Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Một đồng hỗ trợ đến sớm, nền kinh tế hồi phục sớm
Khánh An - 27/05/2022 08:55
 
Sự minh bạch, công khai trong thể chế, trong môi trường kinh doanh được cho là chìa khóa để đẩy tiến độ các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Bối cảnh đã thay đổi rất lớn, nên những thách thức mà doanh nghiệp đối mặt sẽ nhiều hơn các vấn đề giá cả tăng cao, các chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy... 

Doanh nghiệp lo rủi ro

“Cải cách thể chế để tạo động lực cho các doanh nghiệp mạnh dạn, không sợ rủi ro để đầu tư”, ông Nguyễn Như So, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam trả lời câu hỏi “Doanh nghiệp đang cần gì nhất?” của phóng viên Báo Đầu tư ngay khi Quốc hội vừa kết thúc buổi làm việc tại tổ sáng 25/5.

Cả buổi sáng, ông và các đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang đã trao đổi rất nhiều về những tồn tại, khó khăn khi đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022... Nguyên nhân do thể chế, cơ chế chính sách hay do chủ quan của cấp thực thi được các đại biểu Quốc hội đưa ra mổ xẻ.

“Theo tôi, nhiều cơ chế, chính sách không thể chỉnh sửa nữa mà cần thay đổi, vì bối cảnh đã thay đổi rất lớn, nếu không thì sẽ rất khó làm, không dám làm”, ông Nguyễn Như So thẳng thắn.

Những thay đổi rất lớn mà ông So nhắc tới không chỉ là tình hình kinh tế trong nước, nước ngoài, mà còn ở tính phức tạp, khó dự báo, thậm chí không thể dự báo ở tình hình vĩ mô và điều hành, thực thi, nên những thách thức mà doanh nghiệp đối mặt sẽ nhiều hơn các vấn đề giá cả tăng cao, các chuỗi cung ứng tiếp tục đứt gãy... mà các báo cáo của Chính phủ nhắc đến.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc thẳng thắn gọi tên nhu cầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang cần là môi trường kinh doanh an toàn. “Sự an toàn này bắt đầu từ sự minh bạch của hệ thống pháp luật và hành động của đội ngũ công chức thực thi trên cơ sở vừa chặt chẽ, nhưng khuyến khích được tinh thần đổi mới, sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, thấy đúng thì làm...”, ông Lộc trao đổi.

Từng là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhiều nhiệm kỳ, đang là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ông Lộc chia sẻ đòi hỏi thay đổi, cải cách thể chế mà đại biểu Nguyễn Như So đã nhắc đến. 

Đây cũng là điều giới chuyên gia kinh tế nhắc đến khi phân tích rằng, khung khổ pháp lý hiện nay được thiết kế cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi, nhưng giờ là giai đoạn nền kinh tế cần cơ chế thị trường đầy đủ, hiện đại để hội nhập và ứng phó kịp với xu thế phát triển mới. Trong quá trình này, chỉ cần có sự không tương thích trong các quy định, tư duy không phù hợp với cơ chế thị trường, thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với cả thất bại trong kinh doanh và rủi ro pháp lý không đáng có.

Đặc biệt, điều ông Vũ Tiến Lộc lo ngại vào thời điểm này là sự chậm trễ trong cải cách thể chế, nhất là trong tư duy của đội ngũ công chức. “Một đồng hỗ trợ doanh nghiệp đến sớm thì doanh nghiệp sớm khỏe, sớm có những tác động lan tỏa tới nền kinh tế. Chứ nếu động vào đâu cũng vướng thủ tục, khó làm, sợ làm sai, thì càng khó cho phục hồi, khó cho tăng trưởng và càng gây áp lực tới lạm phát”, ông Lộc nói.

Cần chế tài cho sự chậm trễ

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu chia sẻ quan điểm này. Theo ông, khó khăn của doanh nghiệp vẫn y nguyên so với thời dịch bệnh căng thẳng, nếu nhìn ở góc độ đứt gãy chuỗi cung ứng, logistics, chi phí hoạt động, giá cả tăng...

“Cuộc chiến Nga - Ukraine, chính sách phòng chống Covid-19 của Trung Quốc đều tác động đến các yếu tố trên. Dù không gọi tên các yếu tố tác động, nhưng thiết kế của gói giải pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế đã xác định ngay từ đầu là hỗ trợ giảm chi phí, tăng thuận lợi cho doanh nghiệp. Nhưng không chỉ chậm trễ trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trọng tâm cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh cũng chậm”, ông Hiếu phân tích.

Khi phát biểu thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Hiếu nhắc đến dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn giữ được trong khoảng 4% như chỉ tiêu kế hoạch, nhưng lại hàm chứa sự cầm chừng trong các hoạt động kinh tế.

“Bức tranh sức khỏe của doanh nghiệp cần được bổ sung chi tiết, đầy đủ, cụ thể, không chỉ chung chung là do tăng giá nguyên vật liệu...”, ông Hiếu nói và nhắc tới tình trạng không đồng bộ, bất hợp lý, thiếu minh bạch của hệ thống pháp luật về quản lý chuyên ngành; cách thức áp dụng quản lý rủi ro chưa khoa học, chưa minh bạch, chưa theo thông lệ quốc tế của hoạt động thông quan hàng hóa; tình trạng một lô hàng nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau kiểm tra vẫn còn...

“Phải ghi rõ các vấn đề tồn tại thì các giải pháp đưa ra mới đánh giá được tác động, hiệu quả. Theo tôi, nội dung về cải cách thể chế đang là điểm mờ trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội”, ông Hiếu nói.

Cần phải nhắc lại điều đại biểu Hiếu từng nói nhiều lần, đó là Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đưa ra những giải pháp bổ sung, chứ không thể thay thế các giải pháp căn cơ đã xác định trong Nghị quyết 01/2022/NQ-CP, Nghị quyết 02/2022/NQ-CP và Nghị quyết 68/2020/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm quy định liên quan đến kinh doanh.

Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng giao thông cũng được cho là có nguyên nhân từ những chậm trễ trong cải cách thể chế vốn đã được chỉ ra khá lâu, nhưng chưa giải quyết dứt điểm.

Ngay cả sự ngần ngại của công chức ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan cũng có lý do này, khi mà sự minh bạch trong hệ thống pháp luật, sự nghiêm minh trong thực thi vẫn còn là tồn tại. Chia sẻ về thực trạng trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như trong điều hành của Chính phủ, đã có chế tài nếu vi phạm, làm sai, thì cũng cần phải có chế tài về sự chậm trễ.

“Không thể để Chương trình phụ thuộc vào tốc độ của nơi làm chậm nhất. Để đẩy nhanh, quy trình, thủ tục cần thay đổi gì để nhanh hơn, hay cần bổ sung giải pháp gì không, có thể dành cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong các dự án đầu tư hạ tầng giao thông không, Chính phủ phải làm rõ, có đề xuất. Quốc hội đã có kỳ họp bất thường. Các ủy ban của Quốc hội sáng đèn liên tục. Vấn đề là phải quyết tâm thực hiện bằng được, không thể cứ chậm mãi được”, ông Lộc đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Lộc cũng đề nghị có cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, yểm trợ cho những người dám nghĩ, dám làm để thực hiện mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp. Thời điểm này, doanh nghiệp phục hồi nhanh là nhân tố quyết định sự ổn định của nền tài chính quốc gia và sự tăng trưởng.

 

Ưu tiên các giải pháp thực thi nhanh, có chi phí tuân thủ thấp

- TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Nguy cơ lạm phát hiện tại phần lớn do chi phí bên ngoài, phần này là bất khả kháng. Chúng ta chỉ có thể dự báo, đánh giá, cảnh báo sớm về các điểm nghẽn, như điểm nghẽn về chuỗi cung ứng, đứt gãy các ngành bên ngoài... để doanh nghiệp có phương án ứng phó. Còn phần ta chủ động được là khơi thông bên ngoài và bên trong, không để ách tắc.

Hỗ trợ doanh nghiệp thì sẽ phải tăng cung tiền vào nền kinh tế. Để kích thích nền kinh tế thì vẫn phải bơm tín dụng, nhưng khi cung tiền tăng, đưa vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng tốc độ phục hồi, vòng quay tiền tăng lên, thì sẽ giảm tác động tiêu cực tới lạm phát. Không nên sợ cung tiền tăng thì lạm phát tăng luôn.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần được rà soát, đánh giá để ưu tiên các giải pháp thực thi nhanh, có chi phí tuân thủ thấp. Yếu tố thời gian trong thời điểm này đóng vai trò quan trọng khi đánh giá về hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

 

 

Sự suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh

- Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội

Doanh nghiệp kinh doanh không phải lúc nào cũng thành công, sẽ có những lúc thất bại. Vậy nên, cần đối xử làm sao để họ thấy họ luôn được hỗ trợ, được ủng hộ, lúc thành công cũng như lúc thất bại. Để thu hút nguồn lực vào sản xuất - kinh doanh, người đầu tư cần có niềm tin vào thị trường. Sự suy giảm đáng sợ nhất là suy giảm ý chí kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp, chứ không hẳn là tốc độ tăng trưởng.

Với các dự án đầu tư công trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các dự án vành đai của Hà Nội, TP.HCM, tôi vẫn giữ quan điểm, nếu dự án nào tư nhân muốn làm thì để họ làm, đúng như nguyên tắc phần việc nào tư nhân không làm thì Nhà nước mới làm. Ví như đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu có khả năng thu hồi vốn cao, nên áp dụng hình thức PPP.

Có thể cân nhắc mở rộng cơ chế huy động vốn cho các địa phương để tăng tính chủ động và bảo đảm tiến độ các dự án. Các dự án này thực hiện nhanh, sẽ mở không gian phát triển cho doanh nghiệp và dư địa kêu gọi đầu tư của các địa phương.

 

Sẵn sàng cho phục hồi kinh tế
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song nền kinh tế đã sẵn sàng cho sự phục hồi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư