắng của người dân về việc bỏ thuốc lá sẽ tăng cân, bác sĩ Trần Thanh Hương, Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai nói rằng, người cai thuốc lá bên cạnh theo dõi chỉ số BMI, nên quan tâm chỉ số vòng eo. Khi chỉ số này vượt quá 90 ở nam giới và 80 ở nữ giới thì các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh đái đường đều tăng lên rõ rệt.

Do vậy chuyên gia khuyến cáo, người dân cần giảm năng lượng của khẩu phần ăn từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300Kcal/ngày. Muối: Hạn chế muối ăn dưới 5g/ngày. Nếu có tăng huyết áp thì chỉ nên dùng không quá 4g/ngày.

Tránh ăn các thức ăn giàu năng lượng như đường mật, mứt, kẹo, bánh ngọt, chocolate, nước ngọt... Uống nhiều nước và tăng cường tập thể dục. Đồng thời, kiểm soát việc uống bia, rượu, nước ngọt vì đây có thể là yếu tố gây tăng cân.

Thuốc lá điện tử và ma tuý có mối tương quan thế nào?
Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong thuốc lá điện tử có rất nhiều hoá chất gây hại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư