Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Lời giải cho bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ
Tú Ân - 31/10/2023 09:02
 
Để sẵn sàng tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam phải đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ giúp giải bài toán nhân lực ngành công nghệ 

Rào cản tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu

Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn toàn cầu. Ngành thiết kế, chế tạo vi mạch ở Việt Nam đang thu hút nguồn vốn FDI của một số tập đoàn công nghệ bán dẫn quốc tế hàng đầu như Samsung, Hana Micron, Amkor (Hàn Quốc); Intel, Synopsys, Qorvo (Mỹ); Renesas Electronics (Nhật Bản); USI Electronics (Đài Loan - Trung Quốc)…, nhưng rào cản lớn nhất cho tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn Đông Nam Á là thiếu hụt trầm trọng nhân lực.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng mạnh. Cụ thể, tổng nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực này 5 năm tới khoảng 20.000 người, trong 10 năm tới khoảng 50.000 người.

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), nhìn từ thành công của một số quốc gia phát triển mạnh ngành bán dẫn trên thế giới, có thể thấy, ngành này có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đây sẽ là cơ hội lớn, động lực tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam, đặc biệt khi Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Lĩnh vực này sẽ mở ra cơ hội đón dòng đầu tư lớn từ Mỹ vào Việt Nam.

Chia sẻ thông tin FPT đã nhận được đơn đặt hàng 67 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đánh giá, cơ hội lớn của Việt Nam tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu chủ yếu nhờ vào Đạo luật Chips của Mỹ được thông qua năm ngoái. Đạo luật này đã thay đổi cuộc chơi, tạo điều kiện cho các quốc gia đối tác khác của Mỹ, ngoài Trung Quốc, có thể mở rộng khả năng phát triển. Cam kết hỗ trợ của Mỹ sẽ thúc đẩy lĩnh vực chip của Việt Nam.

Theo ông Bình, khi Việt Nam trở thành trung tâm chip của thế giới, thì công việc sẽ rất nhiều. Đây cũng là con đường giúp Việt Nam phồn vinh. Nguồn nhân lực Việt Nam nếu được đào tạo có thể làm được con chip ngay ở trong nước.

Ở góc nhìn khác, GS-TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh xung đột địa chính trị đẩy nhiều tập đoàn và công ty bán dẫn dịch chuyển cơ sở sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong khoảng 2 - 5 năm tới, Việt Nam có thể trở thành mắt xích quan trọng về bán dẫn trên toàn cầu. Muốn tận dụng và phát huy tốt cơ hội, tiềm năng, Việt Nam cần sớm tìm ra lời giải hữu hiệu cho bài toán nhân lực.

Xây dựng nguồn nhân lực bán dẫn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cơ quan này đang đề xuất xây dựng đề án thành lập các trung tâm thiết kế chip, trung tâm nghiên cứu, trung tâm đào tạo tại NIC trong ngành bán dẫn, hydrogen, y tế… và sẽ triển khai ngay.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất xây dựng đề án đào tạo 50.000 chuyên gia, kỹ sư trong ngành bán dẫn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo để cụ thể hóa các giải pháp, làm sao đến năm 2030 đạt mục tiêu trên. Khi đó, chúng ta ở tâm thế, vị thế khác và sẵn sàng chủ động tham gia một cách hiệu quả vào ngành công nghiệp bán dẫn”, Bộ trưởng nói.

Được biết, NIC cũng đang nghiên cứu đề án phát triển nhân lực cho ngành chip bán dẫn; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành bán dẫn; tổ chức nhiều hội nghị và chương trình kết nối các đối tác ngành bán dẫn trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng quan hệ với nhiều đối tác (Synosyps, Cadence, Nvidia…) triển khai xây dựng trung tâm ươm tạo, thiết kế chip bán dẫn tại cơ sở mới ở Hòa Lạc.

Còn theo ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong 3 khâu sản xuất chip (thiết kế; chế tạo; kiểm tra - đóng gói), Việt Nam xác định sẽ tập trung vào khâu thiết kế nên rất cần nguồn nhân lực trình độ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp các cơ quan chức năng để đào tạo nhân lực công nghiệp chế tạo chip bán dẫn. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm, hoặc đầu tư phòng thí nghiệm trong các viện, trường có lĩnh vực này.

“Một trong những lời giải cho “cơn khát” nhân lực bán dẫn trình độ cao của Việt Nam là nguồn lực nước ngoài. Việt Nam sẽ thu hút chất xám và công nghệ từ nước ngoài, nhất là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn”, ông Hùng cho biết.

Bà Nguyễn Thu Thủy thì cho rằng, việc đào tạo có thể tuyển mới từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. Căn cứ tình hình thực tế, học sinh, sinh viên có thể lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp.

“Thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước”, bà Thủy nói.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn
Ngày 19/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư