Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 23 tháng 01 năm 2025,
Lỗ hổng giáo dục gây ra do đại dịch Covid-19
D.Ngân - 28/01/2022 14:32
 
Hơn 635 triệu học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chi sẻ dữ liệu mới nhất về tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc học tập của trẻ em. Theo đó, hơn 635 triệu học sinh vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần.

Các dữ liệu mới nhất của UNICEF cho thấy trẻ em bị thiếu hụt các kỹ năng làm toán và đọc viết cơ bản. Trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn giáo dục đã khiến hàng triệu trẻ em bỏ lỡ đáng kể các hoạt động học tập mà các em đã có thể tham gia nếu các em được học trong lớp học; trong đó, trẻ nhỏ và thiệt thòi hơn thường bỏ lỡ nhiều nhất.

Tại các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, lỗ hổng giáo dục vì trường học đóng cửa đã khiến tới 70% trẻ em trong độ tuổi 10 tuổi không thể đọc hoặc hiểu một đoạn viết đơn giản, tăng từ 53% so với trước khi đại dịch xảy ra.

UNICEF cũng đưa ra số liệu cụ thể tại một số quốc gia cho thấy, trẻ em đang bị "hổng" nhiều kiến thức do tác động của đại dịch.

Cụ thể, tại Ethiopia, ước tính trẻ em tiểu học chỉ học được từ 30-40% khối lượng môn toán mà các em đã có thể học trong một năm học thông thường.

Tại Mỹ, tình trạng sa sút trong học tập đã được ghi nhận ở nhiều tiểu bang bao gồm Texas, California, Colorado, Tennessee, North Carolina, Ohio, Virginia và Maryland.

Chẳng hạn, tại Texas, năm 2021, 2/3 số trẻ em lớp 3 thi môn toán có kết quả thấp hơn cấp lớp học của mình, so với một nửa số trẻ em vào năm 2019.

Ở một số bang của Brazil, khoảng 3/4 trẻ em lớp 2 không đạt yêu cầu về khả năng đọc, tăng so với số liệu 1/2 số trẻ em trước khi đại dịch xảy ra. 

Trên khắp Brazil, cứ 10 học sinh 10-15 tuổi thì có 1 học sinh cho biết các em không có ý định quay lại trường học khi trường học mở cửa trở lại.

Hay ở Nam Phi, việc học tập của học sinh bị chậm hơn 75% đến cả năm học so với thông thường. 

Khoảng 400.000 đến 500.000 học sinh được cho biết đã bỏ học trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2021.

Những hệ quả tiếp theo của việc đóng cửa trường học đang gia tăng. Bên cạnh lỗ hổng giáo dục, việc đóng cửa trường học đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, làm giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em.

Cũng theo UNICEF, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Coivd-19 đã gây ra tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Với một số nghiên cứu cho thấy trẻ em gái, thanh thiếu niên và những trẻ sống ở vùng nông thôn có nhiều khả năng gặp phải những vấn đề này nhất.

Cụ thể, hơn 370 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ bữa ăn ở trường trong thời gian trường học đóng cửa, điều này làm mất đi nguồn thực phẩm và dinh dưỡng hàng ngày đáng tin cậy duy nhất đối với một số trẻ em.

Ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF cho biết, tính tới tháng 3, tròn hai năm nền giáo dục toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 và chúng ta đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em.

Theo ông Robert Jenkins, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng gián đoạn học tập, việc chỉ mở cửa lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục những nội dung bị hổng kiến thức.

Bên cạnh đó, các trường học cũng cần vượt ra khỏi phạm vi học tập để giúp phục hồi sức khỏe tâm thần và thể chất, sự phát triển về mặt xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em.

Trong bối cảnh người dân trên toàn thế giới đang thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch Covid-19, việc đảm bảo tất cả trẻ em được tiếp tục học tập trong một môi trường thân thiện, tôn trọng, hòa nhập và hỗ trợ là rất quan trọng.

"Do vậy nhà trường và giáo viên đóng vai trò then chốt. Việc chia sẻ thông tin chính xác và khoa học về Covid-19 sẽ giúp giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng về dịch bệnh và tăng cường khả năng ứng phó của trẻ em trước các tác động gián tiếp của dịch bệnh đối với cuộc sống", UNICEF nêu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư