Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
M&A ngân hàng: Vì sao không dễ tìm được đối tác?
Thùy Vinh - 04/07/2015 08:45
 
Mua bán - sáp nhập (M&A) được xem là cơ hội để các ngân hàng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực tài chính. Tuy nhiên, các nhà băng không dễ tìm được đối tác phù hợp.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng cho biết, xu hướng chung của thị trường cũng như chủ trương đẩy mạnh tái cấu trúc ngành ngân hàng được xem là cơ hội tốt để tính đến chuyện mua bán - sáp nhập (M&A). Thế nhưng, sau 3 năm tìm kiếm đối tác cũng như xem xét những ngân hàng tìm đến đề nghị M&A, đến nay, ngân hàng ông quyết định tự tái cấu trúc theo đề án đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Vị chủ tịch ngân hàng trên cho rằng, M&A là một việc tốt, nhưng để có thể phát triển trong thời kỳ hậu M&A, phải có được tiếng nói chung giữa hai bên, mà việc này không dễ.

 

“Chúng tôi từng mong muốn tìm được đối tác phù hợp để thực hiện chiến lược mở rộng quy mô thông qua M&A, song đến nay vẫn chưa có được đối tác phù hợp với chiến lược tăng trưởng trong tương lai. Vì thế, chúng tôi sẽ tự tái cơ cấu bằng năng lực của mình”, vị chủ tịch trên nói.

Trên thị trường hiện đã xuất hiện những thông tin về khả năng DongA Bank sẽ về chung nhà với ABBank. Lý do một phần do nợ xấu của DongA Bank tăng, đòi hỏi trích dự phòng cao, khiến lợi nhuận thu hẹp. Năm 2014, lợi nhuận thu về sau trích dự phòng rủi ro của DongA Bank chỉ đạt 35 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch đưa ra cho cả năm qua.

Còn ABBank, tuy không phải là ngân hàng nổi trội trên thị trường, nợ xấu cũng có nhiều thời điểm tăng cao trong năm 2014, nhưng lợi nhuận thu về cao hơn DongA Bank, nên nhiều người cho rằng, khi sáp nhập, quyền kiểm soát có thể thuộc về ông chủ ABBank.

Thế nhưng, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trong câu chuyện này, ABBank là người đã chủ động tìm đến DongA Bank trước và có lời đề nghị được sáp nhập, giữ lại tên tuổi DongA Bank. Song đến thời điểm này, theo ông Bình, ngân hàng vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp, nên chưa tính đến chuyện sáp nhập.

Việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng như kế hoạch M&A đã được DongA Bank đưa ra từ lâu, thế nhưng, theo ông Bình, đến nay vẫn chưa tìm được đối tác.

Với chủ trương thu gọn hệ thống, giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 - 25 nhà băng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học mở TP.HCM) cho rằng, những ngân hàng nhỏ có mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng cũng nên xem xét, tìm kiếm đối tác phù hợp để sáp nhập, hợp nhất.

Lý do, theo phân tích của TS. Thuận, trước tình hình thị trường ngày một cạnh tranh gay gắt, ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm số lượng ngân hàng xuống còn trên dưới 20 đơn vị trong hệ thống, nên ngân hàng nhỏ khó tránh khỏi M&A.

Trên thị trường hiện có khoảng chục ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 - 3.500 tỷ đồng. Trong đó, một số nhà băng đang nỗ lực tăng vốn, như Nam A Bank, VietA Bank… Vì thế, M&A vẫn là giải pháp được các nhà băng tính đến, nếu tìm kiếm đối tác phù hợp để có thể đi đến "kết hôn".

VietinBank và PGBank ký bộ hồ sơ sáp nhập
Chiều ngày 22/5, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) đã chính thức ký kết Bộ hồ sơ sáp nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư