Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Lợi nhuận của Hải An tụt dốc khi cước vận tải biển giảm mạnh
D.B - 22/08/2023 14:21
 
Sau 2 năm hưởng lợi từ giá cước vận tải biển tăng cao, việc giá cước quay trở lại mặt bằng giá thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Hải An đầu tư mở rộng đội tàu có đúng thời điểm?

Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã chứng kiến giá cước và nhu cầu vận tải tăng cao. Tận dụng cơ hội này, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) đã đẩy mạnh khai thác, đồng thời tiếp tục đầu tư mở rộng đội tàu để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của thị trường.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ cuối năm 2022 khi mà kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhu cầu vận tải suy giảm và nguồn cung tàu tăng đột biến.

Mặc dù giá cước giảm mạnh, nhưng Hải An vẫn tiếp tục mở rộng đội tàu theo đơn hàng đã đặt cọc từ trước. Trong đó, theo kế hoạch đầu năm, Công ty tiếp tục đóng mới 3 tàu loại 1.800 TEU (Bangkok Mark IV) với tổng vốn 2.000 tỷ đồng và tiếp tục tìm mua tàu cũ thích hợp khi có cơ hội để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đội tàu.

Theo ghi nhận của Hải An, ngày 23/7/2023, tại Nhà máy Đóng tàu Hoàng Hải (Trung Quốc), tàu container 1.800 TEU (HCY - 265) là một trong 3 tàu loại Bangkok Mark IV được Công ty Hải An đặt đóng mới đã hạ thủy và dự kiến giao cho Hải An trong đầu tháng 11/2023 với tên gọi là Haian Alfa.

Ngoài ra, để có nguồn vốn đối ứng kế hoạch tiếp tục mở rộng đội tàu, trong năm 2023, Hải An đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, dự kiến thực hiện trong năm 2023 hoặc năm 2024. Số tiền huy động được dùng để đầu tư đóng tàu mới phục vụ hoạt động kinh doanh.

Không chỉ có Hải An đẩy mạnh đầu tư đội tàu trong những năm vừa qua, theo dữ liệu của Clarksons, tổng khối lượng đặt đóng mới trên thế giới tăng mạnh, bằng 26,3% đội tàu hiện có. Trong đó, lượng tàu đóng mới bằng 9% tổng lượng tàu hiện có sẽ bàn giao trong năm 2023. Đây là nguồn cung khổng lồ trong bối cảnh tổng nhu cầu vận tải tiếp tục suy yếu do kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, lượng cung tàu được giải phóng khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết có thể tạo thêm áp lực dư cung cho thị trường vận tải đường biển trong thời gian tới.

Về việc khai thác đội tàu, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong nửa cuối năm 2023, hoạt động đội tàu của Hải An gặp thử thách bởi giá cước vận tải tiếp tục ở mức thấp, ba tàu cho thuê ngắn ngày không được tái ký (tàu ROSE, BELL và EAST) và hai tàu cho thuê dài hạn với giá cước cao sẽ hết hạn hợp đồng vào cuối năm 2023 (tàu HAIAN WEST và HAIAN MIND).

Được biết, theo chia sẻ của Hải An, tính tới tháng 11/2022, Công ty có 11 tàu với sức chở gần 16.000 TEU. Công ty khai thác cả tuyến nội địa và quốc tế.

Như vậy, nếu như 3 tàu cho thuê ngắn không được tái ký, cùng 2 tàu cho thuê dài hạn hết hợp đồng, nếu tiếp tục cho thuê sẽ phải điều chỉnh giảm giá cước theo giá thị trường, thì hoạt động khai thác sẽ giảm.

Ngoài ra, việc đầu tư và liên tục nhận thêm tàu mới khi giá cước duy trì ở mức thấp, cũng như nhu cầu vận tải suy giảm do kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng sẽ là thách thức không nhỏ tới hoạt động khai thác và vận hành hiệu quả đội tàu của Hải An trong thời gian tới.

Cước vận tải lao dốc do nhu cầu vận tải suy giảm

Theo dữ liệu của Drewry, Chỉ số World Container (8 tuyến vận tải chính trên thế giới) tính tới ngày 10/8/2023 chỉ còn giao dịch 1.790,6 USD/40ft container, giảm 72% trong vòng 1 năm. Trong đó, tuyến Thượng Hải - Rotterdam giảm 81%, tuyến Rotterdam - New York giảm 77%, tuyến Thượng Hải - New York giảm 66%, tuyến Thượng Hải - Genoa giảm 76%, tuyến Thượng Hải - Los Angeles giảm 65%...

Cũng cùng quan điểm, trong báo cáo đầu tháng 8/2023, Chứng khoán Rồng Việt ước tính cước vận tải nội địa và quốc tế đã giảm lần lượt 25% và 45% so với cùng kỳ, do nhu cầu vận tải tiếp tục suy yếu.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Hải An trong nửa đầu năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 1.266,56 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 206,09 tỷ đồng, giảm 64,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh, từ 48,9%, xuống còn 26,8%.

Được biết, theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán SSI, sau năm đại dịch 2020, Hải An liên tục hưởng lợi từ giá cước vận tải tăng cao, dẫn tới biên lợi nhuận gộp năm 2021 đạt 36,53% và năm 2022 ghi nhận tới 44,35%. Như vậy, biên lợi nhuận gộp của Công ty đã giảm mạnh trở lại sau 2 năm liên tiếp duy trì ở mức kỷ lục. Ngoài ra, dù đã dự phóng kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 52,7%, xuống 492 tỷ đồng, nhưng sau nửa đầu năm 2023, Công ty cũng mới hoàn thành được 41,9% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Cảng Hải An muốn huy động 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
Trái phiếu không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 4 - 5 năm, dự kiến phát hành trong năm 2023 - 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư