Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lo nợ xấu, lợi nhuận nhiều ngân hàng nhỏ giảm mạnh
Vân Linh - 05/11/2020 15:31
 
Kết quả kinh doanh quý III/2020 được các ngân hàng công bố cho thấy, không ít nhà băng quy mô nhỏ và vừa đang đối mặt việc tăng trích dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận giảm mạnh.
.
Lợi nhuận của PG Bank giảm gần 70% trong quý III/2020.

Lợi nhuận giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận trước thuế của VietABank trong quý III/2020 chỉ đạt 18,4 tỷ đồng, giảm 73,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm lợi nhuận đến từ việc tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 476 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, lợi nhuận của PG Bank giảm gần 70% trong quý III/2020, đạt hơn 21 tỷ đồng, cũng do chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp gần 3,4 lần cùng kỳ.

Tại VietBank, lợi nhuận trước và sau thuế quý III/2020 giảm tương ứng 52% và 54% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 86 tỷ đồng và gần 66 tỷ đồng. Nguyên nhân do nợ xấu tăng, Ngân hàng phải mạnh tay trích dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank quý III/2020 tăng đến 65% (25 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng đầu năm, dự phòng rủi ro tín dụng của VietBank tăng đến 80%, lên 65,92 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác cũng có lợi nhuận giảm trong quý III/2020, như BacA Bank, ABBank, OCB, ACB..., chủ yếu do dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.

Áp lực dự phòng còn tăng

Lãnh đạo OCB cho hay, khả năng dự phòng rủi ro sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với lợi nhuận trước và sau thuế ghi nhận ở mức hơn 647 tỷ đồng và hơn 517 tỷ đồng, giảm gần 22% so với cùng kỳ năm trước khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 49%, lên hơn 282 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, OCB báo lãi trước thuế đạt hơn 2.511 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, OCB đã thực hiện được 57% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đề ra cả năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, trước khó khăn của dịch bệnh, việc kiểm soát chất lượng tài sản là yếu tố được đặt lên hàng đầu đi kèm với nỗ lực xử lý nợ xấu. Đó cũng là lý do tăng trưởng tín dụng của nhà băng này âm đến 10% trong 9 tháng đầu năm. Eximbank đã giảm được 67% dự phòng trong quý III/2020 so với cùng kỳ, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, chi phí dự phòng của Eximbank vẫn gấp đến 2,7 lần cùng kỳ, lên hơn 267 tỷ đồng.

Việc tăng dự phòng đã bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong quý III/2020 và dự báo áp lực dự phòng sẽ còn làm giảm lợi nhuận hơn nữa. SSI Research cho rằng, các ngân hàng đang phải đẩy nhanh trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, mặc dù thời hạn thực hiện của Thông tư 01/2020/TT-NHNN được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm 2020 của ngành ngân hàng được SSI Research ước tính giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4%, trong khi chi phí dự phòng tăng 47,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, FiinGroup dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng VietinBank không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019.

Thế nhưng, trích lập dự phòng rủi ro được Fitch Ratings nhận định sẽ tiếp tục tăng do khủng hoảng dịch kéo dài. Theo Fitch Ratings, mức trích lập dự rủi ro tín dụng tại các ngân hàng trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng cao trong nửa cuối năm nay và trong năm 2021 do tác động của dịch bệnh. Tại Việt Nam, chi phí lập dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng cho vay đạt 1,34% tại thời điểm cuối tháng 6/2020, cao hơn mức trung bình của khu vực và cao hơn mức 0,74% tại thời điểm cuối năm 2019.

Tín dụng cải thiện tác động lên lợi nhuận ngân hàng
Công bố lợi nhuận quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, tín dụng dần tăng trưởng tích cực, tác động lên lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư