Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Lợi nhuận của doanh nghiệp cao su giảm mạnh
Phương Anh - 06/08/2020 13:20
 
Thị trường tiêu thụ sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp cao su sụt giảm trong nửa đầu năm nay.
.
Do ảnh hưởng của Covid-19, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh.

“Bốc hơi” hàng chục tỷ đồng

Các doanh nghiệp cao su trên sàn niêm yết đang dần công bố kết quả kinh doanh trong quý II/2020 và nửa đầu năm 2020. Thực trạng chung cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đều ảm đạm, lợi nhuận liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là một trong những doanh nghiệp cao su chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Cụ thể, doanh thu quý II/2020 của VRG chỉ đạt 3.316 tỷ đồng, giảm đến 45%; lợi nhuận gộp đạt 710 tỷ đồng, giảm 42%.

Nguồn thu từ hoạt động tài chính thấp hơn khi doanh thu giảm mạnh. Lợi nhuận từ các liên doanh, liên kết giảm phân nửa và lợi nhuận khác giảm 30%. VRG cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm 40%, chỉ đạt 513 tỷ đồng.

Qua 6 tháng, doanh thu của VRG giảm 45%, còn 4.198 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 30%, đạt 744 tỷ đồng. Theo kế hoạch đặt ra, doanh thu hợp nhất năm 2020 là 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.029 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn mới thực hiện được 18% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nói về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với VRG, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc VRG nhận định: “Diễn biến khó lường của Covid-19 là một thách thức đối với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn”.

Mảng kinh doanh cốt lõi đang “lận đận”, nên trong năm nay, Tập đoàn đã lên kế hoạch thoái vốn tại nhiều công ty. Dự kiến, VRG sẽ thoái vốn ngoài ngành 2.061 tỷ đồng, trong đó, giá trị đầu tư tại 5 công ty thủy điện là 1.079 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Văn Bảo, việc thoái vốn mang về cho Tập đoàn nguồn thu đáng kể để cân đối vốn đầu tư phát triển, tạo ra lợi nhuận trước mắt để bù đắp phần thiếu hụt ở mảng cao su trong bối cảnh giá giảm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng cũng ghi nhận doanh thu thuần quý II/2020 giảm 28% so với quý II/2019, đạt 788 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 39%, còn 43,2 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, Công ty Cao su Đà Nẵng cho biết, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu bán hàng, từ đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đánh giá kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tại thị trường trong nước, sản lượng tiêu thụ bắt đầu giảm từ giữa tháng 3/2020, chủ yếu do nhu cầu thấp hơn từ các nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam và hạn hán kéo dài tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Mặt khác, Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến các thị trường xuất khẩu chính, như Mỹ và Brazil.

Chưa có dấu hiệu khởi sắc trong những tháng cuối năm

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2020 đạt khoảng 110.000 tấn, trị giá 130 triệu USD, tăng gần 47% về lượng và tăng 44,5% về trị giá so với tháng 5/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, xuất khẩu cao su sang hầu hết các thị trường đều giảm mạnh.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, thị trường phục hồi một phần trong tháng 5 và tháng 6 nhờ một số thị trường tại khu vực châu Á đã hoạt động bình thường sau thời gian tạm ngưng nhập hàng vì Covid-19, nhưng nhiều đối tác châu Âu, Mỹ vẫn chưa nhập khẩu trở lại như trước.

“Các sản phẩm săm lốp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản đã ổn định trở lại. Các đơn hàng đặt trước đang được giao dịch bình thường, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại. Nhưng tại Mỹ và châu Âu, các nhà máy chưa mở cửa nhiều, vì dịch bệnh vẫn phức tạp”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Quốc Anh, hiện rất khó dự báo khi nào thị trường cao su sẽ phục hồi, vì phụ thuộc vào tình hình mở cửa trở lại của các nước sau dịch bệnh. Hiện tại, một số nhà máy sản xuất lốp xe tại châu Âu và tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng cửa, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Trong khi đó, giá dầu thô ở mức thấp cũng tác động tới thị trường cao su tự nhiên, do giá cao su tổng hợp ở mức thấp và cạnh tranh mạnh mẽ với cao su tự nhiên.

Nhận định về tình hình thị trường cao su nửa cuối 2020, ông John Baffes, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng vì các thị trường đang khó khăn. Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh, gây ra sự gián đoạn kinh tế lớn và ngành cao su không phải là ngoại lệ.

Ông John Baffes cho rằng, triển vọng ngành cao su năm 2020 phụ thuộc rất lớn vào mức độ kiểm soát Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 456.000 tấn, với kim ngạch 606 triệu USD, giảm 25,7% về lượng và giảm 27,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu cao su bình quân giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 1.330 USD/tấn.
Doanh nghiệp cao su: Chế biến mất mùa, chế tạo hưởng lợi
Giá mủ cao su ngày càng giảm khiến các doanh nghiệp cao su thiên nhiên bị “mất mùa” lợi nhuận, nhưng lại là lực đẩy để doanh nghiệp sản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư