Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Mai Linh phiên bản 4.0
Hồng Phúc - 17/02/2018 19:23
 
Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh ví Mai Linh như một con “thuyền tre” đang tròng trành trước cơn sóng của những cuộc cạnh tranh phức tạp và khó định hình, nhưng con thuyền đang được làm mới và tiến lên...

Câu chuyện của Mai Linh và lòng tự tôn

Ba năm trước, khi các hãng taxi công nghệ nước ngoài mới bắt đầu tràn vào Việt Nam, Mai Linh có thể nói là cái tên lớn nhất của ngành kinh doanh vận tải taxi Việt Nam.

Nhưng hiện tại, mọi việc đã hoàn toàn khác. Doanh số giảm hơn 30%, hàng nghìn lái xe nghỉ việc… là những con số lạnh lùng mà bản thân ông Hồ Huy và Tập đoàn hứng chịu.

So với các hãng taxi khác, Mai Linh đã có phản ứng khá mau lẹ với thời cuộc.
So với các hãng taxi khác, Mai Linh đã có phản ứng khá mau lẹ với thời cuộc.

Phải thẳng thắn, so với các hãng taxi khác, Mai Linh đã có phản ứng khá mau lẹ với thời cuộc, khi bắt tay xây dựng ứng dụng gọi xe (app) từ năm 2015. Khi đó, Mai Linh tốn khá nhiều tiền cho việc viết app, nhưng cuối cùng phải bỏ đi. Cũng đã có ý kiến trong nội bộ rằng, Mai Linh nên gia công bên ngoài để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nhưng ông Huy không chịu. Ông kiên trì thuê người viết cho kỳ được.

Vấn đề là có app sớm, nhưng Mai Linh đã không đưa sản phẩm ra thị trường kịp thời, để bị mất thị trường. Ông Huy thừa nhận, đó là sai lầm mà ông đang phải trả giá.

Nhưng khi kể về chuyện này, ông vẫn tin, cách ông tự đi là đúng. Thời đó, cũng có một số hãng công nghệ vài lần cử người sang đàm phán với Mai Linh, đặt vấn đề hợp tác trên cơ sở Mai Linh có xe, họ có app. Nhưng ông từ chối và tin rằng, người Việt thông minh không thua ai.

 “Họ làm được, chúng ta cũng làm được” là ngọn lửa mà ông đã truyền đến tất cả nhân viên của mình. Mọi người đều vững tin, doanh nghiệp ngoại vốn lớn, nhưng Mai Linh có thương hiệu, có hệ thống, có cách đi riêng của mình.

Sâu xa trong sự từ chối của ông khi đó còn có cảm xúc, tinh thần tự tôn dân tộc. Ông nói, nếu ông bắt tay với hãng công nghệ đó, thì với công nghệ và vốn của họ, kết hợp với thương hiệu, đội ngũ và hệ thống xe của Mai Linh ở 54 tỉnh, thành trên cả nước, các doanh nghiệp taxi Việt khác sẽ xoay sở thế nào.

“Nếu tôi hợp tác, có thể tôi có nhiều tiền, nhưng mất nhiều thứ. Có khi sẽ có người viết vào lịch sử rằng, ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh là một cựu chiến binh, nhưng lại bắt tay với doanh nghiệp ngoại để tiêu diệt doanh nghiệp Việt không thương tiếc”, ông Huy trầm ngâm.

Rồi bão gió nổi lên trên thị trường sau khi các hãng taxi công nghệ tràn vào Việt Nam, Mai Linh giảm thị phần và doanh thu. Nhưng ông Huy vẫn lạc quan, vì ông có đội ngũ khoảng 20.000 lái xe được đào tạo bài bản, hệ thống gần 15.000 xe taxi phủ rộng 54 tỉnh, thành và sắp tới sẽ mở rộng ra tới 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Hơn thế, ông lạc quan từ việc những hãng taxi công nghệ đang thất thế trước sự phản công của các công ty taxi truyền thống tại nhiều nước, Nhật Bản là ví dụ điển hình... Bài học của các đồng nghiệp Nhật Bản cho thấy, công nghệ chỉ là nền tảng, còn con người mới là yếu tố cốt lõi. Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cũng tin rằng, khi khách gọi xe không còn sự trung thành, vì có thể cài nhiều ứng dụng và đặt chuyến qua mã giảm giá, lợi thế cạnh tranh cho những hãng như Mai Linh đến từ mạng lưới đội ngũ lái xe đủ dày đặc để cung ứng dịch vụ đến khách gọi xe trong thời gian ngắn nhất và ổn định. Việc sử dụng ứng dụng, định vị hay cách chấm sao giữa khách hàng và tài xế có thể giúp dịch vụ đặt xe điện tử được kiểm soát dễ hơn.

Đặc biệt, ông tự tin với chất lượng đội ngũ lái xe của Mai Linh, cho dù liên tục có vụ việc đáng tiếc xảy ra với khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội do lái xe vi phạm pháp luật, vô kỷ luật...

“Dịch vụ nào cũng khó tránh khỏi những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng, việc sử dụng tài xế phải rất nghiêm túc, tuân thủ các quy định từ kiểm tra sức khỏe, tinh thần, cũng như khả năng lái xe chuyên nghiệp, thay vì chỉ cần bằng lái và giấy tờ tùy thân như cách của các hãng taxi công nghệ”, ông Huy nói.

Mới đây, có cả nghìn lái xe bỏ Mai Linh sang chạy taxi công nghệ xin quay trở lại. Ông Huy bảo, phải đón họ trở về, nếu không, họ lấy tiền đâu ra để nuôi gia đình hay trả nợ khoản vay đã mua xe chạy taxi công nghệ. Chủ tịch Mai Linh còn muốn đào tạo họ trở thành những lái xe như “thợ” lành nghề, có thu nhập cao hơn và sống ổn định hơn. Rồi sau đó, đưa họ vào vị thế của những người chủ, như cách 10.000 lái xe của hãng được tạo điều kiện mua lại xe.

Nỗ lực tái cấu trúc

Hiện tại, Chủ tịch Mai Linh đã “thức tỉnh”. Ông và ban lãnh đạo Mai Linh đang bắt tay vào quá trình tái cấu trúc.

Giữa tháng 11/2017, Mai Linh thành lập Trung tâm xe công nghệ, nơi hội tụ lực lượng tài xế, lái xe của hệ thống, cùng thời điểm ra mắt dịch vụ gọi xe ôm công nghệ tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Chat với Chủ tịch Mai Linh

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu tự đánh giá, theo ông, Mai Linh đang ở mức độ nào?

Có thể ở mức 3.0.

Có thể hình dung Mai Linh phiên bản 4.0 sẽ như thế nào?

Mai Linh phiên bản 4.0 sẽ là một công ty logistics hàng đầu Việt Nam. Với Mai Linh, mọi người không chỉ sử dụng dịch vụ vận tải mà còn có thể đặt mua mọi thứ từ vé xe, tàu, máy bay, đặt phòng khách sạn đến chở một thùng bia, bịch rau về nhà…

Khi đó, thương hiệu Mai Linh sẽ ở đâu?

Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng Mai Linh thành một thương hiệu Việt Nam hàng đầu, để khi nói đến Mai Linh, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam, giống như khi nói đến Toyota hay Honda, người ta nghĩ ngay đến Nhật Bản, Samsung của Hàn Quốc, Ford hay Apple của Mỹ…

Đó là mục tiêu nghiêm túc và chúng tôi sẽ sống chết để thực hiện, chứ không phải vì mục đích kiếm bao nhiêu tiền. Nếu có tiền nhiều mà không có thương hiệu thì cũng chẳng ý nghĩa gì cả.

Riêng với ông Hồ Huy thì sao?

Tôi 62 tuổi, nhưng tinh thần chiến đấu vẫn ở tuổi 20.

Sau gần 2 tháng triển khai, Mai Linh đã phát triển hơn 10.000 xe ôm công nghệ. Mục tiêu của Mai Linh là đạt 1 triệu xe ôm công nghệ vào năm 2020.

Sự hiệu quả không chỉ đến từ công nghệ mà còn nằm ở mô hình kinh doanh. Ông Huy ôm ấp ý tưởng hợp nhất 3 công ty tại ba miền thành một từ chục năm qua. Chiến lược ấy chính thức thành sự thật thông qua cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường hồi giữa tháng 12/2017. Ông Huy luôn ý thức được rằng, phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Sau hợp nhất, Mai Linh chỉ có một Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Hồ Huy, một phó tổng giám đốc và 7 trưởng ban, thay vì 3 tổng giám đốc, 3 phó tổng và các trưởng ban như trước đây. Dĩ nhiên, tiết giảm chi phí là điều dễ dàng nhận thấy nhất, nhưng sự đồng nhất trong bộ máy điều hành, không gián đoạn trong mọi công tác sẽ tác động nhiều nhất đến hiệu quả kinh doanh. Khi đó, trên 25.000 cán bộ, nhân viên với ngần ấy cá tính riêng, tiếng nói riêng, nhưng sẽ chỉ truyền đi cùng một thông điệp và quan điểm.

Hiện, Mai Linh chia thành 3 lĩnh vực với các công ty con tương ứng.

Mai Linh Corp. kinh doanh mảng taxi và xe ôm công nghệ.

Mai Linh - Willer kinh doanh xe du lịch, xe cho thuê và các dịch vụ vận tải khác trên cơ ở hợp tác với Willer, một trong những tập đoàn vận tải hàng đầu của Nhật Bản, với một số dịch như đặt vé máy bay, khách sạn, đưa đón... phục vụ trên 13 triệu hành khách mỗi năm.

Mekong Xanh chuyên cung cấp thiết bị vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, không chỉ cho xe của Tập đoàn mà cho bất cứ khách hàng nào có nhu cầu.

Ông Huy vừa nói về những mục tiêu tham vọng của Tập đoàn, vừa nhanh tay mở  điện thoại, giới thiệu về phần mềm kế toán Oracle do KPMG tư vấn để tất cả giao dịch kế toán đều realtime (cập nhật tức thời). Ông cho rằng, điều này rất quan trọng trong việc quản lý các giao dịch thu chi toàn hệ thống trở nên minh bạch hơn và tiết kiệm chi phí.

“Từ ngày áp dụng các giải pháp công nghệ và tái cấu trúc hoạt động, Mai Linh đã giảm chi phí khoảng 100 tỷ đồng/tháng. Chúng tôi còn lập các nhóm liên quan đến IT, tài chính, nhân sự... trao đổi, chia sẻ thông tin hàng ngày qua Viber. Nói như thế để thấy, Mai Linh luôn xem trọng công nghệ trong việc phát triển bền vững để liên tục cập nhật cho phù hợp”, Chủ tịch Mai Linh nói.

Chủ tịch Mai Linh còn ấp ủ kế hoạch liên minh sức mạnh từ các hãng taxi truyền thống trong chiến lược cạnh tranh sắp tới. “Đã có một số hãng đề nghị hợp tác cùng Mai Linh phát triển một app dùng chung, rồi khách hàng tùy chọn thương hiệu họ mong muốn. Đó là cách hợp tác có thể phát huy sức mạnh tổng hợp, mang lại lợi ích cho cả người dùng và lái xe,” ông chia sẻ.

Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh: Xe ôm Mai Linh sẽ không tăng giá cước và mức chiết khấu
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Hồ Huy, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Mai Linh cho biết, với tâm niệm, khách hàng là thượng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư