Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 01 năm 2025,
Mở đường đưa nông sản Việt vươn xa
Hải Yến - 02/09/2022 11:01
 
Vượt qua tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu, các doanh nhân đã mang thương hiệu cà phê, gạo, đậu đỏ… của Việt Nam ra thế giới, mang nhiều giá trị gia tăng cho sản xuất nội địa.
Cà phê thương hiệu Meet More của Việt Nam đã nằm trên kệ nhiều siêu thị ở châu Âu, Mỹ

Chuyện người mở đường

Cà phê nông sản thương hiệu Meet More của Việt Nam đã lên kệ tại một số siêu thị bán sỉ tại Đức, Cộng hòa Séc từ đầu năm 2022. Tháng 10 tới sẽ xuất hiện tại Pháp, với 5 loại cà phê: dừa, khoai môn, đậu xanh, bạc hà và trái nhàu. Người có công lớn đưa cà phê Meet More sang trời Âu, tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More.

Ông Luận cho biết, đã gặp không ít khó khăn trong đàm phán đưa hàng sang EU, bởi đây là thị trường khó tính, áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao với nông sản nhập khẩu. Nhưng với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê sang nhiều thị trường như Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia…, tự tin vào chất lượng và sự khác biệt của sản phẩm mình cung cấp, trong đàm phán với đối tác châu Âu, thay vì đồng ý xuất hàng mang thương hiệu nhà nhập khẩu, CEO Meet More kiên quyết chỉ xuất hàng mang thương hiệu Việt.

Sau 6 tháng kiên trì đàm phán với đối tác EU, doanh nghiệp đã nhận được cái gật đầu để xuất những container đầu tiên từ đầu năm 2022. Giờ thì những lô hàng đi EU đều đặn hơn, số lượng cũng lớn dần. Giá bán cà phê nông sản cao hơn các loại cà phê bình thường từ 10 đến 15%.

Meet More là một trong những thương hiệu cà phê thuần Việt đã có được bước sải dài ra khỏi biên giới, ghi tên Việt Nam trên bản đồ nông sản toàn cầu và đang tận dụng rất tốt ưu đãi thuế quan từ các FTA.

Ngành cà phê xuất khẩu năm cao điểm đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào con số mấy chục tỷ USD của ngành nông nghiệp, nhưng phần nhiều được các doanh nghiệp xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

Ông Luận chia sẻ: “Chúng tôi luôn khát khao đưa được nông sản Việt ra thế giới, nhằm nâng cao giá trị của nông sản, được khách hàng thừa nhận”.

Đó là lý do ông nghiên cứu để sản xuất cà phê từ các loại trái cây, được đầu tư chế biến sâu. “Nếu chỉ xuất khẩu thô hoặc làm gia công thuần túy, giá trị gia tăng vừa thấp, vừa không tận dụng được lợi thế của quốc gia trồng cà phê có tiếng”, ông Luận bộc bạch.

Cà phê nông sản Meet More là kết quả của sự phối trộn khéo léo giữa cà phê và nông sản đạt tỷ lệ phù hợp với gu thưởng thức của khách hàng châu Âu cũng như các nước trên thế giới. Với loại cà phê độc đáo, khác biệt này, doanh nghiệp đã bán nhiều hàng đi Hàn Quốc, Nhật Bản. EU là thị trường mới, nhưng hiệu ứng thị trường rất tốt, vượt xa kỳ vọng của nhà xuất khẩu.

Meet More cũng đánh dấu thành công mới trên đất Mỹ khi vừa xuất khẩu thành công lô hàng đi Mỹ cách đây hơn 1 tháng. Lô hàng được thông quan tại cảng Oakland (California), ghi dấu bước đầu chinh phục thị trường mới của thương hiệu cà phê Việt.

“Với hệ thống phân phối rộng khắp bờ Tây nước Mỹ, nhất là tại các bang California và Washington, chúng tôi kỳ vọng chinh phục thị trường này trong tương lai gần. Hiện Meet More đang cùng đối tác phân phối xây dựng đội ngũ tập trung phát triển sản phẩm không chỉ tại bờ Tây, mà cả bờ Đông và toàn nước Mỹ”, ông Luận nói.

Cũng theo ông Luận, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA với các thị trường lớn, điều này rất có lợi cho các doanh nghiệp trong việc mở cửa thị trường, tìm kiếm nhà mua hàng mới.

Cơ hội từ cắt giảm thuế quan của EU đối với ngành hàng cà phê Việt Nam rất lớn. Với cam kết xóa bỏ thuế quan theo EVFTA, cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang EU có 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, nhất là với cà phê hạt, trước đây chịu thuế 15%, thì nay về 0%, đem nhiều lợi ích cho các nhà xuất khẩu.

Nếu CEO Meet More đưa thành công cà phê hòa tan mang hương vị nông sản như xoài, khoai môn, trái nhàu, bạc hà… có thể coi như một sự đột phá của cà phê Việt đến nhiều thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao, thì CEO Mia Group Nguyễn Ngọc Huyền cũng đi mở đường theo cách rất riêng.

Cuối năm ngoái, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ở Tokyo, Mia Group (Việt Nam) đã ký thoả thuận hợp tác dài hạn với Công ty Endo Seian (Nhật Bản) để xuất khẩu đậu đỏ và các sản phẩm chế biến từ đậu đỏ sang Nhật Bản.

“Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác phát triển vùng trồng đậu đỏ theo quy trình trồng trọt hữu cơ của Nhật Bản và xây dựng cơ sở chế biến tại Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe để xuất khẩu sang Nhật Bản với mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn đậu đỏ và sản phẩm chế biến từ đậu đỏ trong 5 năm tới. Sản lượng xuất khẩu có thể tăng lên tùy theo khả năng đáp ứng của phía Việt Nam.

Cuối tháng 3/2022, Mia Group bắt đầu trồng đậu đỏ hữu cơ tại Sơn La, Hà Giang, Nghệ An, nhằm cụ thể hóa thỏa thuận được ký vào cuối năm 2021.

Những ngày này, từ Paris (Pháp), bà Nguyễn Ngọc Huyền chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư: “Lô hàng 100 tấn đậu đỏ đầu tiên sẽ được Mia Group xuất khẩu sang Nhật vào tháng 12 năm nay, mở màn cho những lô hàng tiếp theo khi đậu đỏ trồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc thu hoạch đều đặn hơn”.

Đầu tư mở rộng, đón lõng thị trường

Thị trường xuất khẩu được củng cố, đơn đặt hàng nhiều hơn, Meet More đã tính đến chuyện đầu tư mở rộng để nâng công suất. “Hiện công suất chế biến của nhà máy khoảng 150.000 tấn/năm, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, chúng tôi đã lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ di dời nhà máy đến cơ sở lớn hơn để tăng công suất lên 1 triệu tấn/năm”, CEO Meet More cho hay.

Còn Mia Group đầy tự tin với kế hoạch mở rộng vùng trồng đậu đỏ tại nhiều tỉnh, thành phố. “Chúng tôi vừa trồng chính vụ và nghịch vụ, tận dụng tối đa thời gian và công nghệ canh tác để cung cấp được sản lượng cho khách hàng đúng tiến độ”, bà Huyền chia sẻ.

Hiện, Mia Group đã mở rộng vùng trồng lên 1.000 ha, kế hoạch năm 2023 và 2024 sẽ tiếp tục mở rộng với quy mô sản xuất lên đến 20.000 tấn/năm.

Nhu cầu sử dụng đậu đỏ của Nhật Bản khoảng 40 triệu tấn/năm, họ chỉ tự cung cấp được một nửa sản lượng, còn lại phải nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Thái Lan, Canada. Trong đó, Tập đoàn Endo Seian là một trong 3 công ty cung cấp đậu đỏ lớn nhất của Nhật Bản.

Với thỏa thuận đã ký với Endo Seian, Mia Group còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu. Bà Huyền chia sẻ: “Nhiều năm giao thương quốc tế đã khẳng định vị thế trên thị trường thế giới của chúng tôi. Doanh nghiệp không còn đơn thương độc mã, mà nhận được sự chia lửa, chung sức của nhiều đối tác với ý tưởng làm cho ngành nông nghiệp Việt lớn mạnh, các mắt xích trong chuỗi giá trị được thụ hưởng nhiều giá trị hơn”.

Nhờ dự án sản xuất và xuất khẩu đậu đỏ đi Nhật, nông dân Việt Nam sẽ từng bước thay đổi được định hướng canh tác hữu cơ để chính người Việt cũng sử dụng được nông sản hay trái cây sạch và tiêu chuẩn cao. 

Đại diện Tập đoàn Endo Seian xác nhận, hợp tác với Mia Group không chỉ là xuất nhập khẩu đơn thuần, mà sẽ cùng với Mia Group để đảm bảo quy trình trồng trọt và chế biến đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe của Nhật Bản, từ đó sẽ nhân rộng mô hình hợp tác này, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

“Khởi đầu là một công ty chuyên phân phối trái cây cao cấp ở Việt Nam, nhưng chưa bao giờ chúng tôi ngừng mơ ước đưa nông sản của Việt Nam trở nên chất lượng hơn, giá trị hơn, không những trên thị trường Việt Nam, mà còn có thương hiệu trên thế giới. Mia Group cam kết sẽ xây dựng thành công quy trình trồng đậu đỏ tiêu chuẩn chất lượng từ giai đoạn đầu tiên đến thành phẩm xuất khẩu đạt chuẩn Nhật Bản”, bà Huyền nhấn mạnh.

Ở kênh xuất khẩu, Mia Group kỳ vọng sẽ đứng trong top những doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam có vùng nguyên liệu đủ lớn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rau, củ, quả và các loại hạt tới các thị trường tiêu chuẩn cao trên thế giới.

Trong 8 tháng của năm 2022, xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Ấn tượng là doanh thu từ xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp chính như gạo, rau quả, cà phê, điều của Việt Nam đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó cà phê đạt mức tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ, gạo tăng 8,5%... Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp sẽ lớn dần và nâng cao về chất khi ngành sản xuất nội địa xuất hiện nhiều doanh nhân luôn đau đáu tìm đường nâng tầm cho nông sản Việt xuất khẩu.

Năm 2022, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như cà phê (tăng 40%), cá tra (tăng 82%), tôm (tăng 22%)...

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nông sản Việt bị kiểm tra gắt gao khi vào thị trường EU
Gạo, mỳ ăn liền, rau quả… của Việt Nam liên tục bị kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu vào thị trường EU. Các doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư