Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Lợi nhuận công ty tài chính sụt giảm do dự phòng tăng
H.M - 09/03/2022 15:08
 
Chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh tác động lên kết quả kinh doanh và nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng là điều khó tránh, do dự phòng cao.

Tuy nhiên, ngành tài chính, tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng hồi phục dần và tăng trưởng trong năm 2022.

Lợi nhuận giảm

Là công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam, song trước tác động của đại dịch Covid-19, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của FE Credit chỉ đạt 610 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 3.710 tỷ đồng năm 2020 và 4.490 tỷ đồng năm 2019.

Trong đó, lợi nhuận đến chủ yếu nhờ nửa đầu năm và FE Credit bị lỗ liên tiếp 2 quý cuối năm 2021. Cụ thể quý III/2021 lỗ 300 tỷ đồng và quý IV lỗ 290 tỷ đồng.

Cũng dễ hiểu khi từ tháng 6/2021, đại dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của FE Credit. Ngoài ra, nửa cuối năm cũng là lúc FE Credit đẩy mạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Doanh thu năm 2021 của FE Credit đạt 15.330 tỷ đồng, giảm so với mức 17.420 tỷ đồng năm 2020. NIM (biên lãi) giảm từ 27,2% xuống còn 21,1%.

HD Saison cũng không tránh khỏi tác động của dịch bệnh khi lợi nhuận quý III/2021 đạt 205 tỷ đồng, thấp hơn mức 218 tỷ đồng đạt được trong cùng kỳ năm ngoái, khi dư nợ cho vay sụt giảm.

Cả năm 2021, HD Saison ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1001 tỷ đồng, ngang với mức đạt được năm 2020, thấp hơn mức 1.040 tỷ đồng năm 2019.

Trong khi đó, riêng trong quý III/2021, doanh thu của MCredit đạt 1.022 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 86 tỷ đồng, giảm mạnh so với 2 quý trước đó.

Ngày 20/01/2022, Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) - mã chứng khoán TIN đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2021 trước kiểm toán và trước cập nhật nợ xấu kéo theo (CIC kéo theo) tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về công bố thông tin.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của TIN đạt hơn 6.228 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm, cho vay khách hàng tăng 17%, đạt 3.548 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 lỗ 14,3 tỷ đồng.

Cuối tháng 1 năm 2022, sau khi đã trích lập thêm dự phòng rủi ro (DPRR) bổ sung do cập nhật CIC kéo theo tại các TCTD khác, lợi nhuận trước thuế (trước kiểm toán) lũy kế cả năm 2021 đạt 46,87 tỷ đồng (do chi phí DPRR bổ sung là 25,25 tỷ đồng).

Nợ xấu kéo dự phòng tăng

Việc cập nhật CIC kéo theo được quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, các khách hàng vừa có khoản vay tại VietCredit, vừa có khoản vay ở các TCTD khác, dù thanh toán nợ đúng hạn cho VietCredit nhưng quá hạn tại các TCTD khác thì VietCredit phải thực hiện phân loại nhóm nợ của các khách hàng này ở nhóm nợ cao nhất, thống nhất trên toàn hệ thống TCTD.

Đặc biệt, năm tài chính 2021 là năm đầu tiên các TCTD thực hiện  trích lập DPRR theo Thông tư mới với thay đổi trọng yếu là trích thêm 1 tháng DPRR. Quy định cũ, DPRR năm 2020 trích đến hết tháng 11; tháng 12/2020 sẽ trích vào tháng 01/2021.

Thế nhưng, theo Thông tư mới, việc trích lập DPRR bổ sung căn cứ vào kết quả do CIC cung cấp phải thực hiện tới hết tháng 12/2021. Theo đó, DPRR tín dụng trích lập theo thông tin CIC cập nhật tới hết tháng 12/2021 được ghi nhận vào kết quả kinh doanh của chính tháng 12/2021 theo nhóm nợ cao nhất tại các TCTD khác.

Như vậy, năm 2021 phải trích đủ 12 tháng DPRR của năm cộng với DPRR tháng cuối cùng của năm trước (12/2020) do giai đoạn chuyển giao giữa 2 quy định.

Do vậy, Báo cáo tài chính Quý IV/2021 mà Công ty Cổ phần Tín Việt đã công bố, số lợi nhuận trước thuế năm 2021 (được cộng dồn từ lợi nhuận trước thuế của 4 quý năm 2021) sẽ phải hạch toán bổ sung chi phí DPRR theo báo cáo cập nhật của CIC, số tiền lên đến hơn 25,25 tỷ đồng.

Qua đó cho thấy, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận khách hàng mới cũng như việc thu hồi nợ khách hàng hiện hữu, dẫn đến tổng dư nợ của Công ty tăng trưởng thấp hơn kế hoạch.

Đáng chú ý hơn khi khách hàng gặp khó khăn về tài chính càng làm tăng tỉ lệ nợ xấu của VietCredit trong năm 2021 so với năm 2020. Do tỷ lệ nợ xấu của tất cả các TCTD đều tăng cao nên chi phí trích lập DPRR trong các tháng cuối năm tăng mạnh, tập trung nhiều vào quý IV/2021.

Tuy nhiên, thực trạng này không chỉ mỗi VietCredit mà các công ty tài chính khác cũng khó tránh khỏi năm qua. Thông tin từ buổi sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của nhóm công ty tài chính thành viên của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, tổng dư nợ tín dụng của nhóm công ty này gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu nhóm các công ty tài chính tiêu dùng tăng vọt từ 6% lên mức 10% trong 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng từ đợt đại dịch Covid-19. Nhưng đây là điều đã lường trước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và liên quan đến những đặc thù của thị trường này, với các khoản vay tín chấp nhỏ, đa số đang giao dịch trực tiếp có rủi ro cao.

Đơn cử, HD Saison năm qua, bất chấp dịch bệnh, doanh thu vẫn đạt 4.682 tỷ đồng, tăng so với 4.476 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, dư nợ cho vay sụt giảm xuống còn 13.376 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2020.

ROAE của HD Saison đạt 25,3%, ROAA đạt 5,8%. CIR được cải thiện mạnh mẽ, giảm từ 50,6% năm 2020 xuống còn 44% năm 2021. NIM công ty ở mức 26,8%, chi phí vốn là 5,9%. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 5,8% lên 7,3%.

Tin mới về Covid-19 ngày 9/3: Giảm thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà; Tuân thủ 5K với F0, F1 khi đi làm
TP.Hà Nội kiến nghị Bộ Y tế xem xét giảm thủ tục hành chính trong quản lý F0 tại nhà. Bộ Y tế đề xuất nhà thuốc được kê đơn thuốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư