Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
M&A - những quyết định khó khăn
Thanh Hà - 17/09/2016 08:46
 
Đúng là không hề đơn giản trước quyết định thực hiện một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, nhất là khi nguy cơ bị thâu tóm là không nhỏ.

Không nằm ngoài dự đoán, sau phần I của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề Chiến lược M&A - Quyết định khó khăn “lên sóng” vào sáng Chủ nhật 11/9, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra trên trang fanpage của Chương trình.

Và cũng không nằm ngoài dự đoán, những luồng ý kiến trái ngược đã khiến chủ đề “Chiến lược M&A” trở nên “nóng rẫy”. Điều này thực ra là dễ hiểu, khi khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang đứng trước ngã ba đường, không biết có nên quyết định “bán mình” giống như doanh nghiệp trong tình huống mà Chương trình đặt ra hay không.

CEO Hoàng Đình Trọng đưa ra nhiều lập luận bảo vệ quan điểm của mình.
CEO Hoàng Đình Trọng đưa ra nhiều lập luận bảo vệ quan điểm của mình.

Tình huống đó xảy ra ở một doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi cửa hàng bán đồ điện máy vừa và nhỏ, do sức ép cạnh tranh thị trường quá lớn nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải rời khỏi thị trường. Doanh nghiệp tìm kiếm một đối tác để hợp tác, nhưng trớ trêu, đối tác này lại đòi mua lại 40% cổ phần của công ty, có ghế trong hội đồng quản trị và đặc biệt phải được trưng bày tối thiểu 70% diện tích mặt bằng các mặt hàng của doanh nghiệp.

Trong khi CEO lo rằng, hợp tác như vậy sẽ khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp bị xáo trộn. Đặc biệt, điều này có thể sẽ khiến trong tương lai doanh nghiệp bị phụ thuộc vào một mình đối tác này, thậm chí còn có thể bị thâu tóm, thì các cổ đông khăng khăng, nếu không dựa vào đối tác này để tìm đường sống sót, thì thời điểm doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường không xa.

Không bên nào “chịu nhường” bên vào. Và thực tế thì cũng giống cuộc tranh biện nảy lửa của CEO và cổ đông, khán giả của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công cũng đứng về hai chiến tuyến, người ủng hộ CEO, kẻ đồng tình với các cổ đông.

“Hợp tác còn hơn là chết, tôi ủng hộ hợp tác”, khán giả Duân Phạm bày tỏ. Còn bạn Dũ Phan thì thẳng thắn: “Khi đã đến đường cùng thì nên chọn giao cho kẻ có tiền và có văn hóa nhất”. Trong khi đó, bạn Triệu Hoàng Lực có chút cẩn trọng hơn khi cho rằng, hợp tác là tốt nhưng “đòi” 70% diện tích trưng bày thì quá lớn so với 40% cổ phần. Do vậy, chỉ nên hợp tác sau khi thỏa thuận và đàm phán giảm diện tích trưng bày của đối tác xuống nhỏ hơn hoặc bằng số phần trăm góp vốn.

Ở chiều ngược lại, bạn Dang Le ủng hộ quan điểm của CEO, vì cho rằng, phải cẩn thận trước sự can thiệp quá sâu của đối tác, vì khả năng doanh nghiệp sẽ bị thâu tóm. “Kiên quyết không hợp tác vì đối tác yêu cầu quá cao, gây xáo trộn hoạt động kinh doanh. Cần bình tĩnh tháo gỡ khó khăn và xác định lại kế hoạch kinh doanh hợp lý, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó”, bạn Chu Ngọc Quỳnh bày tỏ quan điểm. Còn bạn Vũ Thế Mạnh cũng cho rằng, ý đồ thâu tóm của đối tác là rất rõ, do vậy, nếu thực sự muốn phát triển dài hạn, các cổ đông cần đầu tư và đưa ra chiến lược mới.

Quá nhiều luống ý kiến, vậy CEO - ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo Tư vấn PDCA sẽ phải quyết định như thế nào? Có lẽ, cùng với nghe ý kiến phản biện của cổ đông, CEO cũng cần hơn hết các ý kiến tư vấn của các chuyên gia. Lần này, ngồi ở ghế chuyên gia của Chương trình là hai nhân vật khá nổi tiếng. Đó là ông Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny Khu vực Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Tài chính CTCP Fresenius Kabi Bidiphar.

Hai vị chuyên gia này chắc chắn sẽ có những ý kiến rất xác đáng và hữu ích cho doanh nghiệp trong thời buổi mà xu hướng M&A vẫn đang “bùng cháy”. Hãy theo dõi Chương trình để nhận được những tư vấn này, bởi nó sẽ hữu ích cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác. Thậm chí, nó còn là bài học quý báu cho các doanh nghiệp Việt.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Những thương vụ M&A "ầm ĩ" trị giá tỷ USD trong ngành công nghiệp ô tô
Mitsubishi về tay Nissan một cách "chóng vánh", Toyota bất ngờ mua lại Daihatsu, Volvo về tay người Trung Quốc hay mối duyên nợ ít biết giữa Porsche và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư