Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Làm rõ lý do điều chỉnh phí sân bay
Anh Minh - 03/07/2016 10:57
 
Đề xuất mới đây về việc điều chỉnh khung giá thu quốc nội của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị đang vận hành, khai thác 22 cảng hàng không - đang vấp phải sự phản ứng khá gay gắt từ các cơ quan truyền thông.

Các cơ quan truyền thông bày tỏ sự quan ngại rằng, việc tăng giá một số dịch vụ mặt đất tại các sân bay áp dụng cho các đường bay nội địa nếu được thông qua sẽ làm tăng chi phí của hành khách, đồng thời thể hiện sự áp đặt, độc quyền của đơn vị khai thác cảng, trong khi chất lượng phục vụ tại nhiều sân bay vẫn còn nhiều bất cập.

Có thể thông cảm với phản ứng này của một bộ phận cơ quan truyền thông, nhưng phía đơn vị khai thác các cảng hàng không cũng có những cơ sở nhất định khi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt lộ trình điều chỉnh khung giá thu đối với hành khách đi tuyến quốc nội theo hướng thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế còn 2 - 4 lần trong vòng 5 năm tới (2016 - 2020) để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khai thác tài sản.

.
.

Theo thông tin từ chủ cảng, trong khi chi phí đầu tư cảng hàng không quốc tế và nội địa chỉ chênh lệch nhau 20 - 30% thì cơ cấu, số lượt cất hạ cánh và sản lượng hành khách nội địa chiếm 2/3 tổng sản lượng phục vụ. Tuy nhiên, theo Quyết định 1992/2014/BTC của Bộ Tài chính, mức giá dịch vụ cất hạ cánh với đường bay nội địa thấp hơn 2,5 lần đường bay quốc tế, mức phí phục vụ hành khách cũng thấp hơn từ 2,5 đến 8 lần tùy theo từng sân bay, mức phí soi chiếu an ninh cũng thấp hơn 6 lần.

Điều này dẫn đến giá dịch vụ hàng không áp dụng cho chuyến bay quốc nội đang rất thấp, chưa tương xứng với chi phí đầu tư, chất lượng dịch vụ, sản lượng khai thác và chênh lệch lớn với giá dịch vụ áp dụng cho chuyến bay quốc tế. Với chính sách giá như hiện nay, khả năng thu hồi vốn khi thực hiện đầu tư các cảng hàng không, sân bay (không chỉ riêng với ACV, mà với bất kỳ nhà đầu tư nào) là vô cùng khó khăn.

Trên thực tế, chính sách giá thấp áp dụng cho các hãng hàng không trong nước như hiện nay là hình thức Nhà nước đang bù đầu vào cho các hãng hàng không thông qua ACV. Điều này làm méo mó thị trường vận tải, làm hạn chế sự phát triển của các loại hình vận tải khác như đường sắt, đường bộ, trong khi công năng, tiện ích của vận tải hàng không lớn hơn rất nhiều.

Sẽ cần thêm những giải trình cụ thể của đơn vị khai thác sân bay, bởi đề xuất của ACV mới dừng ở vài dòng kiến nghị được đặt trong một bản báo cáo về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016 - 2018.

Ngay cả khi việc điều chỉnh này là cần thiết, thì lộ trình tăng phí, mức tăng áp dụng cho từng sân bay phải được xem xét, đánh giá thận trọng của Hội đồng, với sự góp mặt của các cơ quan quản lý nhà nước, hãng hàng không và đại diện người tiêu dùng để đưa ra được mức giá dịch vụ hàng không phù hợp với giá thị trường, có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Mức giá dịch vụ cũng cần được xác định trong tổng hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà vận chuyển và hành khách, đồng thời phải bảo đảm sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam.

Chính phủ “bật đèn xanh”, siêu tổng công ty ACV tự tin đàm phán bán cổ phần
Việc có thêm tư vấn tài chính và pháp lý sẽ khiến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV) tự tin trong quá trình đàm phán với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư