Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lao động nhảy việc vì chủ chưa “đắc nhân tâm”
Anh Vũ - 05/06/2015 09:11
 
Doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, lĩnh vực thường lôi kéo nhân công có tay nghề của nhau. Đây được ví như cuộc chiến về kinh tế, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ lực dễ bị thua. Song họ vẫn có thể khiến nhân công rủ nhau ở lại nếu áp dụng thành công thuật “đắc nhân tâm”.

Hiểu thông tin và muốn tìm một công việc mới với mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn so với doanh nghiệp đang làm là tâm lý chung của người lao động có tay nghề hiện nay.

Nắm bắt được tâm lý này, ngoài việc cam kết đóng bảo hiểm, thưởng cao vào các dịp lễ, Tết, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại “tung” ra hàng loạt thông tin tuyển dụng với những chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhằm thu hút lao động có tay nghề của các đối thủ cùng ngành nghề.

Ông Ngô Bàng Long, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bảo vệ Bình An (ngồi giữa) trong vai trò CEO kỳ này
Ông Ngô Bàng Long, Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bảo vệ Bình An (ngồi giữa) trong vai trò CEO kỳ này

 

Ngoài mức lương hấp dẫn, các doanh nghiệp này đưa thêm những chế độ phúc lợi vào thông báo nhằm “lôi kéo” lao động. Chẳng hạn, hỗ trợ nuôi con nhỏ, nuôi dưỡng cha mẹ, miễn phí bữa ăn giữa ca, bữa ăn đặc biệt, tiệc cuối năm, thưởng 2 lần/năm...

Chưa dừng lại ở đó, có doanh nghiệp còn dùng các hoạt động vui chơi, giải trí, có thưởng mang tính gắn kết hoạt động tập thể như thi chạy, bóng đá, thi sáng tác thơ, cầu lông, tổ chức đi tham quan du lịch, bốc thăm trúng thưởng... hấp dẫn để kích cầu lao động.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn hứa dành cho người lao động nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, được tu nghiệp tại nước ngoài, được sớm nâng bậc.

Với mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà các doanh nghiệp này đưa ra nhằm tuyển dụng đủ lao động phục vụ cho sản xuất, thì tình trạng nhiều công nhân rủ nhau ”nhảy việc” là điều dễ hiểu và không mới trên thị trường lao động hiện nay. Nhất là ở những ngành nghề, lĩnh vực có nhu cầu sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, hàng tiêu dùng…, đặc biệt tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi bị rơi vào tình trạng công nhân lãn công, biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, tăng phụ cấp…, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên xử lý thế nào? Không ít doanh nghiệp loay hoay, bế tắc, thậm chí giữa CEO (cũng là cổ đông của doanh nghiệp) mâu thuẫn với bộ phận nhân sự, công đoàn.

Chẳng hạn, tại một doanh nghiệp dệt may, với khoảng 300 công nhân làm việc, nhưng gần đây, có 100 công nhân của một phân xưởng đã đình công để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương cho họ. Trước tình trạng đó, CEO vào cuộc để giải quyết nhanh chóng, lấy lại lòng tin của người lao động và uy tín với đối tác. Tuy nhiên, các giải pháp CEO đưa ra lại không được đại diện công đoàn và bộ phận nhân sự ủng hộ. Sự việc này đã được Báo Đầu tư đưa tin tuần trước.

>>> Nỗi lo mất nhân sự hàng loạt

Ngay sau đó, dư luận lên tiếng, với nhiều ý kiến phân tích trái chiều. Anh Nguyễn Hà Đức (Hà Nội) cho hay, CEO,  tổ trưởng công đoàn và trưởng phòng nhân sự phải gặp 100 công nhân đình công, nhưng không thoả hiệp tăng lương, mà giải thích cho họ hiểu, họ đã ký hợp đồng, thì tăng lương phải có niên hạn, thưởng khi vượt năng suất, làm tăng ca lương cao hơn.

“Nếu vì đòi hỏi tăng lương, thì đây là thời điểm không thích hợp để tăng phúc lợi, chăm lo điều kiện con em công nhân. Nếu họ không đồng ý, thì có thể cho họ tạm nghỉ một tuần để suy nghĩ, một mặt động viên những công nhân còn lại làm thêm ca, trả lương cao hơn để bù đắp những công nhân nghỉ, tìm những người nào tốt có thể tăng lương trước thời hạn để làm đòn bẩy tâm lý. Những công nhân nghỉ sau một tuần sẽ mời đến để nói chuyện, tôi nghĩ khi nhận thức vấn đề họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty”, anh Đức nói.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Nguyễn Đoàn Cự (TP.HCM) cũng tán thành cách giải quyết mà CEO đã đưa ra, nhưng đó chỉ là hạ sách. Trong số 100 công nhân này không phải ai cũng có cùng suy nghĩ, hành động như vậy, sẽ có người đứng đầu, thường người này hay  bất mãn với công ty. CEO dùng kế hoãn binh, kéo dài thời gian vừa để mọi người có thời gian suy nghĩ lại, vừa tìm ra người đứng đầu, giải thích và xử lý.

Trong khi đó, cũng có nhiều quan điểm thẳng thắn hơn cho rằng, doanh nghiệp cần  xem xét lại trình độ tay nghề của công nhân, công nhân nào đáp ứng được, thì giữ lại và tăng lương phù hợp, còn công nhân nào không đáp ứng được thì cho nghỉ và tuyển công nhân mới.

Liên quan đến vấn đề này, giới phân tích nhận định, đây là “cuộc chiến” kinh tế. Nếu doanh nghiệp ở quy mô lớn thì chế độ đãi ngộ phải là số một, lương phải theo kịp thị trường. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có cách áp dụng chiêu “đắc nhân tâm”, quan tâm chia sẻ đồng hành cùng lao động của mình.

CEO sẽ được các chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công tư vấn thêm về thuật “đắc nhân tâm” vào cuối tuần này.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO – Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV

Vì sao người lao động thường ngại khiếu kiện?
Cựu nhân viên tại một công ty niêm yết nọ chia sẻ, khi nghỉ việc tại công ty cũ, anh đã không yêu cầu cơ quan giải quyết các chế độ trợ cấp,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư