Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
D.Ngân - 04/06/2023 08:21
 
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới vừa được phát động tại Nghệ An.

Ngày 4/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và các sự kiện bên lề từ ngày 3 đến ngày 4/6 năm 2023 tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại sự kiện.

Ngày Môi trường thế giới năm 2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” (Solutions to  Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution). 

Chủ đề năm nay nhấn mạnh việc biến các cam kết thành hành động thực tiễn, áp dụng rộng rãi các giải pháp giảm thiểu nhựa, đặt mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường từ đất liền đến đại dương. 

Truyền tải mạnh mẽ hơn thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Bất chấp sự phụ thuộc hoàn toàn của nhân loại vào đại dương và so với bề rộng và chiều sâu của đại dương mang lại, đại dương mới chỉ nhận được một phần nhỏ sự quan tâm của chúng ta.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Ngày Đại dương thế giới năm 2023 xoay quanh các nội dung chính như: Đại dương là hệ sinh thái lớn nhất của Trái đất; Mối liên hệ giữa Đại dương và Khí hậu;

Quản lý ven biển và ý nghĩa văn hóa đại dương; Hợp tác quốc tế và thay đổi hệ thống biển và đại dương; Những cơ hội, tiềm năng của đại dương chưa được khai thác; Hệ sinh thái và địa hình dưới đáy đại dương; Đổi mới, sáng tạo nhận thức toàn cầu về biển và đại dương; Hành động tập thể vì đại dương.

Gắn với chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động chủ đề Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2023 (1-8/ 6) là “Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo” với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể;

Theo đánh giá của UNEP, trái đất đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng liên quan đến môi trường, tác động trực tiếp tới sự tồn vong của nhân loại. Ô nhiễm môi trường gây ra bởi chất thải nhựa là vấn đề nhức nhối được cả thế giới quan tâm và xuất hiện trong nhiều cuộc thảo luận toàn cầu. 

Hằng năm, có đến trên 400 triệu tấn nhựa được sản xuất; 2/3 trong số đó là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, sớm trở thành chất thải.

Đồng thời, sản xuất nhựa là một trong những quy trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất trên thế giới. Vật liệu này được làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, được biến đổi thông qua nhiệt và các chất phụ gia khác thành polymer. 

Hàng triệu tấn chất thải nhựa từ trong đất liền theo dòng chảy từ các con sông và hồ đổ ra biển, khiến chúng trở thành tác nhân chính gây ô nhiễm đại dương. 

Thế giới loài người phụ thuộc vào các đại dương và tình trạng các hệ sinh thái đại dương nhưng các vùng biển đang chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Sự thay đổi về nhiệt độ mặt nước biển, lục địa nhiệt đại dương, mực nước biển dâng, sự tan chảy của các sông băng và tảng băng, lượng khí thải CO­2 và nồng độ trong khí quyển đang gia tăng với tốc độ nhanh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhân loại, các loài sinh vật biển, mất cân bằng đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái của đại dương. Để thích ứng với ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu do con người gây ra, đại dương đã phải thay đổi sâu sắc về vật lý, hóa học, sinh thái và các dịch vụ của nó. 

Các dự báo về lượng khí thải hiện tại sẽ làm thay đổi nhanh chóng và đáng kể các hệ sinh thái mà con người phụ thuộc. Các phương án quản lý nhằm giải quyết vấn đề đại dương đang thay đổi do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và bị thu hẹp khi đại dương tiếp tục ấm lên và axit hóa.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, Việt Nam là quốc gia biển và biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển bền vững kinh tế biển là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

Bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển.

tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

Nhưng cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.

Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời.

Trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững kinh tế biển qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người;

Các chính sách, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống được triển khai đồng bộ trên cả nước; nhiều phong trào phòng, chống rác thải nhựa được phát động thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện.

Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao, thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường. 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngày Môi trường thế giới và Ngày Đại dương thế giới năm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau khẳng định quyết tâm, thay đổi nhận thức, thống nhất hành động, chủ động khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, ngăn chặn sự gia tăng về tốc độ ô nhiễm và suy thoái môi trường;

Đồng thời khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm cân bằng sinh thái; thay thế từng bước việc sử dụng túi nilon khó phân hủy bằng sử dụng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường trong đời sống sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. 

Nhân sự kiện hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Trước hết, cần thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế;

Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. 

Thứ hai, thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và đại dương, bảo đảm phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, nhất là mạng lưới giao thông, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển Việt Nam theo quy hoạch;

Phát triển đồng bộ, hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng; tăng cường liên kết vùng ven biển với vùng nội địa.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao.

Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường biển, giảm thiểu tối đa sự suy thoái tài nguyên, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển;

Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, giảm thiểu rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nilon khó phân huỷ tại các trung tâm thương mại, siêu thị trên cả nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Thứ tư, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu, nghiên cứu, thăm dò các bể trầm tích mới, các dạng hydrocarbon phi truyền thống;

Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển; phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy. Triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Thứ năm, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Phát huy truyền thống lịch sử dân tộc hào hùng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng và lợi ích quốc gia trên biển; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sự ủng hộ, đồng tình của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và các hoạt động kinh tế biển.

Cuối cùng, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, về ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.

Biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân; xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển; phát triển các thiết chế văn hoá cho cộng đồng dân cư biển và ven biển; phát huy bản sắc, giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, tri thức tốt đẹp trong ứng xử với biển, xây dựng văn hoá biển.

Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cũng mong muốn các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng cần tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa cho cộng đồng, phát hiện và biểu dương những tấm gương, mô hình, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo để tạo sức lan tỏa, thắp sáng nỗ lực chung của toàn xã hội.

Hơn 1.300 người tham gia mít tinh hưởng ứng "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam" năm 2017
Sáng nay 8/6, tại Khu du lịch Khai Long, thuộc ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư