Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Loay hoay chiến lược M&A
Anh Vũ - 22/08/2015 08:04
 
M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) theo hình thức hợp tác hay bán đứt không quan trọng bằng việc ông chủ muốn đưa doanh nghiệp đến đâu trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt với đối tác ngoại.

M&A giúp chuyển đổi doanh nghiệp từ chỗ làm ăn không hiệu quả trở thành doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Hơn nữa, mua một doanh nghiệp có sẵn là sự đầu tư ít rủi ro hơn và mang lại lợi nhuận nhanh hơn so với việc tạo dựng một doanh nghiệp từ con số 0.

M&A cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động kinh doanh và quản lý, vượt qua những khó khăn hiện tại khi có nguồn vốn từ các doanh nghiệp khác. Đồng thời, các doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp lớn trong nước có thể đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ với giá trị đầu tư thấp hơn, nhưng sau khi vượt qua khủng hoảng thì giá trị doanh nghiệp sẽ được nâng cao hơn.

Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hùng Vân thử sức với chiến lược M&A
Ông Bùi Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hùng Vân thử sức với chiến lược M&A trong chương trình CEO - Chìa khoá thành công tuần này

 

Tuy nhiên, về bản chất, M&A là sự hợp tác chiến lược hai bên cùng có lợi hay chỉ nhằm rình rập thôn tính để có lợi cho bên mua?

Theo các chuyên gia, M&A có thể chia làm ba loại chính. Thứ nhất là mua đứt, bán đoạn, hoặc việc mua bán chỉ đơn thuần về tài chính, hoặc có thể là chiến lược thôn tính có lợi cho việc cạnh tranh trên thị trường của bên mua. Trong trường hợp này, bên mua thường tìm cách để giá mua thấp nhất và bên bán làm sao để bán được giá cao nhất.

Thứ hai là sở hữu một lượng cổ phần đáng kể và trở thành cổ đông chiến lược. Khi đó, bên mua (cổ đông chiến lược) không chỉ đơn thuần sở hữu về tài chính, mà còn hỗ trợ nhất định trong việc phát triển của bên bán.

Thứ ba, hai bên trao đổi với nhau về cổ phần. Đây là sự trao đổi mang tính hợp sức và lực, đang là hướng đi chuyên nghiệp trong việc hoạch định chiến lược của mỗi công ty.

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành, kiêm Trưởng danh mục đầu tư cổ phần tư nhân Quỹ VinaCapital nhận định, động cơ của các nhà đầu tư nước ngoài là không chỉ làm thay đổi cục diện thị trường vốn Việt Nam, mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng quản trị, chiến lược kinh doanh để thoát khỏi cái mác doanh nghiệp địa phương trong cuộc chơi khu vực và toàn cầu.

Theo bà Loan, nếu thương vụ M&A xảy ra giữa các công ty Việt Nam với nhau, thì sẽ giúp các công ty nhỏ có nguồn vốn để tăng trưởng và các công ty lớn có cơ hội mở rộng quy mô. “Những doanh nghiệp có chiến lược M&A bài bản sẽ có kế hoạch cạnh tranh khác biệt so với doanh nghiệp e ngại dùng chiến lược tăng trưởng từ M&A, mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có”, bà Loan cho biết.

Trong bối cảnh đó, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cũng đang tính đến chuyện sẽ M&A sau khi tiếp xúc với nhiều đối tác đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa biết sẽ hợp tác với họ theo hình thức nào. Trong khi CEO muốn bán một phần doanh nghiệp cho đối tác (không quá 49%), thì các cổ đông lại đề nghị bán đứt, rút khỏi ngành này và lấy tiền đầu tư sang lĩnh vực phân phối các sản phẩm phần mềm, điện máy…

Hai chuyên gia của Chương trình CEO - Chìa khóa Thành công là ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Tư nhân Vina (VP Capital) và ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối Công nghệ thông tin Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) sẽ tư vấn CEO trong tuần này.

Những thương vụ dẫn dắt thị trường mua bán, sáp nhập 2014-2015
Năm 2014, Việt Nam có trên 300 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), với giá trị lên tới 4,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013. Các thương vụ được diễn ra...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư