Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lời cảnh báo trên thị trường bán lẻ
Nguyên Đức - 06/08/2015 11:27
 
Thông tin Tập đoàn 7- Eleven (Mỹ) sắp mở chuỗi cửa hàng tiện ích tại Việt Nam đã tiếp tục “hâm nóng” thị trường bán lẻ Việt Nam vốn đầy sức hấp dẫn, nhưng cũng là lời cảnh báo về nguy cơ các doanh nghiệp bán lẻ nội bị thâu tóm hoặc mất thị phần vào tay nhà đầu tư nước ngoài.
.
Xu hướng M&A từ các tập đoàn Thái Lan thể hiện rõ trong năm 2014, 2015 với các thương vụ điển hình PowerBuy -  Nguyễn Kim, BJC - Metro. Ảnh: Đức Thanh

 

Trên thực tế, lời cảnh báo này được đưa ra từ cách đây khá lâu, khi Việt Nam chính thức mở cửa thị trường từ năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một báo cáo mới đây liên quan đến thị trường bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định rằng, đa số doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tham gia thị trường là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp và đang phải đối mặt với nguy cơ bị các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm.

Có hai bức tranh khá trái ngược trên thị trường phân phối bán lẻ hiện nay.

Một là của các nhà đầu tư ngoại, với 7- Eleven sắp vào Việt Nam, với Metro Cash & Carry, BigC, Lotte, Aeon… cùng hàng loạt động thái như Berli Jucker (BJC) muốn mua lại Metro, BJC đã nắm quyền điều hành Tập đoàn Phú Thái  với hệ thống Family Mart từ năm 2013, hay Aeon mua cổ phần của Citimart, Fivimart… Một là của doanh nghiệp nội, với động thái rất tích cực là sự phát triển khá mạnh của Vingroup thời gian gần đây sau khi mua lại hệ thống Vinatex và Ocean Mart, hay sự vững mạnh của Co.op Mart, Fivimart… Nhưng cũng có một Sơn Hà sau 3 năm mở siêu thị Hiway Supercenter đầu tiên tại Hà Nội đã phải tuyên bố thoái toàn bộ vốn khỏi hệ thống này và quyết tâm trở về với lĩnh vực cốt lõi. Một Trung Nguyên chấm dứt liên doanh với Ministop trong phát triển chuỗi G7Mart. Ministop thay vì hợp tác với Trung Nguyên thì đang tìm tới Sojitz. Hệ thống Family Mart vốn do Phú Thái dày công xây dựng, cũng đã nằm trong tay nhà đầu tư Thái Lan…

Hai bức tranh trên cho thấy rõ ràng một điều là, trong khi các doanh nghiệp ngoại đang ngày càng tìm cách bành trướng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, thì doanh nghiệp nội ngày càng trở nên yếu thế, bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Việt Nam được xem là thị trường tiềm năng với trên 90 triệu dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ không ngừng tăng, từ 11% (giai đoạn 1996 – 2000) lên 26% (giai đoạn 2006 – 2010). Trong khi đó, kênh phân phối theo hình thức hiện đại mới chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Dự đoán, tỷ lệ này sẽ tăng lên xấp xỉ 50% vào năm 2020.

Tất cả những yếu tố này tạo nên sức hấp dẫn cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Đó cũng là lý lo giải thích vì sao ngày càng nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường qua hình thức đầu tư trực tiếp, hoặc mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp. Xu hướng này được dự báo là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay...

Câu chuyện nằm ở chỗ, khi cam kết mở cửa thị trường được thực thi, cơ hội và sự công bằng sẽ chia đều cho cả hai phía. Khi đó, những doanh nghiệp ngoại có lợi thế về kinh nghiệm, tài chính sẽ dễ dàng giành ưu thế; nguy cơ bị thâu tóm, mất thị phần của doanh nghiệp nội ngày càng cao. Vì thế, khi 7- Eleven, hay Aeon… đến thì đó là điều đáng mừng, bởi cùng với vốn đầu tư, các tập đoàn này mang kinh nghiệm và tập quán kinh doanh hiện đại vào Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam cũng được hưởng lợi. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhìn thấy trước nguy cơ bị thâu tóm, bị mất thị phần để có sự chuẩn bị. Không có cách nào khác, chính doanh nghiệp phải biết tự cứu mình.

Cửa hàng tiện lợi đe dọa “nồi cơm” nhà bán lẻ
Mức độ phủ sóng của các cửa hàng tiện lợi tại châu Á đang bùng nổ và Việt Nam không là ngoại lệ. Nhưng để chiến thắng các kênh bán lẻ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư