Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Mất điện do mưa lũ, trạm y tế thắp đèn dầu khám chữa bệnh cho dân
D.Ngân - 09/09/2024 22:15
 
Mất điện do mưa lũ, tại một số trạm y tế ở Yên Bái, các cán bộ y tế đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục phụ công tác chuyên môn.

 

Chiều 9/9, Đoàn Công tác của Cục Quản lý khám, chữa bệnh do TS.Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã vào kiểm tra và thăm công tác phòng, chống bão lũ trong cơ sở y tế tại tỉnh Yên Bái.

Tại một số trạm y tế ở Yên Bái, các cán bộ y tế đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục phụ công tác chuyên môn.

Báo cáo với đoàn công tác, bác sỹ Trần Quang Mạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái cho biết, chịu ảnh hưởng của bão số 3, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái có 3 trạm y tế bị ngập nước là Trạm Y tế Nam cường, Hồng Hà và Nguyễn Thái Học. Đặc biệt, có hai trạm bị cô lập hoàn toàn là Trạm Y tế Tuy Lộc và Hợp Minh.

Hiện tại, đường vào Trạm Y tế phường Nam Cường đang ngập, nước dâng đến cổ, trạm mất điện hoàn toàn. Các nhân viên y tế phải đưa toàn bộ các trang thiết bị y tế lên tầng hai để tránh hỏng hóc máy móc.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Trạm Y tế Nam Cường, vì là vùng trũng, nên ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của cấp trên như Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Sở Y tế tỉnh…, trạm đã chủ động tiến hành công tác phòng, chống bão và hoàn lưu bão.

Trạm chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cấp cứu chấn thương trực tiếp, hoặc gián tiếp do sập, vùi lấp và ứng phó với tình huống thương vong hàng loạt. Đồng thời chuẩn bị các phương án, cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu và nhân lực cho công tác cấp cứu đối với tình huống khẩn cấp.

Cơ sở đã chủ động di chuyển các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu lên tầng 2 đề phòng tình huống ngập lụt gây hỏng hóc máy móc, gián đoạn công tác cứu chữa người bệnh. Các cán bộ y tế thường trực 24/24, chuẩn bị thuốc cơ động, dự phòng cho người dân bị tiêu chảy, ngã, dị ứng.

Cũng theo bác sỹ Hường, trước tình huống mất điện tại trạm, các cán bộ y tế của trạm đã sử dụng đèn pin, đèn dầu phục phụ công tác chuyên môn.

Thăm hỏi và động viên các cán bộ y tế đã không quản ngại mưa bão nguy hiểm kiên trì bám trụ, khắc phục mọi khó khăn để phục vụ người dân; TS.Dương Huy Lương đánh giá cao những nỗ lực của các cán bộ y tế trạm, đồng thời đề nghị trạm kiểm tra các thiết bị pin, lập danh mục thuốc, hộp nhựa bảo quản thuốc; chuẩn bị cơ số thuốc đáp ứng cấp cứu ban đầu, đặc biệt là các loại thuốc do người dân vùng ngập lụt như thuốc tiêu chảy, cảm lạnh, hen dị ứng,...

Trước đó, ngày 8/9, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1462/KCB-QLCL&CĐT gửi Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của Bão số 3; các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung về công tác khắc phục tác động, hậu quả sau cơn bão số 3 (Yagi) và triển khai công tác khám, chữa bệnh.

Theo báo cáo nhanh, thống kê ban đầu một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau do hậu quả của bão số 3. Tuy vậy, công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn bảo đảm duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.

Liên quan tới tình hình lũ ở Yên Bái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái vừa có công văn thông báo đến các cơ quan truyền thông tỉnh Yên Bái, các cơ quan truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh và nhân dân về việc cấm tất cả người dân và các phương tiện tham gia giao thông qua cầu Yên Bái.

Theo thông báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Yên Bái, trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên sông Thao (sông Hồng) tiếp tục lên, khả năng lên mức 34,30m (trên báo động 3 là 2,30m).

Hiện tại, mực nước sông Hồng chảy qua cầu Yên Bái, lý trình Km280+500, quốc lộ 37 đã gần sát xe kiểm tra cầu (phía dưới hệ giàn thép cầu) và trên sông có nhiều rác, cây trôi.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cấm tất cả người dân và các phương tiện khi tham gia giao thông không qua cầu Yên Bái, lý trình Km280+500, quốc lộ 37 kể từ 18h ngày 9-9-2024 đến khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền (trừ các lực lượng tham gia đảm bảo giao thông, cứu hộ, cứu nạn).

Các phương tiện khi di chuyển vào các huyện, thị phía tây của tỉnh và các xã, phường phía tây của thành phố Yên Bái đi qua cầu Tuần Quán, Bách Lẫm, Giới Phiên hoặc cầu Văn Phú và ngược lại.

Nguy cơ bệnh, dịch truyền nhiễm bùng phát sau mưa lũ
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư