Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Loại bỏ ô nhiễm nhựa: Kinh nghiệm EU, đánh giá và hướng giải quyết tại Việt Nam
Oanh Thủy (thực hiện) - 09/06/2021 11:53
 
Cách thức EU hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu làm sạch môi trường biển trong khuổn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”.
TIN LIÊN QUAN

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, chia sẻ với Báo Đầu tư về cách thức EU hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu làm sạch môi trường biển trong khuổn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” đang được thực hiện tại 7 quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á với sự tài trợ chính từ EU. Ông có thể chia sẻ cách thức dự án sẽ được thực hiện nhằm phù hợp với các chính sách hiện tại của EU về hạn chế sử dụng nhựa. Tại sao Đông Á và Đông Nam Á được lựa chọn để thực hiện dự án thí điểm này?

Liên minh châu Âu đang đầu tư lớn vào việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn tập trung ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế các sản phẩm và vật liệu nhằm tận dụng tối đa giá trị của các nguyên liệu thô, các sản phẩm và chất thải, từ đó giúp tiết kiệm năng lượng và tài chính.

“Chiến lược về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn” được Liên minh châu Âu thông qua vào tháng 1/2018, là một phần quan trọng trong gói kinh tế tuần hoàn của EU. Chiến lược về nhựa của EU được xây dựng dựa trên các biện pháp hiện có, nhằm mục tiêu giảm chất thải nhựa và thay đổi cách thiết kế, sản xuất, sử dụng và tái chế sản phẩm nhựa trong EU. Với các kế hoạch nhiều tham vọng và vì ô nhiễm nhựa không có ranh giới, nên Chiến lược về nhựa của EU xác định hợp tác quốc tế là một trong những trụ cột hoạt động chính. Vì vậy, Liên minh châu Âu đang nỗ lực làm việc và hợp tác với các đối tác trên khắp thế giới nhằm xây dựng các giải pháp toàn cầu và các tiêu chuẩn quốc tế.

Để có thể hướng tới tương lai được nêu trong Chương trình Nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris, cần có sự chuyển đổi toàn cầu. Chuỗi giá trị nhựa và những thách thức từ ô nhiễm nhựa mang tính toàn cầu và các hành động liên quan đến kinh tế tuần hoàn sẽ giúp chúng ta đạt được một số mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực nóng trên thế giới về rò rỉ chất thải nhựa ra đại dương với các tác động tiềm tàng đối với đa dạng sinh học. Hầu hết nhựa từ sông đổ ra biển. 90% số rác thải đó đến từ 10 con sông, trong đó có 8 con sông ở châu Á và 2 con sông ở châu Phi. Khoảng 50% lượng nhựa toàn cầu được sản xuất ở châu Á. Chính vì vậy, cần tăng cường hợp tác và thực hiện các hành động chống ô nhiễm nhựa với các nước châu Á.

Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của EU liên quan tới loại bỏ rác thải nhựa?

Xóa bỏ ô nhiễm đại dương, đặc biệt là ô nhiễm nhựa, là quá trình phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ, liên quan đến nhiều thành phần xã hội và các lĩnh vực kinh tế khác nhau.

Về cơ bản, cần quản lý hiệu quả chất thải. Tại EU, Chỉ thị khung về chất thải năm 2008 chính là khung pháp lý về xử lý và quản lý chất thải, với nền tảng chính là “hệ thống phân cấp chất thải" bao gồm 5 bước. Hệ thống này nêu rõ thứ tự ưu tiên trong quản lý và xử lý chất thải, từ ngăn ngừa, chuẩn bị cho tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và thải bỏ. Trong đó, ngăn ngừa chất thải là lựa chọn ưu tiên hàng đầu, còn chôn lấp chất thải nên là lựa chọn cuối cùng.

Ngoài việc đảm bảo quản lý chất thải hiệu quả, EU cũng đang tập trung thực hiện nhiều hoạt động quan trọng khác trong khuôn khổ của Chiến lược về nhựa.

Hoạt động đầu tiên là làm cho tái chế có lợi cho doanh nghiệp. Các quy định mới về bao bì sẽ giúp nâng cao khả năng tái chế nhựa được sử dụng  và làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm nhựa tái chế. Khi nhựa được thu gom nhiều hơn, nên nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở tái chế và thiết lập một hệ thống thu gom và phân loại rác tiêu chuẩn trong toàn EU. Làm như vậy, chi phí thu gom mỗi tấn rác thải sẽ giảm khoảng 100 euro, giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho một ngành công nghiệp nhựa bền vững và có tính cạnh tranh cao hơn.

Hoạt động thứ hai là hạn chế rác thải nhựa. Hiện nay, hệ thống luật pháp châu Âu đã giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ túi ni lông tại một số quốc gia thành viên, nên các hoạt động sắp tới sẽ tập trung vào các sản phẩm nhựa dùng một lần khác và ngư cụ, hỗ trợ các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia và xác định phạm vi các quy tắc mới trên toàn EU dựa trên dữ liệu và có tham vấn các bên liên quan. Ngoài ra, các biện pháp hạn chế sử dụng vi nhựa trong các sản phẩm và dán nhãn cho các loại nhựa có thể phân hủy sinh học cũng đang được tiến hành.

Hoạt động thứ ba là ngừng xả rác trên biển. Hoạt động này được triển khai dựa trên các quy định mới về cơ sở tiếp nhận tại cảng để giải quyết vấn đề rác thải biển, với các biện pháp nhằm đưa chất thải phát sinh trên tàu hoặc chất thải thu gom trên biển về đất liền và có biện pháp quản lý phù hợp.

Hoạt động thứ tư là đầu tư và đổi mới. Theo đó, EU đang hướng dẫn các cơ quan chức năng của các nước thành viên và các doanh nghiệp châu Âu cách giảm thiểu chất thải nhựa tại nguồn. EU tăng cường hỗ trợ đổi mới và bổ sung khoảng 100 triệu euro để phát triển các vật liệu nhựa thông minh và có khả năng tái chế cao hơn, làm cho quy trình tái chế trở nên hiệu quả hơn, cùng với việc truy tìm và loại bỏ các chất độc hại và gây ô nhiễm ra khỏi các sản phẩm nhựa tái chế.

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” sẽ triển khai những hoạt động nào tại Việt Nam để góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đại dương, thưa ông?

Theo Chiến lược về nhựa của EU và Chương trình quốc gia của Việt Nam, dự án của chúng tôi đang triển khai theo 3 hướng: sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm giảm lượng nhựa đưa ra thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải nhựa để đảm bảo xử lý chất thải đúng cách và không bị thải ra môi trường, giảm lượng rác thải từ nguồn biển, như chất thải từ tàu thuyền.

Ví dụ, chúng tôi tập trung giảm lượng nhựa sử dụng một lần như túi nhựa và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển mô hình Trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam. EPR dựa trên nguyên tắc người đưa bao bì hoặc hàng hóa đóng gói vào một quốc gia sẽ phải chịu trách nhiệm với những sản phẩm đó cho đến khi kết thúc vòng đời của sản phẩm, kể cả sau khi sản phẩm bị thải loại.

Các hoạt động này được triển khai song song với các cuộc đối thoại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm với các nước trong khu vực và châu Âu, cũng như các hoạt động nâng cao nhận thức. Nhìn chung, cần phải cùng nhau nỗ lực mới có thể giảm thiểu nhựa trong môi trường. Đây là lý do vì sao chúng tôi làm việc với nhiều đối tác trong và ngoài nước, từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp cho đến các tổ chức khác.

Ông có cho rằng, Việt Nam đã sẵn sàng để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa?

Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế lớn, với mức tăng trưởng 6-7%/năm và kim ngạch xuất khẩu đáng kể.

Sản xuất tăng đồng nghĩa với tiêu thụ nhiều tài nguyên, đặc biệt là năng lượng. Vì vậy, thế giới đang phải tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế có cùng chất lượng nhưng chi phí thấp hơn nguyên liệu thô.

Rác thải chính là một trong những nguyên liệu thay thế chủ yếu. Nếu trong những năm tới, Việt Nam quản lý, kiểm soát chất thải tốt hơn, thì lượng chất thải trong nước sẽ là một cơ hội kinh tế rất lớn, thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Để làm được điều này, chính phủ cần có các chính sách phù hợp.

Ông đánh giá thế nào về những thiệt hại ô nhiễm nhựa có thể gây ra cho môi trường biển của Việt Nam. Liệu có cơ hội để xoay chuyển tình thế hay không?

Rác thải, đặc biệt là rác trôi nổi trên khắp các đại dương không dừng lại ở ranh giới giữa các quốc gia, đang ảnh hưởng đến mỗi chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta cần có các giải pháp mang tính toàn cầu và phải cùng nhau chung sức. Tôi tin rằng, chúng ta đang đi đúng hướng khi tất cả các bên liên quan cùng tham gia thực hiện những hành động cụ thể.

Điều quan trọng nhất là chúng ta phải nhận ra đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người. Mỗi người trong chúng ta có thể thay đổi thói quen tiêu dùng và giảm thiểu đồ nhựa trong cuộc sống hàng ngày, có thể chỉ cần bắt đầu từ việc mang một chiếc túi có thể sử dụng nhiều lần đi chợ, tự mang cốc đi mua cà phê, hoặc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua đồ ăn mang đi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư