Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Mối lo dòng vốn quốc tế thoái lui khỏi các thị trường mới nổi
Chí Tín - 06/03/2016 09:03
 
Chia sẻ với các nhà đầu tư Việt Nam mới đây, ông Yun Hang Jin, chuyên gia cao cấp thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, dòng vốn quốc tế vẫn còn chịu áp lực tiếp tục thoái lui khỏi các thị trường mới nổi trong nửa đầu năm nay. Trong đó, thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài trào lưu chung này.

Căn cứ để ông Yun Hang Jin đưa ra nhận định này dựa trên những dự báo về động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan đến việc điều chỉnh lãi lãi suất cơ bản. Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (tháng 12/2015), Fed đã tăng lãi suất và việc này đã tác động không nhỏ đến dòng vốn trên thị trường tài chính quốc tế.

Theo tính toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2015, có tới 540 tỷ USD bị các nhà đầu tư quốc tế rút ra khỏi các thị trường mới nổi, còn nếu tính cả 2 năm 2014 và 2015 thì con số này là 1.000 tỷ USD.

.
.

Việc Fed điều chỉnh lãi suất được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2016. Theo ông Yun Hang Jin, có khả năng, Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần nữa vào tháng 6 và tháng 12 năm nay, với tổng cộng mức tăng thêm khoảng 50 điểm phần trăm. Tâm lý lo ngại của giới đầu tư quốc tế trước khả năng tăng lãi suất của Fed có thể tiếp tục làm USD mạnh lên, dẫn đến tâm lý rời bỏ các khối tài sản có rủi ro cao.

Đánh giá riêng về thị trường Việt Nam, chuyên gia Công ty Chứng khoán KIS cho biết, từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, thị trường đã chịu áp lực khá mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2016, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 7 triệu chứng khoán trên sàn TP.HCM, với giá trị hơn 4.100 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2016, bán ròng của khối ngoại vẫn là xu hướng chủ đạo trên sàn TP.HCM, khi tháng 1/2016, giá trị bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 1.200 tỷ đồng và tháng 2/2016 bán ròng hơn 200 tỷ đồng.

Khả năng khối ngoại sẽ tiếp tục bán ròng do tâm lý lo ngại rủi ro và xu hướng này có thể dừng lại trong quý II/2016. Theo dự đoán của ông Yun Hang Jin, sau khi bán ròng, quy mô dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán trong nước sẽ tăng nhẹ.

Trong khi đó, một số chuyên gia tài chính trong nước có quan điểm lạc quan hơn khi cho rằng, dòng vốn quốc sẽ không ảnh hưởng quá xấu đối với chứng khoán trong nước. Từ cuối năm 2015, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường chứng khoán có thể sẽ diễn ra theo kịch bản lình xình đi ngang trong quý I/2016, sau đó sẽ đi vào giai đoạn tăng trưởng. “Tuy nhiên, tốc độ đi lên theo chiều hướng chậm dần đều”, ông Nghĩa nói.

Ngoài những yếu tố liên quan đến dòng vốn quốc tế, hiện tại, thị trường cũng chịu ảnh hưởng đan xen của nhiều yếu tố khác ở trong nước. Trong đó, có những yếu tố tác động tích cực như việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ, quy định về nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, việc mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh, cho phép giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày... Trong khi đó, một số yếu tố bất lợi có thể kể ra như động thái Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đẩy mạnh thu hồi nợ có thể gián tiếp gây ảnh hưởng xấu lên nguồn cung cầu thị trường; việc nới room tuy có tác động tích cực nhất định, nhưng đối tượng còn hạn chế và nhiều ngành nghề chưa xác định rõ ràng về room, nên nhiều nhà đầu tư còn trong trạng thái nghe ngóng.

Vì sao vốn ngoại vẫn thận trọng vào ngân hàng nội?
Các nhà đầu tư nước ngoài khá thận trọng khi lựa chọn ngân hàng trong nước để rót vốn do còn nhiều vấn đề chưa được minh bạch. Mặt khác,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư