-
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn” -
Bộ Kế hoạch Đầu tư tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng năm 2024 -
Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Giảm sâu hơn hoặc miễn thuế cho báo chí
Ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Trật tự thế giới sẽ có sự thay đổi nhất định phụ thuộc vào các chính sách kinh tế, thương mại, chính trị, đối nội, đối ngoại... của chính quyền Mỹ trong vòng ít nhất 4 năm tới. “Các nước sẽ có tính toán cho riêng mình, còn với Việt Nam, chúng ta tiếp tục nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ”, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao |
Trong 4 năm vừa qua, dưới thời của Tổng thống Donald Trump, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được củng cố và phát triển. Ông có tin rằng, trong 4 năm tiếp theo, mối quan hệ từng được ông đánh giá là “mẫu mực” tiếp tục được nâng cao?
Mối quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua hơn 25 năm. So với quan hệ bang giao với nhiều nước, thì mối quan hệ Việt - Mỹ chưa phải là dài, nhưng suốt 25 năm qua chưa từng xảy ra sóng gió hay “bằng mặt chẳng bằng lòng”, mà luôn đi từ thấp đến cao cả chiều rộng lẫn chiều sâu, dù Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm Hạ viện, Thượng viện hay lưỡng viện Quốc hội Mỹ; dù 2 đảng liên tục thay nhau làm chủ Nhà Trắng, bắt đầu từ Tổng thống Bill Clinton của Đảng Dân chủ đến George Bush của Đảng Cộng hòa, đến Barack Obama của Đảng Dân chủ, rồi lại chuyển giao cho Donald Trump của Đảng Cộng hòa, thì mối quan hệ Việt - Mỹ có thể gói gọn trong 2 chữ “tuyệt vời” hay “mẫu mực”.
Trong 4 năm tiếp theo, dưới thời của Tổng thống Joe Biden, không chỉ tôi mà các nhà ngoại giao, chính khách khác đều có chung nhận định là mối quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục được củng cố, phát triển và bước lên tầm cao mới, sâu hơn, rộng hơn. Vì ngay trong thời gian làm Thượng nghị sỹ và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, đặc biệt khi làm “phó tướng” cho Tổng thống Barack Obama, đương kim Tổng thống Joe Biden rất có thiện cảm với Việt Nam, đặc biệt với các nhà lãnh đạo nước ta.
Nhiều người Việt Nam hẳn còn nhớ, hơn 5 năm trước, vào tháng 7/2015, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm Mỹ. Tại đây, ông Biden đã đọc hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” với hàm ý rất sâu sắc và có thể nói đã khái quát được toàn bộ mối quan hệ Việt - Mỹ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời thể hiện tình cảm của ông với lãnh đạo Việt Nam.
Quan hệ giữa 2 quốc gia là mối bang giao, có đi có lại, nhưng lãnh đạo 2 quốc gia có tình cảm cá nhân với nhau đóng vai trò hết sức quan trọng để xây dựng, vun đắp mối bang giao giữa 2 quốc gia. Tổng thống Joe Biden là người có tình cảm với nhân dân Việt Nam, với lãnh đạo Việt Nam và là người kế thừa trong việc vun đắp, xây dựng, củng cố mối quan hệ Việt - Mỹ trong hơn 25 năm qua, nên tôi tin rằng, mối quan hệ này sẽ tiếp tục rộng mở và đi vào chiều sâu.
Ông Joe Biden bắt tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C ngày 7/7/2015 |
Nhưng bất cứ chính quyền nào cũng phải đặt lợi ích, quyền lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết, một khi lợi ích và quyền lợi quốc gia bị ảnh hưởng, thì chính sách ngoại giao cũng sẽ thay đổi, thưa ông?
Một trong những điểm căn bản nhất tạo động lực để quan hệ Việt - Mỹ suốt hơn 25 năm qua liên tục được củng cố, mở rộng trong mọi lĩnh vực chính là 2 nước có rất nhiều lợi ích song trùng, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Cũng như quan hệ cá nhân với cá nhân, khi 2 bên càng quan hệ sâu rộng, thì tất yếu nảy sinh các vấn đề cọ sát nhau, điều này cũng là bình thường.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump ưu tiên xử lý vấn đề thương mại, đặc biệt là thâm hụt thương mại với các đối tác.
Thực hiện theo đúng slogan “Nước Mỹ trên hết” hay “Nước Mỹ trước hết” và “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump đã mạnh tay với các quốc gia xuất siêu vào Mỹ bằng việc khởi xướng và thực thi các cuộc chiến thương mại.
Nhưng với Việt Nam, dù vấn đề thâm hụt thương mại cũng nổi lên, nhưng ông Trump đã không có chính sách nào “mạnh tay”, mà phía Mỹ chỉ có những vụ kiện về mặt hàng nào đó bán phá giá.
Ông có thể phân tích, vì sao Tổng thống Donald Trump không ứng xử với Việt Nam như những nước xuất siêu lớn vào Mỹ?
Theo tôi, vì ông Trump nhìn đại cục và thấy nhiều lợi ích song trùng giữa 2 bên còn lớn hơn nhiều so với vấn đề thương mại. Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam bán vào thị trường Mỹ không gây hại cho doanh nghiệp Mỹ, cho người lao động Mỹ.
Từng có nhiều năm làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Tổng thống Joe Biden có thể coi là “bậc thầy” về ngoại giao, nên ông chắc chắn nhìn rất rõ lợi ích song trùng trong mối quan hệ với Việt Nam rất lớn. Còn vấn đề thâm hụt thương mại chỉ được coi là sự “cọ sát” và 2 bên đã, đang và tiếp tục tìm cách xử lý hiệu quả. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động vận tải hàng không phục hồi, Việt Nam sẽ mua thêm nhiều máy bay Boeing; các doanh nghiệp trong lĩnh vực khí hoá lỏng, công nghệ cao, công nghệ sạch chắc chắn nhập nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ từ Mỹ, nên bài toán thâm hụt thương mại sẽ được giải quyết trên tinh thần 2 bên cùng có lợi.
Trái ngược với người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden muốn xử lý các vấn đề quốc tế theo hướng tiếp cận đa phương dựa trên luật lệ quốc tế và củng cố mối quan hệ đồng minh, vì vậy, ứng xử của chính quyền Joe Biden với khu vực ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tác động đến mối quan hệ với Việt Nam vì chúng ta là một trong những nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là khu vực ASEAN.
Vấn đề phức tạp nhất, khó giải quyết nhất ở khu vực ASEAN chính là Biển Đông. Với chính sách xử lý các vấn đề quốc tế theo hướng tiếp cận đa phương, dựa trên luật lệ quốc tế và củng cố mối quan hệ đồng minh, theo ông, Tổng thống Joe Biden sẽ xử lý vấn đề Biển Đông thế nào?
Nếu như Trung Quốc muốn xử lý vấn đề Biển Đông riêng rẽ với từng nước ASEAN có liên quan trực tiếp, thì chính quyền Mỹ muốn xử lý vấn đề này dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về luật biển quốc tế (UNCLOS 1982). Không chỉ Mỹ, mà hầu hết các nước trên thế giới đều có quyền lợi trên Biển Đông và muốn an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không theo đúng luật pháp quốc tế.
Việc theo đuổi chính sách ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế và củng cố mối quan hệ đồng minh, quan hệ truyền thống của Tổng thống Joe Biden chắc chắn có lợi cho Việt Nam, mặc dù chính sách ngoại giao này ít “ồn ào” hơn, có thể coi là “cổ điển” so với chính sách của Tổng thống Donald Trump, nhưng thân thiện với các đồng minh, tập trung hơn, nên chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Toàn bộ định hướng chính sách đối ngoại của Joe Biden đã được ông trình bày trong bài “Why America must lead again” đăng trên Tạp chí Foreign Affairs tháng 4/2020. Riêng về vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng, chính quyền Joe Biden sẽ yêu cầu các bên thực hiện nghiêm túc Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA). Cụ thể, Trung Quốc đã xâm chiếm trái phép bãi cạn Scarborough, ngày 22/1/2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc vi phạm UNCLOS 1982. Ngày 12/7/2016, PCA ra tuyên bố Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò). Ngoài ra, Tòa bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.
Một khi chính quyền Mỹ cương quyết vấn đề này, thì các nước ASEAN được hưởng lợi, trong đó có Việt Nam, vì chúng ta luôn muốn xử lý, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo đúng luật pháp quốc tế.
Như vậy, mặc dù cả hai tổng thống Joe Biden và Donald Trump có nhiều chính sách không tương thích với nhau, thậm chí là đối chọi nhau, nhưng riêng trong xử lý vấn đề Biển Đông, cả 2 ông đồng quan điểm?
Về chính sách đối ngoại, Joe Biden kế thừa 2 “di sản lớn” của 2 người tiền nhiệm để lại. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Barack Obama thực hiện chiến lược “Xoay trục” (Pivot) và “Tái cân bằng” (Rebalance) đã hướng trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ từ khu vực châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương như một cách đảm bảo và giữ vững vai trò của Mỹ. Mặc dù rất nhiều chính sách của Donald Trump đối lập với Barack Obama, nhưng riêng chính sách “Xoay trục” tiếp tục được thực hiện, vì chính sách này được cả Thượng viện và Hạ viện “bật đèn xanh”, mặc dù sau mỗi 2 năm, lưỡng viện Quốc hội Mỹ lại bầu cử một lần.
Chỉ sau một thời gian ngắn làm chủ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, vạch ra một tầm nhìn cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà ở đó tất cả các quốc gia phát triển thịnh vượng, thương mại tự do, công bằng và có qua có lại, tự do hàng hải được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia.
Tháng 11/2017, Donald Trump ủng hộ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các nước khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; khuyến khích tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Tháng 12/2018, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Build nhằm sử dụng có hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trên cơ sở thành lập Công ty Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (USDFC) với tổng trị giá có thể huy động tới 60 tỷ USD và lên 200 tỷ USD để thay thế cho “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc cầm trịch nhằm biến các khoản đầu tư thành “bẫy nợ”.
Nhằm cơ cấu lại chuỗi sản xuất toàn cầu, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra sáng kiến “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” với “Tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ - Australia - Nhật Bản - Ấn Độ và mở rộng thêm 3 đối tác gồm Việt Nam - Hàn Quốc - New Zealand, nhằm kết nối nhiều quốc gia cùng hình thành một mạng lưới phối hợp với nhau để tự chủ về chuỗi cung ứng hàng hóa. Đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia đẩy nhanh hơn quá trình hình thành “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” vì đã thấy tác hại vô cùng lớn khi nền sản xuất của thế giới phụ thuộc quá lớn vào “Công xưởng thế giới” - Trung Quốc.
Những “di sản” lớn của Barack Obama (“Xoay trục” và “Tái cân bằng”) và của Donald Trump (Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; và Mạng lưới kinh tế thịnh vượng) chắc sẽ được đẩy mạnh dưới thời Joe Biden, nhưng có lẽ là không thực hiện theo đúng đường đi, nước bước đã được lập ra, mà được cài đặt lại cho hiệu quả hơn. Và Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích khi các chính sách đó được thực thi hiệu quả.
Nói như vậy, thì thế giới sẽ phân cực, một bên là Mỹ, bên kia là Trung Quốc?
Tôi dám chắc rằng, thế giới không bao giờ phân chia làm 2 cực, hay gọi là 2 tuyến như thời chiến tranh lạnh Xô - Mỹ trước đây nữa. Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ số 1, thách thức số 1, không phải kẻ thù, mà là đối thủ cạnh tranh lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung dù quyết liệt đến mấy cũng không bao giờ rơi vào chiến tranh lạnh kiểu Xô - Mỹ trước đây.
“Thế giới phẳng” ngày nay không cho phép một cường quốc nào làm được như thế. Không ai có đủ tiềm lực, sức mạnh và sự ảnh hưởng để phân chia thế giới. Và không nước nào chấp nhận sự phân chia như thời kỳ chiến tranh lạnh. Vì muốn phân chia 2 cực, đầu tiên là “người tiên phong” phải mạnh tay chi tiền ra bao cấp các đồng minh. Riêng mặt này, thì cả Trung Quốc lẫn Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác cũng không có ý định làm như thế, và nếu muốn cũng không có đủ nguồn lực tài chính, quân sự để làm như thời Xô - Mỹ trước đây. Tóm lại, trật tự thế giới mới hình thành trên cơ sở đa cực, các cường quốc cạnh tranh chiến lược đan xen với hợp tác.
Trong bình diện này, mỗi quốc gia buộc phải lựa chọn “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” hay “Một vành đai, một con đường”, tính toán đường đi nước bước cho riêng mình trên cơ sở tối đa hóa lợi ích, quốc gia dân tộc.
Quả là rất khó để tối đa hóa lợi ích dân tộc trong bối cảnh phải lựa chọn như vậy, thưa ông?
Dưới thời của Donald Trump, các chính sách thay đổi chóng mặt, thậm chí “sớm nắng, chiều mưa”, rất khó đoán định, nhưng về ngắn hạn, các nước đều biết tận dụng cơ hội để đem lại lợi ích cho mình. Đơn cử, khi Donald Trump khởi chiến và theo đuổi đến cùng với Trung Quốc trên mặt trận thương mại, nhiều nước đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Còn chính sách của Joe Biden ổn định hơn, dễ đoán định hơn, song hiệu quả thế nào chỉ có thời gian mới trả lời được. Nhưng tôi tin rằng, với chính sách ngoại giao, kinh tế đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam, muốn làm bạn, làm đối tác với tất cả các nước trên thế giới, không liên minh, liên kết với nước này để làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nước khác, thì chúng ta vẫn tối đa hóa được lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, dù đại diện của đảng nào, Dân chủ hay Cộng hòa làm “ông chủ” Nhà Trắng.
Ông Joe Biden được coi là “kiến trúc sư trưởng” của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi ông là “phó tướng” của Tổng thống Barack Obama. Khi trở thành Tổng thống, ông có nghĩ rằng, ông Joe Biden sẽ đưa Mỹ quay trở lại TPP như ban đầu?
Trong những năm đầu cầm quyền, vấn đề tái gia nhập TPP chắc chắn không xảy ra, vì Tổng thống Joe Biden phải xử lý vấn đề nội bộ nước Mỹ. Đó là đối phó với đại dịch Covid-19, phục hồi nền kinh tế và đoàn kết lại người dân Mỹ.
Ngay sau khi được báo chí loan tin thắng cử, ứng viên Joe Biden đã đăng trên Twitter: “Nước Mỹ, tôi tự hào vì các bạn đã chọn tôi để làm lãnh đạo đất nước tuyệt vời này. Công việc sắp tới của chúng ta sẽ vô cùng vất vả, nhưng tôi cam kết với các bạn sẽ là Tổng thống của tất cả người dân Mỹ, dù bạn có bầu cho tôi hay không”. Thông điệp đoàn kết toàn nước Mỹ của ông Joe Biden rất rõ ràng và ông chắc chắn ưu tiên cho điều này.
-
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để Hà Nội chuyển đổi số hiệu quả -
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ để xây mới -
Công bố 6 thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực văn hóa
-
Ưu đãi thuế, lo doanh nghiệp nhỏ “không chịu lớn” -
Đại biểu tranh luận gay gắt về tăng thuế với rượu bia, nước uống có đường -
Bộ Kế hoạch Đầu tư tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua khen thưởng năm 2024 -
Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: Giảm sâu hơn hoặc miễn thuế cho báo chí -
Nông nghiệp là trụ cột gia tăng xuất khẩu -
Hút mỗi điếu xì gà sẽ phải trả thêm 50.000 - 100.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt -
Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Cần làm rõ hiệu quả ưu đãi thuế với "đại bàng"
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025