Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lĩnh vực logistics tại Bình Dương hút vốn ngoại
Lê Quân - 02/06/2023 08:39
 
Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm rót vốn đầu tư vào dự án logistics tại Bình Dương.
Các dự án logistics tại Bình Dương hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chuỗi cung ứng hàng hóa.  Ảnh: Lê Toàn

“Làn sóng” đầu tư logistics

Nhiều năm qua, Bình Dương luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút FDI. Với việc phát triển nhanh các khu công nghiệp, Bình Dương được coi là mảnh đất rất “màu mỡ” cho doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực logistics.

Đặc biệt, từ quý IV/2022 đến nay, rất nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm đầu tư vào logistics tại Bình Dương.

Một trong những dự án nổi bật là Trung tâm Thương mại điện tử xuyên biên giới (75 ha), do Tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) và đối tác liên doanh Becamex IDC đầu tư tại Thành phố mới Bình Dương, bao gồm các khu nhà xưởng công nghệ cao, kho chứa hàng vận chuyển bằng đường hàng không, kho thương mại điện tử xuyên biên giới, kho ngoại quan…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương vào năm ngoái, ông Charles R. Kaye, Tổng giám đốc toàn cầu của Tập đoàn Warburg Pincus mong muốn chính quyền tỉnh  tạo điều kiện để sớm triển khai Dự án nhằm xây dựng hệ sinh thái tích hợp chuỗi cung ứng, tạo điểm nhấn để thu hút đầu tư vào Bình Dương.

Nhấn mạnh việc Việt Nam đã trở thành một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng, bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM chia sẻ, logistics là một trong 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy cơ hội đầu tư rất lớn tại Việt Nam, sau năng lượng sạch và y tế.

Hồi cuối năm ngoái, tại lễ khởi công nhà máy của Tập đoàn Lego tại Bình Dương, ông Preben Elnef, Phó chủ tịch Tập đoàn Lego, kiêm Tổng giám đốc Lego tại Việt Nam cũng cho biết, lý do Lego chọn Bình Dương là điểm đến đầu tư vì địa phương có lợi thế về logistics. Với sự “phủ sóng” của các doanh nghiệp logistics tại Bình Dương, Lego sẽ rất thuận lợi trong việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ tại Đông Nam Á và các khu vực khác.

Ngoài ra, tại Bình Dương còn có một số dự án logistics do các tập đoàn nước ngoài đầu tư đã đi vào hoạt động, như Trung tâm Phân loại hàng hóa công nghệ cao của Lazada với khả năng xử lý 1 triệu bưu kiện mỗi ngày; hệ thống kho ngoại quan phục vụ ngành gỗ và nội thất quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Mục tiêu trở thành trung tâm logistics của Đông Nam bộ

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào logistics, mới đây, Bình Dương, đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn kế hoạch cải tạo, xây dựng ga liên vận quốc tế Sóng Thần thành trung tâm logistics của tỉnh và Đông Nam bộ. Tại buổi làm việc, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng và trình Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt với 8 khu ga, trong đó quy hoạch ga Sóng Thần trở thành ga trọng điểm hàng hóa phía Nam.

Theo phương án đã trình, sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt là Sóng Thần - Đồng Đăng và Sóng Thần - Lào Cai. Khi đó, hàng hóa từ Bình Dương sẽ được vận chuyển bằng đường sắt kết nối với Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu.

Ông Mạnh cho biết, ga Sóng Thần có lợi thế đã được cấp mã liên vận, nếu thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại ga Sóng Thần sẽ rút ngắn được thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Với thế mạnh về phát triển công nghiệp, Bình Dương xác định, đẩy mạnh dịch vụ logistics là nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Nam. Để hiện thực hóa các mục tiêu, Bình Dương đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhìn nhận rõ ý nghĩa quan trọng của việc phát triển logistics đối với sự phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, tham gia chuỗi cung ứng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp  logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu…

Bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam nhấn mạnh, phát triển logistics bền vững sẽ quyết định sự thành công của Bình Dương trong thực hiện chiến lược phát triển với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đô thị thông minh vào năm 2045. Theo bà Hòa, khi phát triển tốt dịch vụ logistics sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư lớn, vì nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn những nơi không chỉ có điều kiện tốt về hạ tầng, mà còn phải phát triển dịch vụ logistics.
Xu hướng đổi mới sáng tạo nào đang diễn ra trong ngành logistics
Việc đổi mới sáng tạo không chỉ là một sự cạnh tranh mà còn là một cơ hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư