Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Một nhân viên ngân hàng “cõng” hơn nửa tỷ đồng lợi nhuận
Thùy Liên - 23/01/2017 09:01
 
Tại ngân hàng có hiệu suất làm việc tốt nhất, trung bình mỗi cán bộ, nhân viên làm ra khoảng 600 triệu đồng lợi nhuận trong năm 2016.
TIN LIÊN QUAN

Như thường lệ, dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng năm 2016 là khối ngân hàng thương mại quốc doanh với 4 ông lớn: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, năm 2016, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietcombank là 8.500 tỷ đồng. Trong số các ngân hàng thương mại quốc doanh, Vietcombank có số nhân viên thấp nhất (hơn 14.000 nhân viên) và hiệu quả làm việc của cán bộ, nhân viên cao nhất hệ thống.

Không cao bằng khối 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, nhưng năm 2016, mỗi nhân viên VPBank cũng làm ra khoảng 15 triệu đồng lợi nhuận/tháng. Ảnh: Đức Thanh
Không cao bằng khối 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, nhưng năm 2016, mỗi nhân viên VPBank cũng làm ra khoảng 15 triệu đồng lợi nhuận/tháng. Ảnh: Đức Thanh

Như vậy, trung bình mỗi nhân viên của Vietcombank trong năm qua làm ra khoảng 600 triệu đồng lợi nhuận, tức khoảng 50 triệu đồng/tháng. Đây cũng là lý do khiến nhân viên Vietcombank có mức lương, thưởng tốt nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay.

Với 8.250 tỷ đồng, lợi nhuận của VietinBank gần bằng với Vietcombank, song số nhân viên của ngân hàng này lớn hơn nhiều (21.000 nhân viên), nên tính trung bình, mỗi nhân viên VietinBank năm qua đã làm ra 474 triệu đồng lợi nhuận, tức gần 40 triệu đồng/tháng.

Đứng thứ ba là BIDV. Đội ngũ 24.000 cán bộ, nhân viên của ngân hàng này làm ra 7.500 tỷ đồng lợi nhuận, tức mỗi nhân viên đóng góp 312 triệu đồng lợi nhuận/năm, tương đương 26 triệu đồng/tháng.

Đứng cuối trong số 4 ngân hàng thương mại lớn là

Agribank. Ngân hàng này có 40.000 cán bộ, nhân viên, song chỉ làm ra hơn 4.000 tỷ đồng. Có nghĩa là, trong năm 2016, mỗi nhân viên Agribank làm ra 100 triệu đồng lợi nhuận, tương đương 8,3 triệu đồng/tháng.

Ở khối ngân hàng TMCP, chưa có nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận, song con số công bố ở một vài ngân hàng cho thấy, năng suất làm việc của nhân viên các ngân hàng không đồng đều.

Dẫn đầu về lợi nhuận làm ra ở khối ngân hàng TMCP đến thời điểm này là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Năm 2016, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 3.711 tỷ đồng, tính ra mỗi nhân viên làm ra khoảng 510 triệu đồng, tức gần 43 triệu đồng/tháng. Con số này ở Ngân hàng VIB là 14,6 triệu đồng/tháng, của VPBank khoảng 15 triệu đồng/tháng…

Tại một số ngân hàng đang tái cơ cấu, mỗi nhân viên ngân hàng chỉ làm ra 2 - 3 triệu đồng lợi nhuận/tháng. Tính sơ sơ, toàn hệ thống vẫn có hơn chục ngân hàng có mức lợi nhuận làm ra của mỗi cán bộ, nhân viên dưới 10 triệu đồng/tháng.

Tất nhiên, mức lợi nhuận mà mỗi nhân viên ngân hàng tạo ra không thể đánh giá được hiệu suất làm việc của nhân viên từng ngân hàng, bởi con số này còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố của ngân hàng đó, đặc biệt là chi phí xử lý nợ xấu, dự phòng rủi ro, chi phí hoạt động… Chưa kể, không phải con số lợi nhuận của ngân hàng nào cũng thực chất. Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận cao, song thực chất là tính cả lãi dự thu (nhiều khả năng là ảo) và chưa tính cả phần nợ xấu ngoại bảng.

Nhìn vào số liệu nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng, có thể thấy, số liệu lợi nhuận và nợ xấu minh bạch nhất hệ thống hiện nay là Vietcombank. Đến hết năm 2016, ngân hàng này đã mua hết nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đưa tất cả nợ xấu về một sổ, không còn nợ ngoại bảng, nội bảng như các ngân hàng khác. Tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này cũng đạt mức rất cao, lên tới 121% tổng nợ xấu.

Tại hầu hết các ngân hàng khác, dù nợ xấu đã về dưới 3%, thậm chí chỉ còn hơn 1%, song vẫn còn hàng ngàn tỷ đồng nợ xấu chưa được xử lý (nằm trong kho của VAMC). Những năm tới, khi nợ xấu bắt buộc phải được tính đúng, tính đủ, bao gồm cả nợ ngoại bảng và nội bảng, thì hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bốc hơi để trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu này.

Điều đáng mừng là, Chính phủ đã chuẩn bị nhiều giải pháp thực tiễn để xử lý nợ xấu triệt để hơn bắt đầu từ năm 2017, cộng với môi trường kinh doanh ngày càng tích cực sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng khả quan hơn và hiệu suất hoạt động của nhân viên ngân hàng cũng cao hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư